Về sự ra đời của VPF: Thay đổi là tất yếu

14/10/2011 11:38 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Không nằm ngoài dự đoán, trước tuyên bố của Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn về việc xác định VPF như một thành viên chịu sự quản lý của VFF, bầu Kiên, với tư cách là người đại diện của nhóm các ông bầu khởi thảo ý tưởng thành lập VPF, đã tuyên bố: “Không có chuyện VFF chỉ đạo VPF”.

Thậm chí, bầu Kiên còn gợi ý VFF nên giảm số cổ phần sở hữu từ 35,6% xuống còn 25% để dành số % cổ phần nhiều hơn cho các CLB, nhưng bản thân bầu Kiên hiểu rằng đây là một yêu cầu không dễ gì được VFF thực hiện, nên ông cũng nói: “Việc này cần có thời gian”.

Sự phản bác mạnh mẽ của bầu Kiên không làm ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi như chính ông bầu này đã nói, mục đích chính cho sự ra đời của VPF là nhằm để điều hành giải đấu tốt hơn, hạn chế thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra chứ không phải nhắm tới lợi ích kinh tế hay lờ lãi. Bởi thế, nếu VPF xuất hiện nhưng VFF vẫn nắm quyền quản lý về chuyên môn, chẳng hạn như đưa người của VFF vào nắm giữ các chức danh chủ chốt như TGĐ hay GĐĐH, thì chẳng khác nào một câu chuyện theo kiểu “bình mới rượu cũ”.


 Bầu Kiên tin rằng với sự minh bạch trong hoạt động của mình và có thay đổi ở hoạt động quản trị, điều hành thì giải đấu sẽ tốt hơn

VFF đã có 11 mùa giải điều hành V-League nhưng thời gian càng qua đi thì càng có cảm giác như năng lực quản lý của tổ chức xã hội nghề nghiệp này dường như đã không theo kịp với sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, mà về bản chất là cuộc chơi giữa các doanh nghiệp dấn thân vào lĩnh vực bóng đá. Vì vậy, sự ra đời của VPF như là một hệ quả tất yếu từ nhu cầu phát triển thúc bách của bóng đá chuyên nghiệp VN.Không những thế, việc VPF được thành lập chỉ sau 11 mùa giải chuyên nghiệp của bóng đá VN còn có thể xem như một bước tiến, bởi bóng đá Anh dù có lịch sử hình thành và phát triển lên tới hàng thế kỷ, nhưng họ cũng mới chỉ có một BTC giải độc lập về mặt tài chính so với LĐBĐ QG cách đây hơn 20 năm, hay như Nhật Bản, mô hình bóng đá chuyên nghiệp được coi là chuẩn mực của châu Á, cũng mới chỉ tách BTC giải ra khỏi LĐBĐ QG được ngót một thập kỷ.

Do đó, sự ra đời của VPF lúc này có thể vẫn chưa phải là muộn, bởi giờ mới là thời cơ chín muồi để các CLB thuyết phục VFF trao lại quyền tổ chức giải VĐQG cho mình. Đây là một sự chuyển giao hợp lý hợp tình, bởi với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng mà các doanh nghiệp chi ra để làm bóng đá hàng năm thì giờ đây bóng đá không chỉ là trò giải trí đơn thuần, mà đã trở thành một ngành công nghiệp thực thụ, và vì thế việc trao lại quyền điều hành giải cho những ông bầu vừa máu mê bóng đá nhưng cũng cực kỳ am hiểu kinh tế là chuyện “tất, lẽ, dĩ, ngẫu”.

Vai trò quản lý của VFF đối với VPF có lẽ chỉ nên thể hiện ở việc VFF vẫn nắm quyền điều hành ban Trọng tài và ban Kỷ luật như quy định của FIFA, nhưng khi đưa ra quyết định cuối cùng thì phải dựa trên cơ sở phối hợp và đồng thuận với VPF chứ không phải VFF đơn phương định đoạt. Một sự thay đổi bao giờ cũng mang theo cả rủi ro lẫn cơ hội, nhưng nếu không thử thay đổi thì sẽ không bao giờ vượt qua giới hạn của chính mình.

Có thể bóng đá VN sẽ không lập tức thay đổi diện mạo ngay trong mùa giải đầu tiên có sự xuất hiện của VPF, nhưng một khi cuộc chơi có sự giám sát của tất cả các bên tham gia theo cơ chế ngang nhau, thay vì quản lý kiểu ngành dọc từ trên xuống như trước kia, thì chắc chắn nguy cơ xảy ra tiêu cực sẽ bị giảm thiểu ở mức độ đáng kể, bởi lúc ấy thì chẳng có cái kim nào có thể giấu ở trong bọc mà tất cả đều bình đẳng như nhau.

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm