Tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích: Tung hết những phương tiện tối tân

14/03/2014 07:10 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Gần như mọi lực lượng hải quân đang hiện diện ở Đông Nam Á đều đã tham gia cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines bị mất tích, mang theo không ít phương tiện tìm kiếm vào loại tối tân nhất.

Hải quân Mỹ hiển nhiên là lực lượng lớn nhất và được trang bị tốt nhất đang hiện diện ở Thái Bình Dương; và họ cũng đã nhanh chóng tham gia vào cuộc tìm kiếm.

Những công cụ tìm kiếm hiện đại

2 khu trục hạm đóng tại San Diego đã được điều tới sục sạo các vùng biển mà chính quyền Malaysia cho là nơi chiếc Boeing 777 mất tích. Cụ thể tàu USS Kidd đã tìm kiếm khu vực phía Tây Nam vịnh Thái Lan, trước khi tiến tới eo Malacca trong ngày 13/3.

Phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ, ông William Marks, nói rằng một con tàu khu trục khác tên USS Pickney cũng đã tìm kiếm ở khu vực Đông Bắc Malaysia, nằm giữa Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, trước khi tới Singapore để bảo dưỡng.

Mỹ đã điều hai khu trục hạm USS Kidd (ảnh) và USS Pickney tham gia tìm kiếm

Mỹ đã điều hai khu trục hạm USS Kidd (ảnh) và USS Pickney tham gia tìm kiếm

2 chiếc trực thăng HM-60R Seahawk của tàu Kidd đã liên tục bay nhiều chuyến, từ sáng sớm tới khi Mặt trời lặn, để tìm kiếm dấu vết các mảnh vỡ. Những chiếc máy bay này có thể tìm kiếm trên một khu vực rộng 720 x 1.000 km trong một lượt bay bình thường kéo dài 3 giờ rưỡi, tùy thuộc vào điều kiện biển và thời tiết, cũng như kích cỡ của vật thể cần tìm.

Các cảm biến trên máy bay có thể dò tìm những vật thể nhỏ trôi nổi trên nước, bên cạnh việc thành viên phi hành đoàn sử dụng ống nhòm hoặc mắt thường để tìm kiếm. Các máy bay Seahawk còn có các camera hồng ngoại hướng về phía trước, phục vụ việc bay đêm.

Ngoài các tàu và máy bay này, hải quân Mỹ còn điều một chiếc máy bay P-3C Orion để sục sạo khu vực eo Malacca và vịnh Thái Lan. Máy bay P-3C có thể tìm kiếm trong một thời gian dài và cứ mỗi giờ lại có thể kiểm tra được một khu vực rộng 1.600 x 2.400 km. Các cảm biến rất nhạy trên máy bay cho phép tổ lái phát hiện rõ ràng những mảnh vỡ nhỏ nhất trên mặt nước.

Xếp sau Mỹ là Trung Quốc. Hiện có 4 tàu hải quân của nước này tham gia hoạt động tìm kiếm, gồm Jinggangshan, con tàu thuộc lọai lớn  của hải quân Trung Quốc. Nó có một sàn bay lớn, có khả năng phóng đi vài chiếc trực thăng tìm kiếm. Ngoài ra một chiếc máy bay của không quân Trung Quốc cũng đang được điều đi để tìm kiếm tín hiệu phát ra từ các hộp đen của chiếc Boeing 777.

Tờ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh còn điều đi 4 chiếc máy bay trực thăng và 4 tàu tìm kiếm dân sự. Tàu Kunlunshan, một con tàu đổ bộ cỡ lớn khác trang bị 2 trực thăng của Trung Quốc, đã tới khu vực vịnh Thái Lan vào sang sớm 13/3 để tìm kiếm máy bay.

Trung Quốc đã có kế hoạch mở rộng quy mô tìm kiếm tại khu vực Tây Bắc, hướng về phía Vịnh Thái Lan và bao phủ trên một khu vực rộng 17.000 km2 nằm trên vịnh Thái Lan. "Diện tích này bằng một thành phố tầm trung và chúng tôi phải cẩn trọng trong công việc bởi tìm kiếm trên một khu vực lớn như vậy đặt ra những đòi hỏi cao hơn" - Liu Zhonghu, thuyền trưởng tàu Jinggangshan, cho tờ báo biết.

Trên kênh truyền hình CCTV, các sĩ quan hải quân Trung Quốc nói rằng lực lượng tìm kiếm nước này sẽ sử dụng các trực thăng trên 2 tàu Jianggangshan và Kunlunshan. Ngoài ra các tàu cũng sẽ sử dụng ra-đa  âm (sonar) và rô-bốt để tìm kiếm.

Hàng loạt nước chung tay

Bất chấp việc chỉ có tiềm lực nhỏ bé, quân đội Philippines vẫn lập tức điều các tàu tìm kiếm cứu hộ và máy bay vào biển Đông, chỉ sau vài giờ kể từ khi chiếc máy bay được báo cáo mất tích vào thứ Bảy tuần trước.

Tàu hải quân lớn nhất và mới nhất của Philippines là BRP Gregorio Del Pilar, vốn là một tàu tuần duyên cũ của Mỹ, đã được triển khai hôm 12/3 để tham gia tìm kiếm, thay thế 2 tàu tuần tra đã trở về cảng để tiếp liệu và bổ sung hàng tiếp tế. Bà Cherry Tindog, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh phía Tây của Philippines cho biết không quân Philippines đã điều một chiếc Fokker 27 để tìm kiếm trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật tuần trước. Chiếc máy bay này đã được thay thế bởi một chiếc Islander của hải quân. Ngoài ra Philippines còn triển khai thêm một chiếc C-130 để tham gia hoạt động tìm kiếm.

Trong khi đó, Việt Nam cũng lần đầu tiên điều trực thăng rà soát rừng U Minh, sau một cuộc tìm kiếm quy mô lớn trên biển với sự tham gia của nhiều tàu và máy bay không mang lại kết quả nào. Ngoài Việt Nam, Nhật Bản cũng đã bắt đầu tham gia hoạt động tìm kiếm khi tuyên bố triển khai 2 chiếc máy bay vận tải C-130 và 2 máy bay P-3C tới giúp đỡ.

Các nước láng giềng của Malaysia là Indonesia, Singapore và Brunei cũng đều điều tàu và máy bay đi giúp đỡ. Singapore còn có kế hoạch tung thêm máy bay ra tìm kiếm. Về phần mình, Thái Lan đã điều các máy bay trực thăng, trong khi Australia đề nghị giúp 2 máy bay P-3C để tìm kiếm.

Tường Linh (theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm