04/05/2011 14:37 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Dòng họ TS Nguyễn Kiều - chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - đã đồng ý phối hợp với ngành khảo cổ để khai quật và nghiên cứu ngôi mộ 260 tuổi này. Trước đó, năm 1976, dòng họ đã từ chối lời đề nghị tương tự của Bộ Văn hóa.
Ngôi mộ có kích thước khoảng 2,3 x 4,5m, xây bằng đá tại cánh đồng xã Phú Xá (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội). Theo gia phả dòng họ Nguyễn, vào năm 1752, khi TS Nguyễn Kiều mất, nhà Hậu Lê đã xây mộ, cấp đất và đưa thi hài ông về đây an táng. Cách đó khoảng 2km, nằm trong khu dân cư là mộ phần của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Cũng theo dòng họ Nguyễn, lúc sinh thời, TS Nguyễn Kiều đã đưa hài cốt của bà về an táng tại đây.
7 năm để đi đến thống nhất, nhưng…
Ý tưởng di dời mộ TS Nguyễn Kiều được đưa ra từ năm 2004, khi ngôi mộ này nằm trong diện tích quy hoạch xây dựng hạ tầng kĩ thuật rộng gần 19ha đất của quận Tây Hồ.
Theo kế hoạch ban đầu, Ban quản lý dự án này định di chuyển mộ TS Nguyễn Kiều lên nghĩa trang Yên Kỳ (Thanh Tước, Hà Nội). Tuy nhiên, sau gần hai năm làm việc cùng đại diện dòng họ Nguyễn, cả hai phía đã thống nhất sẽ di chuyển ngôi mộ này tới cạnh mộ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đồng thời xây tường bao, mái che và tôn tạo lại toàn bộ để trở thành khu tưởng niệm cặp vợ chồng văn nhân nổi tiếng này.
Mộ TS Nguyễn Kiều
Đề nghị của phía dòng họ Nguyễn là hợp lý. Mộ TS Nguyễn Kiều cần được khai quật bởi giới khoa học và có sự giám sát của dòng họ - chứ không để bên dự án di dời... ào ào một cách úi xùi và “đại trà” - PGS. TS Nguyễn Lân Cường (Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam) nhận xét. Theo lời ông Cường, ngoài việc cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng cho ngành khảo cổ, việc khai quật mộ TS Nguyễn Kiều còn thuận tiện cho việc tiến hành lễ “thay áo” theo như tâm linh của người Việt mỗi khi chuyển mộ.
Nhưng điều đáng nói, vào thời điểm này, dòng họ Nguyễn và Ban quản lý dự án vẫn chưa đạt tới sự đồng thuận cuối cùng trong việc khai quật và di dời mộ TS Nguyễn Kiều. Ngoài nhu cầu được khai quật và chuyển mộ vào dịp cuối năm để đảm bảo các vấn đề tâm linh, phía dòng họ Nguyễn cũng chưa đồng tình về nhiều vấn đề trong thỏa thuận đền bù đất, cách thức tiến hành di chuyển và khai quật...
Đặc biệt, từ tháng 4/2011, Ban quản lý dự án đã tiến hành xúc đất ở khu vực gần mộ TS Nguyễn Kiều với độ sâu 20m để cắm móng nhà. Ngôi mộ TS Nguyễn Kiều hiện nằm cách miệng hố 3m và dòng họ Nguyễn phải cắt cử người luân phiên ra trông coi nhằm tránh nguy cơ sập mộ... Bởi thế, việc tìm sự đồng thuận để ngôi mộ TS Nguyễn Kiều được tiến hành khai quật là điều mà giới khảo cổ quan tâm hơn bao giờ hết.
Mộ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và phần đất trống bên trái
là nơi dự định mai táng hài cốt TS Nguyễn Kiều
Kiến giải “nghi án” mộ thật - mộ giả?
Đáng chú ý, vào giữa năm 2005, tại khu vực Phú Xá, giới khảo cổ cũng phát hiện một ngôi mộ cổ được cho là có niên đại gần sát với giai đoạn an táng TS Nguyễn Kiều. Ngoài việc sử dụng quan tài bằng gỗ ngọc am và nhiều áo gấm, áo lụa, thi hài của người đàn ông trong mộ được bảo quản bằng nhiều hương liệu rất đặc biệt.
Do vị trí nằm khá gần mộ TS Nguyễn Kiều và có niên đại trùng nhau, nhiều nhà nghiên cứu đặt giả thiết: đó chính là ngôi mộ “thật” của TS Nguyễn Kiều. Có nghĩa, xác ướp của người đàn ông trong mộ chính là phu quân của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, còn ngôi mộ mà dòng họ Nguyễn đang trông giữ chỉ là ngôi mộ “giả” không có xác (trường hợp cùng xây mộ “thật” và mộ “tượng trưng” này đã từng được nhắc tới trong lịch sử khảo cổ).
Hiện, sau khi khai quật, thi hài từ ngôi mộ trên cũng đã được an táng lại tại xã Phú Xá. Theo bà Nguyễn Thị Sơn, dòng họ Nguyễn cũng lưu ý và khá lo lắng về giả thiết này. Thậm chí, trong trường hợp ngôi mộ TS Nguyễn Kiều không chứa hài cốt khi khai quật, việc dòng họ nhờ giới khảo cổ nghiên cứu và tìm “lý lịch” của xác ướp bị... nghi là TS Nguyễn Kiều cũng được tính tới.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường, chuyên gia được mặc định là sẽ phụ trách việc khai quật mộ TS Nguyễn Kiều, tỏ ra rất hào hứng trước giả thiết trên. “Tôi thì lại tin chắc rằng mộ TS Nguyễn Kiều có chứa hài cốt bên trong. Thứ nhất, theo quan điểm của tôi, “mốt” mộ thật - mộ giả không phổ biến tại Việt Nam trong giai đoạn thế kỷ 17 - 18. Thứ hai, những trường hợp xây thêm “mộ giả” thường là các bậc vương giả hoặc... gây thù chuốc oán quá nhiều, còn cụ Nguyễn Kiều theo cổ sử là người giản dị và luôn vì dân, vì nước”.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất