Thảm họa chìm phà Hàn Quốc: 'Dịch' tự sát vào tâm điểm chú ý

22/04/2014 07:32 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Thầy hiệu phó Kang Min-gyu mới 52 tuổi khi ông treo cổ tự vẫn trong ngày 18/4. Ông đã phải chứng kiến một thảm họa kinh hoàng: vụ chìm phà Seawol làm hàng trăm học sinh chết và mất tích. Trong khi Kang được cứu sống, nhiều đứa trẻ dưới quyền quản lý của ông đã không may mắn như vậy và có thể người đàn ông này đã cảm thấy day dứt lương tâm.

Trong một đất nước khác, cái chết của Kang có thể  chỉ là một sự kiện đơn lẻ.

Hàng loạt vụ tự sát nổi tiếng

Nhưng ở Hàn Quốc, mảnh đất nơi tự sát đã trở thành vấn đề phổ biến, thật khó để phớt lờ tự sát như một xu hướng với quy mô rộng lớn hơn.

Thầy hiệu phó Kang Min-gyu, người mới treo cổ tự sát sau vụ tai nạn làm nhiều học sinh của ông thiệt mạng và mất tích

Thầy hiệu phó Kang Min-gyu, người mới treo cổ tự sát sau vụ tai nạn làm nhiều học sinh của ông thiệt mạng và mất tích

Hàn Quốc thực sự có tỷ lệ tự sát thuộc hàng cao nhất thế giới, gấp đôi nước Mỹ. Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc đã đi ngược lại với xu hướng giảm bớt số vụ tự sát đang diễn ra trong nhóm các nước phát triển. Tự sát đã trở thành nguyên nhân phổ biến thứ 4 khiến người ta mất mạng. Và không giống các nước khác, người Hàn Quốc rất dễ tự sát khi họ già đi.

Các vụ tự sát nổi tiếng đã trở thành mục thường xuyên trên báo chí. Ví dụ vụ cựu Tổng thống Roh Moo-Hyun nhảy khỏi một vách núi để tự sát hồi năm 2009. Năm đó, Hàn Quốc còn chứng kiến cái chết của Park Yong-oh, một doanh nhân nổi tiếng từng lãnh đạo Doosan Group, tập đoàn lâu đời nhất của Hàn Quốc.

Năm 2010, ca sĩ kiêm diễn viên Park Yong-ha đã tự sát ở đỉnh cao sự nghiệp. Tuy nhiên đây chỉ là một trong nhiều vụ tự sát thuộc làng giải trí. Đầu năm 2014 này, nam diễn viên Woo Bong Sik đã tự sát. Cùng thời điểm, chương trình truyền hình ăn khách Couple cũng phải đóng cửa sau khi một thí sinh của chương trình treo cổ trong nhà vệ sinh.

Áp lực tinh thần và nỗi sợ thất bại

Rất nhiều người Hàn Quốc băn khoăn vì sao đồng bào của họ lại dễ tự sát tới vậy. Một số cho rằng nguyên nhân do hoạt động công nghiệp hóa quá nhanh của đất nước và áp lực khổng lồ đặt lên vai mỗi người, buộc họ phải thích nghi và thành công. Trong một xã hội đề cao yếu tố cạnh tranh và thành công một cách quá mức như Hàn Quốc, thất bại trở thành nỗi hổ thẹn mà người ta khó có thể chấp nhận.

Số khác đánh giá chính quyền đã có quan điểm xem nhẹ quá mức vấn đề sức khỏe tinh thần. Một bài bình luận của tờ Chosun Ilbo số ra gần đây đã chỉ rõ điều này: "Hàn Quốc chi tiêu 1,8 ngàn tỷ won trong 5 năm qua chỉ để ngăn chặn tai nạn giao thông. Tuy nhiên chính quyền chi chưa đầy 10 tỷ won để phòng ngừa nạn tự sát".

Một số nỗ lực xử lý tự sát đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận. Ví dụ ý định biến cây cầu Mapo ở Seoul, nổi tiếng là điểm nóng tự sát, thành "cây cầu của sự sống", bằng việc gắn các tấm biển phản quang gần lan can có chứa các thông điệp kiểu như:" Khoảnh khắc tỏa sáng nhất của cuộc đời bạn còn chưa đến". Các thông điệp này được thiết kế để khiến người tự sát nản chí, nhưng dường như nó đã phản tác dụng. Theo tờ Wall Street Journal, các ý định tự sát quanh cây cầu đã tăng lên 4 lần, chỉ trong năm đầu tiên kể từ khi dự án ngăn chặn tự sát kể trên, do Samsung tài trợ, được triển khai.


Người Hàn Quốc thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ chìm phà

Cái gốc trong văn hóa của người Hàn Quốc

Giới phân tích đánh giá "dịch" tự sát ở Hàn Quốc còn có cả khía cạnh văn hóa trong nó mà chỉ người Hàn Quốc mới hiểu được. Trong tiếng Hàn Quốc có một ý niệm mang tên "han" có nghĩa cảm giác về gánh nặng khổng lồ hoặc một nỗi buồn sâu sắc sẽ giúp tạo ra sức bật mạnh mẽ. Các chuyên gia tin rằng ý niệm về han có liên quan tới việc trong lịch sử hình thành và phát triển, đất nước Hàn Quốc thường nằm dưới sức ép của các nước hàng xóm hùng mạnh hơn.

Han có thể tạo ra sức bật giúp Hàn Quốc tiến lên. Nhưng han cũng tạo ra hiện tượng trầm cảm. Ý tưởng về han thường được nêu ra khi Hàn Quốc gặp các tình thế khó khăn và giờ cũng không phải ngoại lệ. Nỗi quan ngại về việc chính quyền bất lực và tắc trách đã trở thành một cuộc khủng hoảng bản sắc với không ít người Hàn Quốc.

"Ngay cả khi cho rằng vụ chìm phà là tai nạn do một thành viên đầy bất cẩn trong thủy thủ đoàn gây ra, người Hàn Quốc vẫn tin đây là nỗi hổ thẹn của toàn quốc gia" - Minjeong Gu, một biên tập viên ở Paju, Tây Bắc Seoul, nói với tờ GlobalPost - "Hổ thẹn là một trong những từ thường được nghe thấy ở Hàn Quốc".

Tuy nhiên sau rốt, chỉ riêng han không thể giải thích vì sao Kang lại tự sát gần đây. Cũng cần biết rằng dù tư tưởng tự sát theo các nghi thức trang trọng để bảo tồn danh dự có tồn tại ở Hàn Quốc, nó vẫn không phổ biến như hari-kiri ở Nhật Bản. Vì thế ngoài yếu tố han, có thể Kang đã tự kết liễu đời mình vì không thể chịu đựng được, do phải chứng kiến một thảm họa quá đỗi khủng khiếp.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm