Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng và Điều ước thứ 7: 'Thực hiện ước mơ tử tế cho người tử tế'

08/10/2014 15:34 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh anh Vượng bế chị Loan bước đi trong ngày cưới đã làm hàng triệu khán giả Việt xúc động. Đám cưới chính là món quà bất ngờ chương trình Điều ước thứ 7 (DUT7) dành tặng cho chị Loan, một người bệnh suy thận luôn ước mong được làm đám cưới với người mình yêu. Không còn nghi ngờ gì, DUT7 là một chương trình có ý tưởng lãng mạn nhất.

Để đem những ý tưởng lãng mạn, hiện thực hóa ước mơ cho từng người vào mỗi tuần không phải việc đơn giản. Ê-kíp DUT7 đã phải lao tâm khổ tứ, không quản ngại cả nguy hiểm để hiện thực hóa ước mơ của những người họ cho là xứng đáng được nhận.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn của chương trình Lại Bắc Hải Đăng.

Đi tìm những điều ước

* Mỗi tuần khán giả truyền hình lại được chứng kiến ê-kíp thực hiện điều ước cho một người nào đó. Khi khán giả đã quen mặt ê-kíp, liệu chương trình còn gây được bất ngờ nữa không?

- Trong quá trình tiếp cận nhân vật chúng tôi chỉ cử một người đi thôi và lấy một lý do nào đó để nhân vật không nghi ngờ. Cho đến giờ vẫn chưa bị lộ lần nào. Mặt khác những người mà chương trình tiếp cận có 60 đến 70% không xem ti-vi, nên họ không hề biết về chương trình.


Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng

* Để tìm điều ước có khó không?

- Để tìm câu chuyện hay không khó, nhưng tìm được đúng người có điều ước đúng với tiêu chí của chương trình rất khó. Ngoài ra, như chúng tôi đã nói, DUT7 không phải chương trình từ thiện nên sẽ không thể hiện thực hóa những mong ước vật chất như mong có tiền để chữa bệnh cho người thân chẳng hạn. Chúng tôi sẽ chỉ có thể đem tới những món quà tinh thần để mọi người cảm thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa và đáng sống hơn.

* Chúng tôi cũng cảm thấy hơi lo ngại cho ê-kíp đấy vì nghe đâu nhà đài muốn duy trì DUT7 như một chương trình dài hơi?

- Khi mới ra mắt, anh Lại Văn Sâm (Trưởng ban VTV3) nói với báo chí muốn làm chương trình này tới 5 năm, 10 năm khiến ê-kíp tá hỏa vì cho đến giờ chúng tôi vẫn ăn đong từng chương trình, chưa bao giờ có của để dành cả. Lúc nào ê-kíp cũng trong tình trạng như làm truyền hình trực tiếp, có những tuần sắp đến ngày phát sóng mà vẫn chưa tìm ra điều ước.

Có rất nhiều tình huống phát sinh ngoài ý muốn. Đơn cử khi tiếp xúc nhân vật, thấy họ rất “cứng”, gặp tình huống bất ngờ không có phản ứng gì cả thì mình có làm gì bất ngờ cũng vô nghĩa. Ngoài ra, chúng tôi còn phải làm nhiều chương trình khác nữa nên bị chia sẻ thời gian.

* Điều đó có ảnh hưởng đến sức sáng tạo của ê-kíp không?

- Ít nhiều chúng tôi cũng thấy mệt mỏi. Nhưng việc mỗi tuần chỉ làm có một số cũng có cái hay, vì chúng tôi sẽ chỉ chăm chăm thực hiện một điều ước, dành tất cả mọi tâm huyết cho nó, và không bị chi phối là cái này hay phải để dành cho ý tưởng sau... Hiện tại chúng tôi vẫn cố gắng làm mỗi tuần một số, nếu làm không xong thì xin phép phát lại số cũ.


Hình ảnh đám cưới anh Vượng, chị Loan trong chương trình truyền hình thực tế Điều ước thứ 7 đã đoạt giải Hình ảnh nhân văn ấn tượng nhất của giải Ấn tượng VTV vừa qua

Khi điều ước ngoài tầm với của chương trình…

* Nếu nhân vật hay, nhưng điều ước của họ ngoài tầm với, chương trình có thể thay bằng điều ước khác không?

- Trong mọi trường hợp chúng tôi cố gắng thực hiện đúng điều ước của họ, tất nhiên chỉ là điều ước về mặt tinh thần thôi nhé. Ngoài ra thì chúng tôi cũng phải chọn nhân vật có điều ước phù hợp với chương trình.

Đơn cử ở Viện huyết học có rất nhiều em bé hoàn cảnh, có em sức khỏe ngàn cân treo sợi tóc, gia cảnh khó khăn. Chúng tôi đã chọn thực hiện điều ước được gặp ca sĩ yêu thích của một em bé. Ngoài ra DUT7 cũng có thể thực hiện điều ước do nhiều người mong muốn cho một nhân vật nào đó. Chúng tôi có đọc một bài báo về một bà lão cô đơn, cưu mang một bầy mèo. Cư dân mạng nhìn gia cảnh của bà đã ước giá mà bà có một môi trường tốt hơn. Thế là chúng tôi đến đó thuyết phục bà để chúng tôi dọn dẹp lại căn nhà. Ban đầu bà đuổi dữ lắm, nhưng sau đó đã đồng ý. Khi chương trình dọn dẹp xong, bà đã rất vui.

* Điều ước nào ê-kíp thấy khó thực hiện nhất?

- Đó là trường hợp lớp học của một thầy giáo người Kinh ở Lũng Mần, nơi xa nhất ở Cao Bằng. Chúng tôi trao đổi với thầy giáo rồi, thấy trên đó thiếu đủ thứ cơ bản, nhưng cuối cùng vẫn chưa biết sẽ thực hiện điều gì cho thầy. Muốn có nước thì chịu rồi, chỉ có thể chờ mưa, hoặc xuống núi gánh lên. Còn điện thì có thể tặng thầy máy phát điện. Biên tập đi tiền trạm về cho biết, các cháu học sinh ở đó không biết tiếng Kinh, hỏi 10 câu không trả lời 1 câu. Giao tiếp với người không hiểu ý nghĩa của việc mình làm thì chương trình rất khó có cảm xúc. Mà nếu không làm ngay thì không thể kịp cho số phát sóng vào ngày khai giảng 5/9.

Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ làm một lễ khai giảng cho lớp học của thầy, tặng quà cho học sinh, với mong muốn đem niềm vui, kỷ niệm đáng nhớ ngày đầu năm cho các em học sinh. Cả ê-kíp và thiết bị truyền hình được bộ đội biên phòng chở bằng ô-tô lên. Đường lên đó xa 10 km, dốc ngược, toàn đá rất trơn. Lúc về, nghe anh lái xe kể có lúc mất lái, xe suýt lồng xuống vực khiến cả ê-kíp sợ hết hồn.

Xem lại chương trình thấy quả thực ê-kíp quá liều. Bọn tôi lên rừng, xuống biển rồi, nhưng lần này quá nguy hiểm. Vợ tôi xem chương trình này đã trách tôi rất nhiều. Nhưng chúng tôi cũng rất vui vì hành trình lên Lũng Mần đã cho khán giả thấy đường tới trường của những em bé dân tộc khó khăn thế nào, càng cảm phục những người thầy đã tình nguyện ở lại nơi này.

* Những điều ước nào ê-kíp không thể thực hiện được?

- Có một chương trình rất hay, trước lúc phát sóng đúng 1 tiếng, nhân vật nói ra sự thật, và không phát được nữa. Anh này học nhạc viện, yêu một cô gái mù, dù gia đình phản đối họ vẫn lấy nhau. Cả hai cùng ước mơ được tham gia Sao Mai - Điểm hẹn nên khi sinh con họ đặt tên con là Sao Mai. Thời điểm làm chương trình đúng lúc cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn diễn ra. Khi đưa anh ấy lên sân khấu hát, kể câu chuyện của hai anh chị khán giả ai cũng bất ngờ, cảm động. Sau chương trình báo chí đưa tin, lúc đó mới vỡ lở ra là anh ấy đã có vợ từ trước. Cô vợ này khi biết tin đã lên tiếng…

 Cuối cùng chúng tôi quyết định không phát chương trình nữa. Vì trong chương trình anh ấy là con người tuyệt vời, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Anh Lại Văn Sâm có nói một câu: DUT7 thực hiện ước mơ tử tế dành cho người tử tế. Đó là sự tử tế, đúng đắn, chính trực hàng ngày chúng tôi muốn hướng đến.

* Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện.


Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm