Khi hài hước thành vũ khí ở chính trường Mỹ

26/04/2015 10:56 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama hẳn đã "mài dao" để chuẩn bị cho sự kiện tiệc chiêu đãi các phóng viên, diễn ra thường niên ở Nhà Trắng. Hơn ai hết, những con người từng “nếm đòn” của Obama như Donald Trump, John Boehner và Mitch McConnell hẳn phải biết từ ngữ trong câu nói của ông còn đau hơn cả dao cắt.

Trong các đời Tổng thống Mỹ gần đây, Obama là nhân vật đã đẩy yếu tố hài hước tới chỗ gần ngưỡng khó xác định thế nào là "thích hợp" trong các câu chữ thoát ra từ miệng một nguyên thủ quốc gia.

Nghe lời nói đùa mà đau

Nhiều lúc, những câu đùa của Obama đi vượt ranh giới pha trò, khiến người ta cười mà đau. Điển hình là khi Obama so sánh làn da có màu sắc khác người của Chủ tịch Hạ viện John Boehner với làn da của mình, nói rằng da hai người giống nhau vì "vàng cam là một màu đen mới". "Ông ấy là người da màu, nhưng không phải thứ màu xuất hiện trong thế giới tự nhiên" - Obama nhận xét về đối thủ không đội trời chung trong tiệc chiêu đãi phóng viên hồi năm 2009.

Cần biết rằng trước câu nói đùa của Obama, báo chí Mỹ đã có thời gian dài bàn tán về màu da của Boehner, với nhiều ý kiến đánh giá ông đã đi nhuộm da thành màu vàng cam. Thậm chí người ta quan tâm tới da của Boehner còn nhiều hơn là những việc ông đã làm được trên chính trường.

McConnell, Chủ tịch Thượng viện Mỹ, cũng bị Obama lôi vào trò đùa của mình. Sau khi có điều tiếng cho rằng Obama chưa dành nhiều thời gian cho các Thượng nghị sĩ (TNS) của phe Cộng hòa, ông đáp trả trong bữa tiệc hồi năm 2013: "Sao các vị không thử tụ tập với Mitch McConnell xem thế nào?"

Các chính trị gia thường là mục tiêu bị chế giễu, nhưng họ không phải đối tượng duy nhất. Obama thường châm chích cả báo chí truyền thông. Ông "phi dao" về phía hãng Fox News do đưa tin thiên lệch, "chọc quê" trang tin Politico vì thích làm quá "các tin đồn".

Obama không chỉ pha trò để người khác cười. Dưới những câu nói đùa ấy luôn ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc hơn. Với một vị Tổng thống luôn phải sống và làm việc trong một khung cảnh trang trọng, đúng với lễ nghi, bữa tiệc cùng các phóng viên mang tới cho ông cơ hội thoải mái thể hiện mình hơn, không cần phải nghiêm túc như bình thường.

Adam Frankel, người viết diễn văn cho Obama trong nhiệm kỳ đầu, cho biết các bài diễn văn phát biểu thường ngày của Tổng thống cũng đụng chạm tới nhiều vấn đề, nhưng nó mang tính nghiêm túc và không thể chứa các yếu tố hài hước, châm chích như trong bữa tiệc tối với phóng viên.


Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một bữa tiệc chiêu đãi phóng viên thường niên

Tự giễu để chống đòn công kích

Nhưng cho dù là vậy, một số chính trị gia Cộng hòa vẫn không thích lối châm chọc của Obama. Họ nói rằng Tổng thống đã đẩy định kiến lên tầm cao mới. Giới quan sát cũng cho rằng các bữa tiệc chiêu đãi phóng viên ở Nhà Trắng đã trở nên góc cạnh hơn so với trước đây, vì mức độ thù địch giữa các phe đã tăng cao ở chính trường Mỹ.

Để so sánh, cựu Tổng thống Ronald Reagan từng chỉ đưa ra các câu pha trò nhẹ nhàng trong bữa tiệc, giống như ông đang đùa với bạn bè. Ba thập kỷ sau, các câu đùa của ông Obama trở nên "thâm" hơn, hướng vào cá nhân nhiều hơn và mang màu sắc chính trị lớn hơn.

Nhưng giới quan sát cho rằng ngay cả khi đang “thắng thế” với các mũi dùi châm chích nhằm vào người khác, Tổng thống Mỹ vẫn phải lưu ý tới yếu tố cân bằng. Các câu nói đùa của ông cần được khán giả đón nhận với ý nghĩa là một sự pha trò, chứ không phải màn diễn thuyết hoặc lên án ai đó.

Cách cân bằng đơn giản nhất là tự giễu bản thân. Vì thế vào năm 2009, Obama đã tự chế giễu mình do dựa quá nhiều vào thiết bị nhắc lời (telepromter). Lần đó ông đọc to trên sân khấu, lúc đang phát biểu: "Dừng lại, để chờ khán giả cười".

Nhưng Obama vẫn không thể sánh với cựu Tổng thống George W. Bush về khoản tự giễu. Ông thường dùng các màn pha trò hài hước để chống lại những lời phê bình rằng mình là một kẻ kém cỏi về trí tuệ, nói năng bất cẩn và không đủ năng lực làm Tổng thống.

Có lần ông đã đưa lên sân khấu một kẻ giả dạng mình để tự giễu về thói quen dùng từ ngữ không chuẩn khi phát biểu. Lần khác, ông đã phát các hình ảnh, trong đó bản thân thủ vai một gã khờ. Trong một bữa tiệc nữa, cựu Đệ nhất phu nhân Laura Bush đã "cướp" micro và lên án chồng, nói rằng mình giống như "một bà nội trợ tuyệt vọng".

Dùng sự hài hước để xoay chuyển tình thế

"Các màn pha trò đó cho bạn biết Tổng thống là con người như thế nào" - Fleischer nhận xét - "Tổng thống có thể thuê những người viết diễn văn rất hài hước. Nhưng để câu chuyện đùa thành công, nó phải thực sự phản ánh tính cách của vị Tổng thống ấy. Bush, cả trong đời tư lẫn khi ở chính trường, vẫn nổi tiếng là người thích tự giễu, rất hài hước".

Song điều này không có nghĩa Bush rất mong chờ bữa tiệc thường niên với phóng viên. Ông không phải ngoại lệ. Bất chấp việc là ngôi sao trung tâm, phần lớn Tổng thống không chịu nổi bữa tiệc. Cảm xúc của họ khi phải trình diễn, pha trò trước các phóng viên - những kẻ đã khiến cuộc sống của họ giống địa ngục trong suốt cả năm - cũng giống như khi họ phải tới gặp một nha sĩ khó tính vậy.

Có lẽ không Tổng thống Mỹ nào có mối quan hệ cay đắng với báo chí hơn Bill Clinton, nhất là trong thời gian ông vướng bê bối ngoại tình cùng cô thực tập sinh Monica Lewinsky. Nhưng Clinton hiểu rõ sức mạnh của sự hài hước.

Ông đã làm một đoạn video giễu nhại bản thân đang một mình cô đơn lang thang trong Nhà Trắng và phát tại bữa tiệc chiêu đãi chia tay phóng viên hồi năm 2000. Bữa tiệc đã tràn ngập tiếng cười vì đoạn video và bài phát biểu hài hước kèm theo của ông Clinton.

Nó mang tới hình ảnh một Clinton khác hẳn với những gì công chúng nghĩ về ông, rằng ông đang im lặng chịu trận trước các đòn tấn công không khoan nhượng của báo chí và rầu rĩ băn khoăn với tương lai khi đã "về vườn".

Sau này Clinton chia sẻ với sử gia Taylor Branch rằng bài phát biểu tại bữa tiệc chiêu đãi phóng viên cuối cùng đó đã cho thấy khả năng của ông trong việc tự giễu bản thân và đưa tỷ lệ ủng hộ trở lại mức gần 60 % - đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn của ông sau bê bối Lewinsky.

                                                                                                                                                                                   Tường Linh (Tổng hợp)

"Hài hước trở thành lá chắn và thanh gươm trong chính trị" - Ari Fleischer, cựu thư ký báo chí của cựu Tổng thống George W. Bush, cho biết - "Là lá chắn vì nếu khán giả mến bạn, họ sẽ nghi ngờ những đòn tấn công nhằm vào bạn. Là thanh gươm vì hài hước mang tới công cụ hiệu quả nhất để chế nhạo đối thủ, thay vì tung ra các đòn tấn công trực tiếp, tầm  thường”.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm