Bao giờ Việt Nam tham dự World Cup?

21/05/2015 14:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khách của ông chủ quán cà phê tuần này là một Giáo sư sử học. Và ông nói chuyện về bóng đá trong nỗi đau đáu rằng bao giờ Việt Nam mới tham dự World Cup nhân dịp Việt Nam đá trận đầu tiên vòng loại World Cup với Thái Lan ngày 24/5.  

Ông chủ quán: Tại sao tôi lại mời bác nói về bóng đá ư? Có sao đâu, trên truyền hình Việt Nam, người ta vẫn mời diễn viên hài bình luận về bóng đá dưới góc độ chuyên môn thuần chất. Đâu đó cứ mỗi dịp có giải vô địch thế giới hoặc châu Âu, các diễn viên tài ba của nhà hát Tuổi trẻ đều có mặt trên các chuyên trang thể thao tản mạn về bóng đá. Trong trăm thứ họ nói, có cả những chuyện chuyên môn. Nhưng tôi sẽ không hỏi giáo sư về chiến thuật. Chuyện đó đã có VFF và HLV Miura lo. Câu đầu tiên tôi muốn hỏi là trong lịch sử bóng đá thế giới, các đội thường xuyên tham dự World Cup và thành công có điểm chung là gì?

Giáo sư Sử học: Đức năm ngoái vô địch World Cup là một trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng kinh tế không quyết định tất cả. Vì nếu tính như vậy, Mỹ đáng ra phải vô địch và Trung Quốc tệ nhất cũng phải có mặt ở vòng chung kết. Tính ở thời điểm World Cup diễn ra tại Brazil cách nay gần một năm, chỉ có 14 đội bóng tham dự World Cup đến từ các quốc gia đứng trong TOP 50 GDP.

Vậy thì việc hiện đang đứng thứ 57 trên bảng xếp hạng GDP với khoảng 171 tỉ USD không phải là rào cản đối với ước mơ đưa Việt Nam có mặt ở vòng chung kết?

- Hoàn toàn không. Vì tham dự World Cup năm vừa rồi còn có những đội tuyển đến từ các nước có xếp hạng GDP trong khoảng 100 như Cameroon đứng thứ 97, Honduras thứ 101 và Bosnia đứng thứ 105. Và chuyện thu nhập đầu người cũng không ảnh hưởng gì cả. 


Giấc mơ World Cup với bóng đá Việt Nam còn rất xa vời. Ảnh: Thanh Hà

Trong TOP 10 đội tuyển đứng đầu bảng xếp hạng của FIFA, chỉ có hai là nằm trong TOP 20 có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, là Đức và Thụy Sĩ. Rồi 5 trong số 10 đội tuyển đứng đầu nói trên chỉ có có thu nhập đầu người đứng hạng 79, 46, 55, 60 và 85. Và ba trong số 5 nước ấy là Brazil, Colombia, Uruguay lại là những điển hình về bất bình đẳng thu nhập.

Vậy thì vấn đề thu nhập và sức mạnh nền kinh tế không có ý nghĩa gì trong việc tạo ra động lực hay hỗ trợ cho các đội bóng giành vé đi World Cup sao?

- Có. Tôi nghĩ là có. Lịch sử bóng đá viết rằng Vua bóng đá Brazil là Pele và Hoàng tử hiện nay của họ là Neymar. Cả hai người ấy đều đi lên từ nghèo khổ. Nó đúng với lý thuyết là ở những quốc gia có thu nhập bất bình đẳng cao thì những người nghèo họ chỉ thấy có duy nhất một con đường để thoát nghèo nếu không phải học vấn thì là đá bóng.

Mặt khác, bóng đá dù sao vẫn là môn thể thao ít tốn kém nhất. Bởi chỉ cần một quả bóng rách, một khoảng trống nho nhỏ cũng có thể trở thành xuất phát điểm cho một thiên tài bóng đá. Tất nhiên sau đấy thì cần đầu tư, nhưng chẳng có môn thể thao phổ biến toàn cầu nào mà dễ dàng đến thế.

Như vậy là giống với Việt Nam. Chúng ta có quyền hy vọng?

- Còn điểm tương đồng trên khía cạnh này nữa. Chúng ta rất giống với Brazil ở chỗ thể thao thì có nhiều môn nhưng bóng đá là số 1 và không có môn thể thao nào khác có thể cạnh tranh được. Tình yêu, lòng hâm mộ dành cho bóng đá là vĩ đại. Đây được cho là điểm khác nhau giữa Mỹ và Đức.

Cả hai là những nền kinh tế hàng đầu nhưng Mỹ có quá nhiều môn thể thao phổ biến, bóng đá được hâm mộ nhất ở đó thì không phải là bóng đá (vì nó giống bóng bầu dục), còn Đức cũng có nhiều môn thể thao khác, nhưng bóng đá vẫn là độc tôn. Tôi tạm kết luận là Việt Nam như thế còn có điểm tương đồng với cả Đức và nhiều nền bóng đá châu Âu khác.    

Còn điểm chung nào khác nữa giữa các đội tham dự World Cup 2014 nữa không Giáo sư?

- Đó là về chiều cao hình thể nhưng cũng có những ngoại lệ. Đức vô địch thế giới thì có chiều cao trung bình của nam giới là 1m78. Argentina á quân có chỉ số này là 1m74. Hà Lan và Brazil vào bán kết có chỉ số tương tự là 1m85 và 1m69. Chính những con số này đã nói lên yếu tố hình thể là đòi hỏi khắt khe mà vẫn có ngoại lệ.  

Nhưng tôi không tin lắm vào ngoại lệ này vì các đại biểu của bóng đá châu Á họ cũng đã phải cải thiện chỉ số này trong quá trình tiến lên đẳng cấp bóng đá thế giới.

- Nhật Bản và Hàn Quốc, hai trong số những đại diện của châu Á có chiều cao trung bình là khoảng 1m71 và 1m74. Chiều cao trung bình của đàn ông Nhật đã tăng 10cm trong vòng 40 năm. Còn chúng ta chỉ tăng 1cm sau 10 năm. Nhưng chiều cao vẫn là ngoại lệ vì đội tuyển đã thống trị châu Âu mấy năm qua là Tây Ban Nha, quốc gia có chiều cao trung bình vào hàng thấp nhất của của châu lục này, 1m70.

Tôi tạm bị thuyết phục bởi Giáo sư. Vì chúng ta có thể khắc phục thông qua công tác tuyển chọn cầu thủ, chế độ dinh dưỡng thể thao và công tác huấn luyện. Nhưng liệu có còn điểm chung nào nữa không nếu tính đến khía cạnh văn hóa, văn minh và dân trí hay thể chế?

- Triều Tiên cũng đã từng tham dự World Cup nhiều lần nhưng tôi không biết có nên coi đây là trường hợp đặc biệt hay không. Ngay cả các chỉ số kinh tế nói trên thực tế cũng còn bị chi phối bởi việc FIFA phân chia các suất tham dự theo châu lục.

Nhưng tôi vẫn cho là kinh tế không chi phối mạnh mẽ bởi Nam Phi mới là phát triển nhất ở Châu Phi, Trung Quốc thì có GDP hơn Nhật ở châu Á. Các yếu tố văn hóa, văn minh có một vai trò quan trọng.

Văn hóa sẽ quyết định tới cách thức người ta chấp nhận thất bại và ứng xử với thành công qua từng cấp độ. Văn minh trên khía cạnh tổ chức và quản lý quyết định tới việc khai thác các tiềm năng để phát triển bóng đá đỉnh cao. Còn chúng ta đang ở đâu những lĩnh vực này thì tôi không bàn luận. VTV có mời nhất định tôi cũng không đá kèo trái chuyện này.

Cảm ơn Giáo sư!

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm