Biển khơi muôn trùng sóng gió, khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập không làm nản lòng, chùn bước những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam. Sự mưu trí, dũng cảm, những hy sinh thầm lặng của họ đã và đang góp phần mang lại bình yên trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.Bài 1: Bình yên cho biển đảo và ngư dân
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vùng biển quê hương, lực lượng cảnh sát biển luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn. Trong mưa bão, những lần ra khơi vất vả của các anh đem lại sự bình yên cho cuộc sống giữa biển trời và cứu sống được nhiều ngư dân bám biển.
Người cảnh sát trên biểnCảnh sát biển là lực lượng tinh nhuệ góp vai trò lớn trong việc hợp tác quốc tế trên biển, giữ gìn an ninh, trật tự, hòa bình và ổn định trên các vùng biển. Lực lượng CSB đã phối hợp phát hiện, xua đuổi hàng ngàn lần tàu cá vi phạm vùng biển Việt Nam, đánh bắt hải sản trái phép, tàu quân sự, tàu chấp pháp, tàu thăm dò có hành vi vi phạm chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam.
Tuyên truyền luật cho các thuyền viên
Mỗi chiến sĩ, mỗi con tàu của lực lượng CSB luôn gắn với những chiến công, những nhiệm vụ được hoàn thành một cách xuất sắc công tác bảo vệ chủ quyền lãnh hải và an toàn, trật tự trên biển. Đáng chú ý nhất là vụ truy bắt bọn cướp biển cướp tàu chở dầu ZAFIRAH treo cờ Malaysia, số hiệu IMO 9016387, có trọng tải trên 1.000 tấn trên tàu đang chở trên 300 tấn dầu nhẹ rất dễ bị cháy nổ, bị cướp trên vùng biển nước ngoài khi đang hành trình đi về phía bắc.
Vào hồi 18 giờ 19 phút ngày 19/11/2012, Trung tâm chia sẻ thông tin Cục Cảnh sát biển nhận được thông báo từ Trung tâm thông báo cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế tại Kuala Lumpur Malaysia (IBM KL) về việc tàu ZAFIRAH bị cướp, toàn bộ 9 thuyền viên của tàu sau hai ngày bị bắt giữ làm con tin chúng đã ném xuống biển cùng với phao cứu sinh.
Xác định tàu bị cướp đã bị bọn hải tặc thay đổi tên tàu và số hiệu, dừng cách Nam Đông Nam Mũi Ô Cấp Vũng Tàu 36 hải lý, lực lượng CSB đã lên phương án tấn công, khống chế bọn cướp. Kết quả sau 14 giờ đồng hồ đấu trí, đấu lực bọn cướp biển đã xin đầu hàng vô điều kiện. Đến 17 giờ 10 phút ngày 22/11, cả 11 đối tượng cướp đã bị CSB Việt Nam bắt giữ, khống chế, (11 đối tượng cướp biển và 9 thuyền viên tàu bị cướp đều là người nước ngoài).
Đại úy Phạm Nguyên Phú, 33 tuổi, quê ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là một trong những học viên thế hệ khóa 1 đào tạo CSB tại Học viện Hải quân, người có những đóng góp không nhỏ vào những chiến công của lực lượng CSB Vùng 2. Đối với người thuyền trưởng trẻ này và các chiến sỹ CSB Vùng 2, nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho tàu Bình Minh 02, Viking 2 và tàu Voyager là kỷ niệm đáng nhớ. Trên boong con tàu 4032, người thuyền trưởng trẻ này bồi hồi kể lại: Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 2004, em được phân công về CSB Vùng 5 làm Thuyền phó tàu CSB 5011.
Hơn 70 ngày đêm trên biển, các thủy thủ của các tàu Vùng CSB 2 cùng tàu hải quân luôn sát cánh cùng nhau thực hiện nhiệm vụ. Tàu CSB 4032 bảo vệ thành công tàu Bình Minh 02 khi đang khảo sát thăm dò dầu khí trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Và ít ai biết rằng, trong thời gian này, sự kiên quyết, quả cảm của người thuyền trưởng trẻ Phạm Nguyên Phú cùng các thuyền viên đã góp phần làm cho tàu ngư chính nước ngoài phải rút lui. Sau chuyến công tác ấy, Phạm Nguyên Phú được thăng quân hàm Đại úy trước niên hạn.
Điểm tựa của ngư dân bám biểnThiếu úy Vũ Xuân Tiến, Thuyền phó tàu CSB 9002 cho biết: “Trong năm 2012, tàu CSB 9002 4 lần làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển. Trong đó có hai lần cứu thành công tàu cá của ngư dân”. 13 giờ 30 phút ngày 17/6/2012, Vùng Cảnh sát biển 2 nhận được tin báo 7 giờ sáng, tàu cá QNa 91594 cùng 12 ngư dân bị hỏng máy ở khu vực cách đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa khoảng 40 hải lý về hướng đông. Nhận được lệnh, tàu CSB 9002 cùng 25 cán bộ chiến sĩ của Vùng Cảnh sát biển 2 lên đường cứu nạn.
Vượt 320 hải lý, tàu CSB 9002 đã tìm thấy tàu cá QNa 91594. Lúc này tàu bị nạn đã trôi dạt cách vị trí ban đầu 50 hải lý và các ngư dân bắt đầu kiệt sức vì phải vật lộn với biển động nhiều ngày. Khi tiếp cận tàu bị nạn, hai người bị thương nhanh chóng được sơ cứu, băng bó vết thương, các ngư dân được tiếp tế lương thực, nước ngọt. 10 giờ ngày 22/6, tàu CSB 9002 đã đưa tàu cá QNa 91594 cùng 12 ngư dân cập quân cảng an toàn sau 6 ngày cứu nạn.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất đối với các chiến sĩ Vùng CSB 2 là tối 24/10/2010, tàu CSB 606 cùng 29 chiến sĩ ra quần đảo Hoàng Sa để đón 9 ngư dân bị tàu nước ngoài bắt giữ và kéo tàu của ngư dân Mai Phụng Lưu (Lý Sơn, Quảng Ngãi) về đất liền. Chuyến đi kéo dài 4 ngày đêm. Cách đảo Tri Tôn 40 hải lý, anh em trên thuyền xúc động nhìn con tàu nhỏ nhoi của ngư dân đang dập dềnh trên sóng nước. Cạnh tàu cá là chiếc tàu lớn được trang bị hiện đại của hải quân nước ngoài.
Kết thúc hành trình hai ngày đêm đưa tàu của ngư dân trở về tới Cảng Dung Quất, hàng ngàn người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương ra đón đoàn. Anh em Cảnh sát biển xúc động khi nhìn thấy những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt của các ngư dân và của thân nhân họ.
Mong muốn biết rõ hơn về những người cảnh sát biển của tôi tới từ lời tâm sự của anh Nguyễn Văn Liêm, chủ tàu BĐ-96286-TS, quê Khánh Hòa, Hoài Nhơn (Bình Định) khi gặp tàu anh dừng tiếp dầu tại đảo Song Tử Tây. Anh Liêm chia sẻ: “Chúng tôi thường đi đánh bắt xa bờ thời gian dài. Ở ngoài khơi xa, thấy tàu của lực lượng CSB và hải quân là anh em rất yên tâm. Với sự giúp đỡ của lực lượng CSB chúng tôi thấy vững tâm và yêu nghề hơn”.
Khi ra khơi đánh bắt hải sản trên vùng biển xa xôi và thiêng liêng nhất của Tổ quốc, ngoài sự nỗ lực của bản thân, các ngư dân còn được sự hỗ trợ của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo. Đây chính là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển, bám ngư trường để sản xuất, đồng thời qua đó góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
Trò chuyện với các chiến sĩ CSB, mới biết mỗi chuyến ra khơi của họ kỷ niệm bao giờ cũng đầy ắp. Hải trình vượt qua hàng ngàn hải lý, luôn làm dày thêm trang nhật ký. Đối với các anh, hạnh phúc có lẽ là được song hành, bảo vệ ngư dân trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài 2: Chống buôn lậu trên biển
Theo Lê Sơn
Báo Tin tức