Hậu vụ khủng bố Boston: Loạn tin đồn vì cộng đồng mạng

21/04/2013 08:22 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong vài ngày qua kể từ khi vụ khủng bố Boston xảy ra hôm 15/4, hàng ngàn người đã lên Internet để đóng vai thám tử Sherlock Holmes. Tuy nhiên hành động của họ đã chỉ khiến cho tình hình rối rắm hơn, khi Internet đầy những manh mối “rởm” và những sự đoán mò về việc ai đã đứng sau vụ đánh bom.

Vụ đánh bom Boston, sự kiện khủng bố lớn đầu tiên trên đất Mỹ trong thời đại của điện thoại thông minh, mạng xã hội Twitter và Facebook, đã mang tới cơ hội để nhiều dạng người trong xã hội dính líu vào sự kiện.

Vô số "thám tử nghiệp dư"

Chỉ vài giây sau khi vụ nổ đầu tiên xảy ra, Internet đã tràn ngập các ý tưởng của công chúng về vụ khủng bố. Và ngay trong khi những thành viên đầu tiên của lực lượng cứu hộ tới hiện trường, đang chật vật hỗ trợ 3 người thiệt mạng và 170 người bị thương, trên các diễn đàn mạng đã xuất hiện đầy rẫy tin đồn rằng có 4 quả bom thay vì 2 quả đã phát nổ. Các tin đồn cũng nói rằng một khu vực rộng lớn đã bị tấn công và có tới hàng chục người chết. 



Cảnh sát đặc nhiệm Mỹ tham gia vụ săn lùng nghi phạm thứ hai trong vụ khủng bố Boston, kẻ đã bị bắt giữ vào ngày 20/4

Các diễn đàn như Reddit và 4chan tiếp tục bùng nổ tin đồn về việc vụ đánh bom là sản phẩm của Hồi giáo và có thể là những kẻ cực đoan cánh hữu, dù người ta có ít chứng cứ hoặc chẳng có chứng cứ nào minh chứng cho các nhận định này.

Trong nỗ lực vội vã tìm kiếm kẻ đánh bom, nhiều người dùng mạng thậm chí bắt đầu công khai nêu tên một số người bị nghi đã đặt bom. Tai hại hơn, một số tờ báo truyền thống đã mắc kẹt vào cơn bão thông tin này.

Đơn cư như tờ New York Post số ra ngày 18/4 tuần này đã đưa ra trang nhất một bức ảnh chụp 2 người đàn ông tại địa điểm tổ chức giải chạy marathon với dòng tít "Những gã đàn ông mang túi". Bài viết của tờ báo có ý cho rằng họ là nghi phạm và đã dẫn nguồn thông tin từ cộng đồng mạng. Thực tế một trong hai người này có tên Salah Barhoun, một học sinh trung học tới từ ngoài Boston và chẳng có liên quan gì tới vụ đánh bom.

Khi Cục điều tra Liên bang Mỹ công bố ảnh các nghi phạm thực sự, với gương mặt chưa được làm rõ, chuyện đã gần như mất kiểm soát. Các tay "thám tử tư nghiệp dư" đã lùng sục trên mạng để tìm kiếm những gương mặt na ná với ảnh của FBI và còn minh họa cho công việc của họ bằng các bản vẽ, các "công nghệ phá án" giống như trong loạt phim truyền hình CSI ăn khách.

Một số kẻ hướng sự nghi ngờ của họ vào Sunil Tripathi, sinh viên Đại học Brown, người  đã mất tích từ tháng trước. Họ đã sử dụng hình ảnh của Tripathi để làm rõ sự tương đồng giữa gương mặt của anh này và nghi phạm đánh bom Bosotn.

Tuy nhiên Tripathi rõ ràng không có liên quan gì tới vụ đánh bom. Điều này được chứng minh trong ngày 19/4, khi nhà chức trách hé lộ danh tính thực của các nghi phạm. Đó là hai anh em gốc Chechnya nhập cư vào Mỹ là Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi và Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi. Ngay trong ngày hôm đó, gia đình Tripathi tuyên bố: "Chúng tôi đã biết từ lâu rằng cả hai nghi phạm bị săn lùng trong vụ đánh bom Boston không phải là Sunil".


Nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev vừa bị tóm

Lợi và hại của truyền thông xã hội

Những người cổ súy cho sức mạnh của mạng xã hội và đám đông lâu nay nói rằng lực lượng này có khả năng thu thập thông tin rất nhanh trong tình huống khủng hoảng. Thực tế trong vụ đánh bom Boston, sức mạnh này đã được chứng minh. Với hàng chục ngàn người tham dự cuộc thi có điện thoại thông minh trên tay, lượng dữ liệu thu được đã lớn tới mức khổng lồ.

"Mọi người đều muốn tham gia sự kiện. Họ muốn là một phần của những gì đang diễn ra" - Nicco Mele, một chuyên gia về công nghệ và mạng xã hội tại Trường Hành chính John F. Kennedy ở Đại học Harvard nhận xét.

Vì lý do này, khi Sở cảnh sát Boston bắt đầu đấu súng với hai anh em nhà Tsarnaev ở Watertown, Massachusett, hàng chục ngàn người dùng mạng đã lên Internet, chăm chú nghe các cuộc trao đổi thông tin qua sóng vô tuyến của cảnh sát được phát trực tiếp qua mạng và rồi thi nhau tung tin và bình phẩm về thông tin họ nhận được trên Reddit cùng Twitter.

"Internet cuối cùng đã bỏ xa các mạng thông tin qua cáp" - một người dùng có tên PantsGrenades tự hào viết trên Reddit - "Thực tế thì tôi đang băn khoăn không biết có phải chúng ta đang vô tình khai thác thông tin cho họ không".

Những tin đồn và phỏng đoán không chỉ xuất hiện mạnh trong vụ đánh bom ở Boston. Nhiều thảm kịch và các sự kiện gây nghi ngờ xuất hiện trong mấy tuần qua đã dẫn tới vô số các phỏng đoán khác nhau. Ví dụ như người ta cho rằng vụ nổ nhà máy phân bón ở West, Texas, có thể là một âm mưu khủng bố. Tương tự, một lá thư chứa chất độc ricin gửi cho Tổng thống Barack Obama đã bị đồn là do những kẻ đứng sau vụ đánh bom marathon Boston thực hiện.

Theo Murray Jennex, một chuyên gia quản lý khủng hoảng ở Đại học bang San Diego, làn sóng thông tin ồ ạt xuất hiện trên mạng có thể có ích nhất định bởi các nhân chứng đã mang theo điện thoại di động có khả năng ghi hình và họ thu được nhiều hình ảnh giá trị.

Nhưng ngoài các bức ảnh, đoạn video họ tải lên mạng, các phỏng đoán và giả thuyết của họ lại không có lợi gì, thậm chí còn gây tác hại.

"Có quá nhiều tiếng ồn vô nghĩa đang xuất hiện ngoài kia" - ông nói và cho biết cảnh sát và các lực lượng xử lý thảm họa có thể bị ảnh hưởng xấu nếu nhận được nhiều thông tin vô giá trị trong một cuộc khủng hoảng.

Còn Siva Vaidhyanathan, một giáo sư về nghiên cứu truyền thông tại Đại học Virginia nhận xét: “Đây là một trong những sự kiện xã hội đang báo động nhất trong thời đại của chúng ta. Chúng ta rất giỏi trong việc tải các bức ảnh lên mạng và tung ra các nhận định nghiệp dư. Nhưng chúng ta không giữ vững các quy chuẩn xã hội vốn giúp bảo vệ người vô tội”.

"Chúng ta rất giỏi trong việc tải các bức ảnh lên mạng và tung ra các nhận định nghiệp dư. Nhưng chúng ta không giữ vững các quy chuẩn xã hội vốn giúp bảo vệ người vô tội”

Giáo sư Siva Vaidhyanathan
Đại học Virginia

Sự ngạo mạn của đám đông

Một vấn đề nữa của mạng thông tin xã hội là người ta không thể biết được ai đang cung cấp thông tin đáng tin cậy và ai đang đùa cợt. Sự thiếu nghiêm túc của cộng đồng mạng khiến cho vào sớm ngày 19/4, cảnh sát Boston đã tạm ngưng việc cung cấp trực tuyến các cuộc trao đổi qua sóng vô tuyến của cảnh sát đang săn lùng nghi phạm đánh bom. Cảnh sát cũng cảnh cáo dư luận không làm ảnh hưởng tới cuộc điều tra, cũng như sự an toàn của các viên cảnh sát, thông qua các bình luận bất cẩn của họ.

Trong bối cảnh liên tục xuất hiện các vụ chỉ tay đổ trách nhiệm và bêu xấu người khác vô căn cứ, đã có những lời kêu gọi cộng đồng mạng kiềm chế. "Đừng đưa thông tin cá nhân của người khác vào các bình luận. Đây chỉ là tin thời sự thô. Bạn có thể phá hủy cuộc sống của một người vô tội khi phát tán những cái tên không chính xác" - một người dùng kêu gọi trên Reddit. Nhưng về cơ bản mọi thứ đã quá trễ. Quá nhiều tên của những người vô tội đã bị đưa lên, bình phẩm và chế nhạo.

Các chuyên gia nói rằng vai trò của truyền thông xã hội trong tình hình có khủng hoảng sẽ chỉ phát triển mạnh thêm khi điện thoại thông minh ngày càng phổ biến và công chúng tiếp tục thèm khát thông tin tức thời. "Bản năng của chúng ta luôn muốn thỏa mãn sự tò mò tọc mạch" - Vaidhyanathan nhận xét - "Nhưng khi ngồi trước màn hình máy tính, ta sẽ dễ dàng quên đi việc có những con người thật đằng sau những hình ảnh và cái tên được tung lên mạng kia. Và đó là khi sự ngạo mạn của đám đông lấn át tất cả".

Tường Linh (Theo Los Angeles Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm