06/09/2019 19:39 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết, với kho cháy diện tích 6.000m2 của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cơ quan Công an khẩn trương điều tra làm rõ để bàn giao hiện trường cho Công ty và cơ quan chức năng tiến hành khống chế, cô lập, tẩy độc toàn bộ.
Hiện nay, kho cháy này đã được cơ quan Công an niêm phong toàn bộ. Tổng khối lượng thủy ngân bao gồm cả lỏng và rắn đang lưu giữ tại Công ty còn lại sau cháy là 150,65 kg. Thủy ngân lỏng, hiện tại còn tồn lưu là 108,9 kg, được chứa trong các chai thủy tinh chuyên dụng nguyên đai, nguyên kiện; đang được lưu giữ an toàn, không bị cháy.
Viên Amalgam (hỗn hợp của thủy ngân, kẽm và bismut) khoảng 41,75 kg, được nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, vẫn còn nguyên vẹn, đang được đựng trong chai thủy tinh và được lưu giữ trong tủ cấp đông nằm ở kho vật tư ở tầng một của khu vực xảy ra cháy nổ.
Trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Công ty Rạng Đông phủ bạt kín để nếu mưa xuống tránh thủy ngân theo dòng nước tiếp tục phát thải ra môi trường nước cũng như hơi thủy ngân ra môi trường không khí. Công ty phải thu gom, phân loại phế thải, vật liệu sau sự cố cháy theo hướng thành chất thải thông thường và chất thải nguy hại, mời các đơn vị có chức năng xử lý.
Trong bóng đèn có chứa thủy ngân nên tro cháy xuống nền có lẫn kim loại sẽ được cô lập, thu gom riêng, cho vào các container để đưa đi xử lý. Phần 6.000 m2 nền đất còn lẫn thủy ngân sẽ phải tẩy độc. Việc tẩy độc sẽ mời đơn vị có chuyên môn kỹ thuật cao, đủ năng lực như Trung tâm Xử lý hóa chất của Bộ Tư lệnh Hóa học. Phương án dùng bột lưu huỳnh phun rải xuống nền để hấp thụ toàn bộ thủy ngân còn lưu lại, sau đó hút thu gom bột này mang đi xử lý theo quy định đặc biệt, không được đốt.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết, về mặt lâu dài, từ sự cố này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng rà soát toàn bộ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực hóa chất độc hại, nguy hiểm nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành Công Thương phải phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn hóa chất của các nhà máy. Các đơn vị không may xảy ra cháy nổ phải báo cáo ngay nguy cơ cho chính quyền sở tại, cấp quận, huyện hay mức cao là cấp tỉnh, thành phố vào cuộc xử lý.
Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức, bài học kinh nghiệm rút ra trong việc xử lý, phòng, chống, ứng phó với các sự cố cháy nổ, an toàn hóa chất, môi trường là cần có sự phối hợp rất nhuần nhuyễn, chủ động từ phía chính quyền địa phương cơ sở các cấp. Việc cung cấp thông tin, truyền thông cho người dân cần kịp thời, có phân công, phân nhiệm để có một đầu mối chính thức. Thông tin khi công bố phải dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về mặt khoa học để tránh tâm lý hoang mang, xáo động trong quần chúng.
Trong tháng 9/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với một số chuyên gia Nhật Bản để nghiên cứu, trao đổi thông tin về công nghệ quan trắc online về thủy ngân mà Nhật Bản đã có kinh nghiệm.
Minh Nguyệt/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất