VPF có, VPF không…

06/10/2011 13:06 GMT+7 | Viễn cảnh VPF

(TT&VH) - 1. Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên ngày 2/10/2011, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB HA.GL, một trong số những người ủng hộ đầu tiên cho dự án Công ty VPF của ông Kiên nói: “Không thiếu gì cách kiếm tiền. Để tránh lỗ, ngoài số vốn được huy động từ các cổ đông theo như điều lệ, VPF sẽ bán bản quyền truyền hình, bán quảng cáo, tổ chức những sự kiện nổi bật. Ví dụ như có thể thuê Arsenal đến VN với giá một triệu USD. Tiền bán vé và quảng cáo thu về 2 triệu USD, như vậy lãi một triệu USD”, ông Đức sau đó cũng nói thêm rằng VPF quan tâm đến việc tổ chức kinh doanh cá cược bóng đá để kiếm tiền như là một hướng kinh doanh.

Và đây chính là điều sẽ làm nhiều người quan tâm và hiểu biết kinh doanh thể thao, hoạt động bóng đá ở VN e ngại về một tương lai không hoàn toàn sáng sủa của VPF.

Trở lại về nguyên do của sáng kiến của ông Kiên khi lập ra VPF, một cách hết sức rõ ràng, nhu cầu lập ra VPF là để tổ chức giải bóng đá V-League và hạng Nhất tốt hơn và hạn chế tiêu cực. Vậy cái mà VPF hướng đến nên là mục tiêu ấy, chứ không phải những cái như một trong những người tự coi là đồng tác giả của bản đề án ấy, ông Đoàn Nguyên Đức, nói như đã trích dẫn trên kia.


Bầu Kiên, bầu Đức cũng chỉ có thể là người đầu tư, là những người bỏ tiền ra, chứ không phải là những người có chuyên môn và kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính của VPF

Ăn cơm mới nói chuyện cũ, có lẽ cũng nên nhìn lại thực tế một chút về một mô hình khác mà VFF đã từng có nhiều kỳ vọng, và thực tiễn đã cho thấy kỳ vọng ấy không được đáp ứng. Để có công ty làm tiếp thị cho mình, VFF cùng với một số doanh nhân đã lập nên Công ty cổ phần phát triển bóng đá VN-VFD, với kỳ vọng công việc tiếp thị và tìm kiếm nguồn tài trợ cho bóng đá sẽ tốt hơn. Thực tiễn là trong nhiều năm qua, VFD không chỉ không làm được tròn vai nhiệm vụ của mình, mà còn đi đến chỗ thua lỗ, trở thành sân sau của VFF với những công việc nhì nhằng như thi công biển quảng cáo hay bán vé cho các sự kiện của VFF lấy tiền hoa hồng.

Việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho ĐTQG từ khi được chuyển cho Densu đã trở tốt hơn rất nhiều, chuyên nghiệp hơn. Thực tế thì nếu không vì là con của VFF, không hẳn VFD có thể thắng các đối thủ khác trong cả những việc nhì nhằng đang làm, nếu phải đấu thầu sòng phẳng. Chính VFD cũng bị phụ thuộc và kìm hãm ở cái thế phải gắn mình và phục tùng VFF, làm ăn với một đối tác chưa bao giờ dành cho mình vị trí ngang hàng đã khiến chính VFD cũng khó phát triển…

Là Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm của VFD, hẳn ông Lê Hùng Dũng sẽ thấm thía và hiểu những khát vọng của VFF, VFD cũng như những hạn chế của mô hình này.

2. Bài học ấy của VFD không hẳn là không có cơ hội lặp lại ở VPF, khi mà lẽ ra giờ là lúc ngồi bàn xem VPF sẽ làm gì để chỉ phục vụ tốt cho nhiệm vụ của mình, là tổ chức giải VĐQG và hạng Nhất quốc gia, thì có thể những người lập ra nó lại đang có ý định biến VPF trở thành một công ty tổ chức sự kiện của VFF và hơn thế nữa, biến VPF thành một thứ độc quyền và ngăn cản những cơ hội phát triển của nhiều đối tác khác.

Và bởi vì ai cũng biết, mô hình VPF chính là một bản sao của FAPL (Football Association Premier League Ltd) bên Anh, thì cũng phải nhận thấy thêm rằng, FAPL do FA lập ra và thuộc quyền sở hữu của 20 CLB thành viên giải Ngoại hạng Anh, và đương nhiên, việc duy nhất mà Công ty này làm, là tổ chức và kinh doanh giải Ngoại hạng Anh, biến nó trở thành cỗ máy in tiền cho các CLB.

Trong khi VPF mới chỉ được đầu tư có 2 giờ đồng hồ của ông Kiên và như một ý tưởng, và lại được bổ sung, kỳ vọng bởi nhiều ý tưởng khác, lĩnh vực khác, kiểu tận thu như ông Đức nói, thật khó thay để có thể kỳ vọng vào sự tốt đẹp của ý tưởng này, trừ phi, ngay từ khi ra đời, VPF sẽ được đặt đúng, chính xác vào vị trí và công việc, mục tiêu của mình.

3. Có điều này phải nói thêm nữa, và khiến tôi khá hoang mang trước tiền đồ và sự hứa hẹn của VPF cũng như của sự đổi thay của các giải bóng đá nội địa của VN tới đây, là cho đến giờ, hầu hết mới chỉ là ý tưởng, lời nói và sự chỉ đạo, mà người làm thì chưa thấy.

Ông Kiên, ông Đức, ông Thắng,… cũng chỉ có thể là người đầu tư, là những người bỏ tiền ra, chứ họ đương nhiên không phải là những người có chuyên môn và kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính của VPF. Đến bây giờ, mới chỉ thấy những lời bóng gió rằng lương sẽ là 10.000 USD mỗi tháng cho Tổng giám đốc, kiểu như bỏ ra 10.000 USD thì chắc chắn sẽ đảm bảo VPF chạy tốt, V-League và giải hạng Nhất ngon lành.

Cũng cần nói thêm nữa, cái khó khăn nhất của VPF không hẳn chỉ là bản thân VPF, mà hơn thế, họ sẽ cần có những CLB mạnh và hấp dẫn công chúng, mà cái đó lại thật sự nằm ngoài tầm với của VPF. Hãy nhìn vào bức tranh của Hội nghị Chủ tịch các CLB thì sẽ thấy thực tế ấy, khi chỉ có những ông bầu, tức là những người không chuyên nghiệp về quản lý và kinh doanh thể thao/bóng đá, lên tiếng, chứ nào đâu có nghe được ai đang điều hành bóng đá phát biểu.

Tất nhiên, là một người lạc quan, tôi sẽ hy vọng vào sự tự tôn của những người ít nhiều đã thành đạt trên thương trường, để VPF sẽ là tổ chức thật sự chuyên nghiệp và chuyên tâm, và sẽ có được một giải bóng đá hấp dẫn, trở thành món ăn cuối tuần cho người hâm mộ. Biết đâu đấy, phỏng ạ….

Phạm Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm