Khi Phó giáo sư lên mạng dạy rán cá....

29/03/2016 06:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những bài được đọc nhiều nhất trên báo chí luôn phản ánh mối quan tâm của dư luận đối với đề tài mà chúng đề cập đến.

Hiểu theo nghĩa đó, thì một trong những đề tài hot nhất vào chiều qua, là bài về ông Phó Giáo sư dạy cách... rán cá. Nó được đưa lên top mục “Sức khỏe” của một trang phân phối thông tin vào loại lớn nhất hiện nay.

Dĩ nhiên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) không dạy rán cá theo cách thông thường, mà ông tư vấn cho các bà nội trợ biết cách rán cá để phòng tránh bệnh ung thư.


Cá rán ít dầu, chín bằng hơi nước vẫn rất vàng và đẹp mắt

Lại ung thư! Đó là mối quan tâm lớn nhất của dư luận hiện nay, sau khi chúng ta chứng kiến sự ra đi nhanh chóng của nhạc sĩ Trần Lập (vì ung thư trực tràng).

Nỗi khiếp sợ ung thư được nhân lên sau khi hàng loạt những vụ “thực phẩm bẩn” bị phanh phui, mà gần đây nhất là vụ nhuộm ruốc bằng phẩm màu ở Gành Đỏ (Phú Yên) hay việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.  

Trước đó, nỗi khiếp sợ về ung thư khiến cho phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm 26/3 được “truyền tụng” râm ran trong cộng đồng.

Sau khi nghe các Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã thẳng thắn đặt vấn đề  “Các anh chị nói phối hợp tốt nhưng dân vẫn ăn bẩn thì làm tốt cái gì? Tất nhiên có phối hợp nhưng sao dân toàn ăn bẩn? Tôi đề nghị Thủ tướng cho TP.HCM thí điểm thành lập cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc thành phố do thành phố quản lý, biên chế lấy từ các đơn vị không xin thêm. Còn như bây giờ, chúng tôi hỏi đến ai cũng không chịu trách nhiệm. Cuối cùng dân cứ ăn bẩn mà không ai chịu trách nhiệm”.

Nghe phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, tôi bỗng nảy ra suy nghĩ: Hay là gia đình mình vào TP.HCM sinh sống? Có lẽ không chỉ riêng tôi, nếu làm được như thế, TP.HCM sẽ nhanh chóng giành danh hiệu “Thành phố đáng sống”.

Bởi danh hiệu “Thành phố đáng sống” với dư luận bây giờ có lẽ không cần các tiêu chí cao xa. Tiêu chí an toàn đang là số 1. Mà an toàn thực phẩm thì có lẽ phải đặt lên trên hết, vì cướp giật chỉ giết được một (hay một vài mạng người) chứ sát thủ giấu mặt trong các bữa ăn hàng ngày thì giết chết biết bao nhiêu người trong đau đớn? Chết mà không biết mình chết vì cái gì?!

***

Cách đây 8 năm, một vị cán bộ khuyên người dân nên vào siêu thị hoặc các điểm bán đã được đăng ký mua rau an toàn, không nên mua tại các chợ cóc, chợ tạm, hàng rong... Đa số dư luận lúc đó đều cho rằng đó là lời kêu gọi “xa xỉ” và “trên mây”.

Đến bây giờ, việc mua rau ở siêu thị nói chung vẫn còn là xa xỉ với đại bộ phận người dân, tuy nhiên, nó cũng không mang lại niềm tin cho một thiểu số những người tiêu dùng “thông minh” và có thu nhập tương đối đó. Bởi có quá nhiều thông tin về sự nhập nhèm chất lượng ở những nơi được coi là văn minh, an toàn này.

Cách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của nhiều người bây giờ là rau tự trồng, gà lợn tự nuôi, hoặc hình thành những đường dây tự cấp, tự túc lương thực thực phẩm trong một nhóm nhỏ những người lấy chữ tín mong manh để đảm bảo với nhau là “rau sạch, thịt xịn”.

Một cuộc sống vừa ăn vừa lo ngộ độc như thế thì không phải một cuộc sống “đáng sống”.

***

Thật ra, chúng ta không thiếu các thiết chế để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân. Vấn đề là các thiết chế ấy hoạt động và phối hợp hoạt động với nhau như thế nào?

Trong bối cảnh đó, đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Cần một tổ chức đứng trên tất cả các Bộ để quản lý về an toàn thực phẩm. Ở cấp độ địa phương, cơ quan chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm do thành phố quản lý là việc mà TP.HCM có thể chủ động.

Trong bài phát biểu, ông Đinh La Thăng khẳng định: “Khi có đầu mối rồi thì ai sai ở đâu xử phạt rất nặng. Phải xử quyết liệt chứ không thể để khi tất cả làm tốt mà dân phải ăn bẩn thì không chấp nhận được”.

Người dân cần những hành động quyết liệt như thế, những thiết chế đủ mạnh như thế để cái ước mơ giản dị về một “đô thị đáng sống”, một “làng quê đáng sống” không còn quá xa vời.

Mà đến khi đó, tôi tin rằng, ông Phó giáo sư về công nghệ sinh học, thực phẩm nói trên sẽ trở về đúng với chuyên môn mình (là nghiên cứu ra một loại đồ hộp mới chẳng hạn), chứ không còn phải lên mạng dạy chị em cách... rán cá nữa.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm