Vỡ đập thủy điện ở Lào không ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long

25/07/2018 06:29 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) khẳng định như vậy với phóng viên báo TTXVN. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nhiều nguy cơ đối với hệ thống thủy điện tại Việt Nam.

PGS.TS Lê Anh Tuấn là chuyên gia hàng đầu về biến đổi khí hậu. Ông có nhiều năm nghiên cứu về thủy điện, dòng chảy sông Mekong và đã nhiều lần cảnh báo về tác hại của thủy điện đến môi trường và đời sống dân sinh.

Chú thích ảnh
PGS. TS Lê Anh Tuấn

Đêm 24/7, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, đập thủy điện bị vỡ tại Lào nằm trên phụ lưu sông Mekong. Việc vỡ đập sẽ làm tăng lưu lượng nước trên dòng chính sông Mekong. Tuy nhiên, lưu lượng nước không quá lớn, chỉ khoảng 5 tỷ mét khối.

"Dòng nước này đi từ Lào về Campuchia sẽ bị điều tiết bởi Biển Hồ nên khi về đến Việt Nam sẽ không gây ngập úng cho đồng bằng sông Cửu Long", PGS.TS Lê Anh Tuấn khẳng định.

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng cảnh báo: Vụ việc vừa xảy ra ở Lào cũng cho thấy, các đập thủy điện luôn tiềm ẩn nguy cơ bị vỡ, ảnh hưởng lớn đến tài sản và tính mạng của người dân. Cách đây khoảng 1 năm, Lào cũng bị vỡ một đập thủy điện ở khu vực phía Bắc, lần này là ở Nam Lào. Những đập này đều đang trong giai đoạn thi công chứ chưa đi vào vận hành. Nếu vận hành rồi thì nguy cơ vỡ đập còn lớn hơn.

"Lào đang có tham vọng trở thành quốc gia thủy điện, giúp gia tăng sản lượng điện trong nước, đồng thời bán điện cho nước ngoài. Tuy nhiên, loại hình thủy điện tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nói thủy điện giúp điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ lụt chỉ mang tính lý thuyết. Nó chỉ đúng trong những năm mưa gió bình thường. Còn những năm mưa lũ lớn thì không còn đúng nữa", TS Tuấn cho hay.

Chú thích ảnh
Vỡ đập thủy điện làm nhiều vùng tại Nam Lào bị ngập chìm trong nước. Ảnh: Attapeu Today

Ông Tuấn cho rằng, không chỉ Lào mà các nước đều cần cảnh giác với nguy cơ vỡ đập thuỷ điện: "Miền Trung nước ra cũng có hàng loạt thủy điện với địa hình tương tự bên Lào. Nếu không được quản lý thì nguy cơ vỡ đập rất lớn. Đặc biệt khi tại Việt Nam tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp. Chúng ta cũng đã có nhiều bài học về thủy điện xả lũ gây lũ chồng lũ, ngập úng và thiệt hại nặng vùng hạ du. Do đó, vỡ đập thủy điện tại Lào là bài học lớn cho Việt Nam nhìn lại hệ thống thủy điện của mình".

"Việc vận hành thủy điện phải tuân thủ đúng quy trình, xả lũ cũng phải đúng quy trình. Đồng thời, người điều hành phải có đủ năng lực thì mới hạn chế được nguy cơ vỡ đập như tại Lào", chuyên gia khuyến cáo.

23h đêm 23/7, đập thủy điện Sepien Senamnoi tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào bị vỡ gây ngập cho 10 bản ở hạ lưu và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay. Vụ vỡ đập đã làm trên 1.300 hộ gia đình với 6.600 người bị ảnh hưởng. Nhiều người vẫn đang mất tích.

Đập thủy điện có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019. Theo thiết kế, hồ chứa của dự án có thể tích 5 tỷ mét khối nước.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm