24/05/2023 18:33 GMT+7 | Văn hoá
Hơn nửa số bài viết trong loạt bài Vinh danh những nhiếp ảnh gia của TTXVN, được báo Thể thao và Văn hóa đăng tải vừa qua là của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Dịp này, ông cũng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với bộ ảnh Hai người lính (gồm 4 ảnh).
Còn nhớ, vào năm 2012, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm Từ ngục tối thắng lợi trở về; gồm 4 bức ảnh: Thoát khỏi ngục tù, Nghẹn ngào đón mừng các chiến sĩ thắng lợi trở về, Hạnh phúc của những người chiến thắng, Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng.
Bộc lộ phần con người nhân văn nhất
Đúng 10 năm sau, ông được vinh danh với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2022 với cụm tác phẩm Hai người lính, gồm 4 ảnh:
1) Tay bắt mặt mừng
2) Hai người lính
3) Cầu Quảng Trị
4) Những bàn tay lưu luyến
Đáng nói, từ Từ ngục tối thắng lợi trở về đến Hai người lính đều là những tác phẩm nhiếp ảnh thấm đẫm tính nhân văn, với tinh thần hướng về tương lai hòa bình. Ở đó cho thấy sự tinh nhạy và mẫn cảm của một phóng viên chiến trường khi có thể nhìn thấy khát vọng hòa bình, thống nhất và hòa hợp dân tộc. Bức ảnh là khoảnh khắc tưởng lạ thường mà rất đỗi thân thương từ trong cuộc chiến.
Bộ ảnh Hai người lính được Chu Chí Thành bấm máy vào năm 1973 khi ông được cơ quan TTXVN cử vào tỉnh Quảng Trị để theo dõi sự kiện trao trả tù binh sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Ngoài bức ảnh Hai người lính đã quá đỗi nổi tiếng, trong bộ ảnh còn có một bức ảnh xúc động khác, đó là Tay bắt mặt mừng, cũng được chụp ở chốt Long Quang. Bức ảnh chụp cảnh người lính Sài Gòn bắt tay nữ du kích xã Triệu Trạch trong không khí vui tươi, hồ hởi.
Ông Thành hồi tưởng: "Bộ ảnh đã ghi được nét tâm lý chung của những người lính hai phía tại bước ngoặt lịch sử này.Họ đã xuất hiện ở thời điểm bình yên, vô tư, tự nhiên nhất, nên họ đã hành xử với nhau một cách trong sáng nhất. Đây chính là lúc con người được tự do bộc lộ tính nhân văn sâu thẳm trong lòng mình".
May mắn và hạnh phúc khi được chứng kiến và ghi lại sự thật đằng sau cuộc chiến với một góc nhìn khác lạ và độc đáo, Chu Chí Thành tâm niệm: "Ảnh còn quý hơn vàng. Bởi vàng không thể làm nhân chứng của lịch sử. Chỉ có nhiếp ảnh mới làm được nhân chứng lịch sử".
Gánh vác sứ mệnh
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng có những giá trị từ cuộc chiến vẫn còn ở lại. Đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, với tư cách là một phóng viên ảnh chiến trường của TTXVN, ông có được 3 điều giá trị. Thứ nhất, là tính gan dạ, dũng cảm. Thứ hai, là lòng trung thực. Và thứ ba, là tình yêu thương. Đó là tình yêu thương giữa con người với con người, đặc biệt là tình đồng đội.
Nhắc nhớ về tình đồng đội, Chu Chí Thành không khỏi xúc động khi nhớ về người anh, người phóng viên chiến trường, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng. Đó là người đồng nghiệp năm xưa đã cùng nhau xông pha tác nghiệp khắp các mặt trận ác liệt, chứng kiến những giây phút vào sinh ra tử. Với tình đồng đội không bao giờ quên, trong tâm thế của người ở lại, Chu Chí Thành vẫn luôn luôn muốn bù đắp cho liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, cũng như nhiều người anh em, đồng nghiệp khác của mình.
Những năm qua, Chu Chí Thành đã dành nhiều thời gian và công sức chọn ảnh, làm hồ sơ giúp những đồng nghiệp của mình có cơ hội được vinh danh tại Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, như trường hợp của liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, cùng một số đồng nghiệp khác như Hứa Kiểm, Nguyễn Đặng, Phạm Văn Thính… Họ đều là những phóng viên ảnh chiến trường gạo cội của TTXVN.
Không chỉ vậy, Chu Chí Thành còn dành nhiều tâm huyết làm sách, tổ chức triển lãm ảnh, viết báo cho đồng nghiệp. Ông đã từng làm sách ảnh cho Lương Nghĩa Dũng, Văn Sắc… Ông cũng từng làm cuốn sách Những bức ảnh để lại để kể về những nhiếp ảnh gia của TTXVN đã hy sinh trong chiến tranh với đầy đủ thông tin tiểu sử và tác phẩm nhiếp ảnh.
"Tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm thay mặt những người đồng nghiệp tiếp tục làm công việc của họ. Điều tôi làm được, trước hết để lòng mình khuây khỏa nỗi nhớ bạn bè. Hơn thế, còn để cho mọi người thấy được sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của những nhiếp ảnh gia chiến trường" - ông tâm sự - "Họ không đòi hỏi giải thưởng, cũng không đòi hỏi chiến công khi họ đã sống ở một thời vô tư, trong sáng, vượt lên tất cả là lòng yêu nước, quyết tâm giải phóng dân tộc, cũng như bao thanh niên, bộ đội cùng thời. Lứa phóng viên tin và ảnh của chúng tôi ở trong chiến tranh đã có những con người quá đỗi cao đẹp. Cho nên tôi phải làm vì họ xứng đáng được ghi nhận. Tôi tự cảm thấy đó là một sứ mệnh mà bạn bè giao cho".
Những vỉa quặng vàng chưa khai thác hết
Từng giữ chức Trưởng ban biên tập ảnh của TTXVN, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cho biết, ở TTXVN, nếu khai thác thì sẽ còn nhiều cái tên xứng đáng được nhận Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
"Ảnh của TTXVN còn giữ đến hiện nay rất phong phú và đa dạng, nhất là ảnh của những phóng viên chiến trường. Họ đã chụp rất nhiều hoạt động của quân giải phóng, của nhân dân, của lực lượng tự vệ, dân công… Chỉ tiếc rằng, chúng ta không có đủ lực lượng để làm công việc khai thác, tập hợp, phân loại ảnh theo từng tuyến chủ đề để biên tập và công bố".
"Ở đây, giá trị vật chất của giải thưởng chỉ là một phần nhỏ. Quan trọng hơn là để ghi nhận đúng công lao của những phóng viên chiến trường của TTXVN, khẳng định vị thế của nhiếp ảnh TTXVN trong chiến tranh".
Ông nhấn mạnh: "Rộng hơn nữa, việc khai thác này là để dựng lên bức chân dung về chiến tranh Việt Nam, để thấy được sức sống mãnh liệt của người Việt Nam thời chiến. Đó chính là thời kỳ lịch sử vẻ vang nhất của dân tộc, thời kỳ tốn xương máu nhất của dân tộc mà nhiếp ảnh cũng ít nhiều phản ánh rõ.Việc khai thác còn giúp nâng tầm vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam".
Chuẩn bị đón 80 Xuân, ấy vậy mà những trăn trở về nghề, những tâm tư cho bạn vẫn cứ luôn đau đáu trong tâm tưởng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Ông vẫn tiếp tục miệt mài làm việc. Ông khoe, đã hoàn thành bản thảo một cuốn sách, chưa in,về chủ đề nhiếp ảnh Việt Nam với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tập trung vào những bức ảnh và những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng.
Đồng thời ông đang cùng các đồng nghiệp ở Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bổ sung biên soạn lần cuối cuốn Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Xa hơn, trong những năm tới, nếu sức khỏe cho phép, ông sẽ thực hiện cuốn sách ảnh với chủ đề: Việt Nam - Cuộc chiến tranh nhìn từ hai phía. Tư liệu đã được chuẩn bị đầy đủ.
TTXVN có 19 tác giả được vinh danh sau 6 đợt
Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 19/5, với 128 tác giả - đồng tác giả được tặng, truy tặng.
TTXVN có 7 nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) là các nhà báo lão thành có các tác phẩm được trao giải thưởng đợt này, gồm:
- NSNAChu Chí Thành được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với bộ ảnh Hai người lính, gồm 4 ảnh.
- Cố NSNAVõ An Khánh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với bộ ảnh Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang, gồm 10 ảnh.
- NSNANguyễn Hữu Lộc được tặng Giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh Phụ nữ miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gồm 8 ảnh.
- NSNAPhạm Văn Thính được tặng Giải thưởng Nhà nước với hai tác phẩm Cầu người và Trên vành đai thép Tây Ninh.
- NSNAĐinh Quang Thành được tặng Giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh Địch phá ta cứ đi, gồm 5 ảnh.
- NSNATrần Văn Tuấn được tặng Giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh Sự giản dị hiếm thấy của một vĩ nhân, gồm 8 ảnh.
- Cố NSNANguyễn Đặng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh Nam bộ - Thành đồng tổ quốc, gồm 10 ảnh.
Sau 6 đợt xét tặng từ năm 1996 đến 2022, TTXVN đã vinh dự có 19 tác giả được vinh danh, với 4 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 18 Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, lĩnh vực nhiếp ảnh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất