Cuộc chiến bản quyền: Ai sẽ thắng?

05/01/2012 12:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

Cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League, nay có tên là Super League) giữa VPF và AVG đang có nguy cơ trở thành cuộc chiến pháp lý. Với những người quan tâm đến chủ đề này, điều đáng tò mò nhất là ai sẽ chiến thắng, và bằng cách nào?

Lý lẽ và lợi ích

Khi VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho AVG (Công ty cổ phần tập đoàn An Viên), VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) chưa ra đời. VFF tin rằng mình là đại diện hợp pháp đầy đủ để ký hợp đồng đó, và có lẽ AVG cũng tin như vậy. Cũng không có quy định nào cấm VFF ký một hợp đồng 20 năm, trong khi AVG muốn có một hợp đồng đủ dài để bảo đảm an toàn cho quá trình thu hồi vốn và có lợi nhuận, khi hoạt động truyền hình đòi hỏi đầu tư lớn.



Nhưng giờ thì VPF đã ra đời, với việc nhận bàn giao toàn bộ quyền tổ chức, điều hành, khai thác thương quyền của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ VFF.

Theo lẽ thường, toàn bộ những hợp đồng liên quan đến các quyền trên mà VFF đã ký với các đối tác trước đó sẽ được chuyển giao cho VPF tiếp tục khai thác. AVG còn tin rằng, lẽ thường đó là mặc nhiên, và VPF có nghĩa vụ phải tôn trọng hợp đồng mà họ đã ký với VFF, một hợp đồng "hợp lý" đối với họ.

Nhưng VPF lại bác bỏ điều đó, cho rằng họ không có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện hợp đồng mà VFF đã ký, khi nhận thấy rằng hợp đồng đó là không "hợp lý" đối với họ. Nó thể hiện ở chỗ giá trị quá thấp, và lũy tiến cũng quá thấp, theo nhận định của Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên - người có vai trò lớn nhất trong sự ra đời của VPF - cũng như khi so sánh với thực tiễn quốc tế. Bầu Kiên còn cho rằng việc ký hợp đồng 20 năm cũng là bất hợp lý, khi nhiệm kỳ của VFF chỉ là 5 năm.

Bầu Kiên đòi đàm phán cho một hợp đồng tốt hơn, trong khi ông chủ của AVG Phạm Nhật Vũ từ chối vì cho rằng VPF không đủ tư cách, thậm chí VFF cũng không có quyền đơn phương bàn giao hợp đồng cho VPF nếu không có sự đồng ý của AVG.

Và khi không tìm ra con đường thỏa hiệp, "chiến tranh" đã được khơi mào, với việc bầu Kiên đơn phương ký công văn cho phép VTV và VTC được tường thuật trực tiếp một số trận đấu của Super League.

Tính chính danh và sự chính đáng

Khoản 2, điều 53 của Luật Thể dục thể thao quy định rằng: "Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức".

Khi VFF ký hợp đồng, họ đại diện cho chính mình là Liên đoàn thể thao quốc gia, và đại diện cho Ban tổ chức V-League là bộ phận do họ lập nên, nhưng chưa đại diện cho các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

Nhưng VPF ra đời, họ có đầy đủ tư cách để đại diện cho tất cả các thành phần nêu trong điều khoản trên: Liên đoàn, các câu lạc bộ (vì VPF là công ty cổ phần có sự góp vốn của cả Liên đoàn và các câu lạc bộ), và ban tổ chức giải (do VPF lập nên).

VPF cũng không phải là tổ chức con của VFF (VFF không có cổ phần chi phối tại VPF). VPF cũng không nhận chuyển nhượng quyền sở hữu giải đấu theo một hợp đồng kinh tế để phải chịu sự cho phép của AVG, theo một điều khoản nào đó (nếu có) giữa VFF và AVG.

Sự ra đời của VPF cũng không phải là ý chí chủ quan của VFF, mà đó là sản phẩm của một "cuộc cách mạng" do các câu lạc bộ nổi dậy - với sự khởi xướng từ bầu Kiên - đòi lại quyền kiểm soát chính đáng đối với giải đấu do chính họ tạo nên, giống như thông lệ ở các nền bóng đá phát triển.

Cũng như một nhà nước được thành lập sau một cuộc cách mạng, nhà nước mới được lựa chọn giữa việc tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ mà nhà nước cũ đã ký kết hoặc từ chối, mà không bị quy kết là bội ước. Tất nhiên, nhà nước mới phải tính đến hậu quả của việc bị trả đũa bởi các đối tác bị phương hại, hay việc mất niềm tin từ các đối tác tiềm năng. Do vậy, việc từ chối các nghĩa vụ của nhà nước cũ thường phải gắn với lý do các nghĩa vụ đó là hệ quả của các "hiệp ước bất bình đẳng", nếu không chứng minh được tại tòa án thì cũng nhận được sự thấu hiểu từ dư luận.

Vậy hợp đồng mà VFF ký với AVG có phải là một dạng "hiệp ước bất bình đẳng" hay không? Việc VFF và VPF chứng minh được điều này tại tòa án gần như là không thể, trừ khi có những bằng chứng rõ ràng về tình trạng sức khỏe tồi tệ hay bị đe dọa của người lãnh đạo VFF lúc đặt bút ký hợp đồng. Nhưng nhận được sự thấu hiểu từ dư luận thì có thể, vì người lãnh đạo theo một nhiệm kỳ 5 năm lại đặt bút ký một hợp đồng 20 năm (không có tiền lệ với các giải đấu quốc gia), mà quyền lợi mang lại cho VFF và bóng đá Việt Nam rõ ràng là thiếu hẫp dẫn.

Giá trị bản quyền 6 tỷ mỗi mùa được lũy tiến 10% mỗi năm, phải sau 7 năm mới nhân đôi giá trị. Để so sánh, hợp đồng mà Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh ký với BSkyB năm 1992 mang lại 304 triệu bảng cho 5 năm (bình quân 60,8 triệu bảng/năm), và hợp đồng tiếp theo ký năm 1997 mang lại 670 triệu bảng cho 4 năm (167,5 triệu bảng/năm), gấp gần 2,8 lần chỉ sau 5 năm. Hợp đồng tiếp theo nữa ký vào năm 2001 có giá 1,024 tỷ bảng cho 3 năm (341,3 triệu bảng/năm), hơn gấp đôi hợp đồng trước đó chỉ sau 4 năm. Kể từ khi bước sang thế kỷ XXI, các hãng truyền hình cũng chỉ được ký hợp đồng có thời hạn tối đa 03 năm theo phán quyết của Ủy ban châu Âu EC, vì các hợp đồng có thời hạn lớn hơn bị xem là vi phạm Luật Cạnh tranh.

Nếu chúng ta coi nền bóng đá và tư pháp châu Âu là một chuẩn mực cần hướng tới, và có thể xem vụ xét xử trên như một án lệ, thì hợp đồng của AVG với VFF rõ ràng là vi phạm tinh thần của Luật Cạnh tranh. Thời hạn 20 năm của Hợp đồng giúp VPF bảo đảm quá trình thu hồi vốn cũng có nghĩa là giúp loại bỏ hoàn toàn các đài truyền hình khác tham gia cuộc đua bản quyền truyền hình trực tiếp bóng đá Việt Nam. Và điều này có thể quy vào việc vi phạm Khoản 6, Khoản 7 thuộc Điều 8 Luật quy định về cạnh tranh ban hành tháng 12/2004.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà một doanh nhân lọc lõi như bầu Kiên khẳng định VPF chắc thắng nếu ra Tòa án.

Nhưng chắc gì bầu Kiên đã được giải quyết tranh chấp ở Tòa án...

Ai thắng?

Trước khi ký hợp đồng, VFF đã khôn khéo thông qua Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để được xác nhận rằng mình có tư cách để đàm phán và ký hợp đồng với AVG.

Ở Việt Nam, khó có khả năng Tòa án xem xét lại tính hợp pháp trong quyết định của một cơ quan hành pháp, ở đây là công văn của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho phép VFF có quyền đàm phán và ký hợp đồng bản quyền truyền hình V-League với AVG.

Theo bạn ai sẽ thắng trong cuộc chiến bản quyền truyền hình Super League?

Vì vậy, xét luật này hay luật kia để đoán rằng ai sẽ thắng trong cuộc tranh chấp này có thể không chính xác hơn việc tung đồng xu.

Nhưng kết cục ai sẽ thắng trong cuộc tranh chấp này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của truyền hình bóng đá nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.

Nếu VPF thắng, cuộc cạnh tranh giữa các công ty dịch vụ truyền hình và các đài truyền hình sẽ mạnh mẽ hơn, giúp nâng cao chất lượng truyền hình bóng đá và phục vụ khán giả tốt hơn. VPF thắng cũng có nghĩa là họ sẽ nhận được nhiều tiền bản quyền truyền hình hơn trước mắt, và tiền đó sẽ quay lại phục vụ giải đấu và phục vụ các câu lạc bộ tốt hơn. Ở kỳ hạn của hợp đồng tiếp theo, họ cũng có cơ hội để nâng cao giá trị bản quyền truyền hình hơn, nếu chất lượng giải đấu và truyền hình trực tiếp giải đấu được cải thiện rõ rệt, và tiền đó lại quay lại phục vụ giải đấu và các câu lạc bộ chuyên nghiệp tốt hơn nữa. Có nghĩa là, số tiền bản quyền truyền hình mà giải đấu và các CLB nhận được sẽ lệ thuộc vào chính sản phẩm mà họ tạo ra (chất lượng các trận đấu) và kỹ năng bán hàng của họ (thương lượng hợp đồng bán bản quyền truyền hình). Đó chính là kinh tế thị trường. Hệ quả là người hâm mộ sẽ được xem các trận đấu có chất lượng tốt hơn.

Nếu VFF và AVG thắng, cuộc cạnh tranh giữa các đài và công ty dịch vụ truyền hình trong việc nâng cao chất lượng truyền hình trực tiếp bóng đá sẽ bị vô hiệu hóa trong 20 năm, và có thể lâu hơn nữa. Gía trị hợp đồng bản quyền truyền hình cũng sẽ được đóng khung trong suốt 20 năm, dù chất lượng giải đấu có thay đổi theo chiều hướng nào. Tức là nguồn thu từ bản quyền truyền hình (chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong bóng đá hiện đại) sẽ không thay đổi dù các câu lạc bộ có cố gắng cỡ nào, VPF có điều hành giải tốt cỡ nào, mà phụ thuộc hoàn toàn vào chữ ký của một quan chức bóng đá sắp đến tuổi nghỉ hưu, cho thời hạn 20 năm.

Theo Tuanvietnamnet

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm