VTV sẽ tự chi trả tác quyền âm nhạc?

29/06/2008 09:05 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Online) - Sau khi nhận được bản kiến nghị có chữ ký của 371 nhạc sỹ và thân nhân nhạc sỹ gửi lãnh đạo một số Đài PT, TH về việc chi trả tác quyền, đã có phản hồi của “bị đơn” trên các phương tiện truyền thông. Mức độ khác nhau, nhưng có cả những lời lẽ không kém phần gay gắt như phản hồi của Đài Tiếng nói VN; còn Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), ngày 27/6, cũng đã gửi thư ngỏ đến các nhạc sỹ và gia đình nhạc sỹ.
 NS Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC (phải)
và ông Trần Đăng Tuấn - Phó TGĐ thường trực VTV.

Nhân dịp này, TT&VH Online trò chuyện với ông Trần Đăng Tuấn - Phó TGĐ thường trực VTV.

Cao hơn cả “thông lệ quốc tế”

Ông Tuấn cho biết: Từ năm 2004 đến nay, các chương trình chính trị - xã hội mới, games show và các chương trình giải trí khác không phải ca nhạc phát triển mạnh trên sóng VTV. Số lượng các chương trình ca nhạc giảm rất nhanh. Do đó, trong suốt thời gian qua, VTV trả cho phần sử dụng này một khoản tiền cho cả năm, không theo dao động của số lượng bài hát đã phát trong từng năm. Với các ca khúc được phát trong các chương trình ca nhạc có tài trợ, mức trả bản quyền theo thoả thuận với VCPMC là 170.000 đồng/ lần. Trong 3,5 năm qua, VTV đã trả tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng, bình quân 426.000.000 đ/năm.

* Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội đã thay thế điều 26 và 33 trong Luật Sở hữu Trí tuệ: “Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan”. Như vậy, bất kỳ chương trình nào sử dụng tác phẩm đều có nghĩa vụ trả tác quyền chứ không căn cứ vào việc có lợi nhuận hay không. Theo đó, liệu mức chi trả tác quyền của VTV trước nay có thấp hơn so với tỉ lệ tác quyền theo thông lệ thế giới là trích 0,5 - 1% tiền lãi quảng cáo và tiền xây dựng chương trình để trả tác quyền?

Chương trình Bài hát Việt 2008 nhằm tôn vinh các nhạc sỹ nhiều thế hệ.
- Theo trích dẫn ở trên thì việc thay đổi là từ cuối năm 2006. VTV ký hợp đồng với VCPMC từ năm 2004. Lúc đó, có những cơ sở thể hiện tại văn bản pháp quy, theo đó, có ý kiến cho rằng, nếu tác phẩm được sử dụng vào các mục đích công ích nhất định thì không phải trả tác quyền. Hiện giờ, vẫn có nhiều ý kiến như vậy. Thực tế, từ 2004, VTV đã trả tác quyền cho việc sử dụng lại tác phẩm, chứ VTV không dựa vào đó để từ chối trả tác quyền. Cũng có nghĩa, theo quan điểm của VTV thì trả là đúng hơn.

Về tỷ lệ 0,5 -1% tiền lãi quảng cáo và tiền xây dựng chương trình để trả tác quyền, giả sử đó là thông lệ quốc tế như trong câu hỏi đã khẳng định, ta hãy xem xét ở VTV cụ thể ra sao. Tôi xin nêu ví dụ: Bài hát Việt (BHV) là chương trình ca nhạc “hút khách” hàng đầu trên sóng VTV. Chi phí xây dựng mỗi live show trong năm 2008 là 416 triệu đồng (cao hơn các năm trước). Quảng cáo trong chương trình cố lắm cũng chỉ được 30-40% chi phí đó. Như vậy, nếu áp mức lãi từ quảng cáo thì không được. Còn nếu áp dụng tỷ lệ chi phí xây dựng chương trình thì nếu trả tác quyền mức 300 ngàn/bài, thì 15 bài sẽ là 4,5 triệu đồng. Tức là cao hơn cả “thông lệ quốc tế”.

Tuy nhiên, BHV có quy chế cuộc thi tuyển chọn tác phẩm. Nếu là cuộc thi thì theo thông lệ người gửi tác phẩm cam kết không đòi hỏi nhuận bút, phí tác quyền theo cung cách thông thường, nhưng hưởng tiền thưởng nếu đoạt giải. Mỗi giải cho bài hát ở từng live show trị giá 15 triệu đồng. Sau đó, bài hát nào được sử dụng lại ở các chương trình khác của VTV thì được trả tác quyền theo số lần phát.

Với các chương trình ca nhạc dài 30 phút trên sóng VTV (khoảng trên dưới 10 bài hát trong một chương trình) hoàn toàn không có tài trợ hay quảng cáo, nếu chương trình sản xuất mới, mức chi phí cao nhất là 20 triệu. Nếu dựng lại từ băng có sẵn, chi phí vài trăm ngàn đồng. Trong cả hai trường hợp trả tác quyền là giống nhau, và mức dự định trả là 100.000 đồng / bài, tức khoảng 2 triệu đồng/chương trình. Nếu lấy bình quân cả hai loại chương trình mà tính, sẽ thấy mức trả tác quyền cũng vượt khung “thông lệ quốc tế”.

Tôi lấy các ví dụ trên không nhằm phản đối bất cứ tỷ lệ nào (vì cũng có lập luận là nếu chương trình ca nhạc không đem lại nguồn thu cao thì phải tính gộp cả các chương trình khác để tính tỷ lệ chung). Tôi chỉ muốn nói rằng, không phải Đài TH đang làm giàu trên âm nhạc mà lại không chịu trả tác quyền âm nhạc.

VTV có đủ khả năng để trả trực tiếp, nhanh gọn.

* Theo thư ngỏ, VTV đề xuất: bắt đầu từ năm 2008, mức trả tác quyền cho sử dụng bài hát trong chương trình không có tài trợ là 100.000 đồng/ lần/ bài đối với các bài hát phát trên sóng các kênh VTV1, VTV2,VTV3; 30.000 đ/ lần/ bài với các ca khúc phát trên sóng của các Đài TH khu vực của VTV và 300.000 đồng với lần sử dụng ca khúc trong chương trình có tài trợ. Theo ông, việc VTV sẽ tự chi trả tác quyền không qua VCPMC sẽ công bằng và hợp lý hơn?

- Công bằng và hợp lý là điều chúng ta phấn đấu để dần đạt được. Tác phẩm là vô giá, nói trả cho mỗi lần

Bức thư ngỏ thể hiện thiện chí của VTV muốn tháo gỡ những vấn đề các nhạc sỹ đặt ra và tìm hướng giải quyết tốt hơn. Có nhiều vấn đề chúng tôi cần thống nhất trong Ban Giám đốc và sẽ trao đổi lại với VTV trong cuộc họp chính thức với BGĐ Đài, có đại diện các nhạc sỹ có đơn, Hội Nhạc sỹ VN và các cơ quan quản lý có liên quan. Chắc chắn, còn có nhiều cuộc họp để tìm cách chi trả sao cho khoa học, chặt chẽ, khả thi và phù hợp với trong nước và quốc tế” (phát biểu của nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC)

sử dụng tác phẩm số tiền một vài trăm ngàn đồng và cho đó là công bằng và hợp lý thì quả thực, tôi không dám. Tôi chỉ có thể nói rằng: nếu áp dụng mức trả mới này, đồng thời áp đặt cơ chế thống kê thật chặt chẽ ở các đơn vị, kể cả đơn vị xa là các Đài khu vực, thì theo tính toán, trong trường hợp, số các chương trình ca nhạc không thay đổi so với hiện nay, số tiền VTV sẽ chi trả cho tác quyền ca khúc sẽ cao hơn khoảng hai lần so với mức trả theo hợp đồng hiện nay giữa VTV và VCPMC.

Về cách trả, theo tôi, VTV có đủ khả năng để trả trực tiếp, nhanh gọn. Tôi hy vọng, VCPMC và Hội Nhạc sỹ VN sẽ giúp chúng tôi nắm được địa chỉ liên lạc tới các nhạc sỹ, để tiện cho việc chuyển tiền tác quyền đến từng người qua các hệ thống dịch vụ công cộng. Điều này giảm gánh nặng cho VCPMC, để Trung tâm có thời gian tập trung vào các công việc khác. Ngoài ra, Trung tâm có thể đối chiếu, giám sát việc chi trả của VTV để bộ phận làm việc này của VTV tránh được các sai sót.

* Xin cảm ơn ông!

Hải Đông (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm