24/08/2012 09:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - 20 năm cầm máy theo Đại tướng trong hàng loạt sự kiện, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Nghị chọn cho triển lãm của mình một cái tên rất giản dị: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cựu chiến binh. Cũng là một người lính, anh và nhiều đồng đội đã tự đứng ra tổ chức cuộc triển lãm này, như một món quà mừng ngày Đại tướng bước sang tuổi 102 (25/8/1911 - 25/8/2012).
Diễn ra tại Nhà triển lãm Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) từ 22-26/8, 102 bức ảnh trưng bày được chọn lọc từ gần 500 bức ảnh về Đại tướng mà Nguyễn Trọng Nghị đã thực hiện trong những năm qua. Gần như toàn bộ các tác phẩm này đều ghi lại hình ảnh của huyền thoại Võ Nguyên Giáp giữa ánh mắt, nụ cười, vòng tay của những người đồng đội qua nhiều thế hệ...
Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Nghị. |
* Đó là những sự kiện gì, thưa anh?
- Chủ yếu là những lễ kỉ niệm của Hội cựu chiến binh các cấp, là những lần gặp mặt của đồng đội cũ, là những ngày mừng sinh nhật Đại tướng mỗi năm... Sự thật, dù thuộc thế hệ nào, những người lính VN vẫn luôn ngưỡng mộ và coi Đại tướng là biểu tượng thiêng liêng nhất trong sự nghiệp của mình. Bởi thế, với mọi sự kiện, các cựu chiến binh vẫn luôn trông đợi sự xuất hiện của Đại tướng.
Tôi bắt đầu chụp Đại tướng 20 năm trước. Thật lòng, khi ấy, Cụ 80 tuổi và bắt đầu yếu rồi. Bởi thế, tôi ít có dịp được chụp Đại tướng tại những sự kiện diễn ra ngoài Hà Nội.
* Vậy ấn tượng nhất của anh về Đại tướng trong 20 năm ấy là gì?
- Có lẽ, tôi là người lính nên luôn nhìn Đại tướng bằng cảm quan của một người đồng đội, một người đàn em. Với góc nhìn ấy, khoảng cách giữa Đại tướng và người cựu chiến binh không tồn tại. Những người lính yêu quý Đại tướng một cách gần gũi và chân thành và đơn giản như người cha, người anh mình - ngược lại, Đại tướng cũng luôn thân thiết, mộc mạc và thậm chí có phần xuề xòa trong những cuộc gặp gỡ với anh em.
Chẳng hạn, tôi vẫn nhớ chuyến thăm nhà Đại tướng của đoàn cựu chiến binh Sư đoàn 308 vài năm trước. Khi ấy Đại tướng tuổi đã cao. Mỗi lần tới thăm, những cựu chiến binh luôn được ban thư ký yêu cầu giới hạn thời gian vào phòng thăm Cụ chỉ trong 10 phút đồng hồ. Và số người chỉ được giới hạn tới 20. Nhưng lần ấy anh em đến rất đông, có tới hơn 50 người. Đại tướng nói thư kí cho anh em vào cả, rồi cuối buổi lại vui vẻ bảo: đông thế này, phải ra ngoài sân chụp ảnh kỉ niệm mới đủ chỗ. Chưa hết, chụp xong, Đại tướng nhìn cánh phóng viên và hỏi rất giản dị: “Mọi người chụp chung với tôi nhé? Trong nhà ai biết chụp thì ra cầm máy, để anh em đứng cả vào đây”... Sự thân tình như vậy là điều tôi luôn thấy ở Đại tướng.
Tác phẩm bày tại triển lãm.
* Vì sao anh lại chọn dịp này để tổ chức triển lãm ảnh về Đại tướng mà không phải là thời điểm sớm hơn?
- Thật lòng, tôi có nguyện vọng được tổ chức triển lãm từ lâu rồi, nhất là những năm đại tướng bước sang tuổi 100 (2010) hoặc tròn 100 tuổi (2011). Nhưng, là một triển lãm hoàn toàn mang tính cá nhân, tôi luôn gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm - bởi đó đều là những dịp Hà Nội diễn ra nhiều sự kiện lớn. Rồi còn cả những vấn đề về điều kiện kinh tế nữa...
Bởi thế, vào năm 2012 này, hơn bao giờ hết, tôi cố gắng bằng mọi giá để có thể tổ chức cuộc triển lãm này. Rất bất ngờ, khi biết tin, anh em bạn bè đều lên tiếng động viên và đề nghị được giúp đỡ tôi ít nhiều về tài chính. Rồi, có cả những người ở phía Nam chưa từng gặp mặt, chỉ qua bạn bè đề nghị cũng liên lạc và sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện với tôi. Nói chung, một nửa trong số tiền gần 50 triệu đồng để tổ chức cuộc triển lãm này đến từ sự giúp đỡ của bạn bè.
Thiệp cám ơn được Đại tướng gửi tới đồng đội trong dịp sinh nhật vừa qua.
* Và, lời cuối cùng của anh về cuộc triển lãm này là...
- Tôi chỉ có một ước vọng đơn giản: Được giới thiệu những hình ảnh về Đại tướng với bạn bè, với các cựu chiến binh trong dịp sinh nhật lần thứ 101 này của Cụ. Ngày khai mạc triển lãm (22/8), tôi có qua thăm gia đình và gặp phu nhân Đại tướng - GS Đặng Bích Hà. Tôi được biết Đại tướng vẫn còn khỏe và minh mẫn, thậm chí còn trực tiếp kí tặng lên những lá thiệp cám ơn gửi anh em, bạn bè tới mừng thọ. Với tôi, thông tin ấy đã là niềm vui lớn nhất trong những ngày này.
Xin cám ơn anh!
Ngạc nhiên vì họ gọi tướng Giáp là “anh” Tôi thấy triển lãm này tuyệt hay. Và hơn thế, tôi thật sự vừa ngạc nhiên, vừa xúc động khi biết các cựu chiến binh Việt Nam gọi tướng Giáp bằng “anh”. Qua việc dịch một số tác phẩm của tướng Giáp trước đây, tôi được biết ông cũng thường gọi các sĩ quan và chiến sĩ của mình bằng “anh”. Theo tôi biết, không có quân đội và chiến binh nào trên thế giới lại có cách xưng hô vừa thân mật, vừa thân ái, vừa quý trọng như vậy. (Nhà văn Mỹ Lady Borton viết trong sổ lưu niệm tại triển lãm) |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất