09/08/2022 19:10 GMT+7 | Văn hoá
NSƯT Khánh Hợi đã gửi lại tuổi bách niên (1922-2022) vào mùa Vu lan Nhâm Dần lúc 15h30 ngày 5/8 (8/7 Âm lịch) tại Hà Nội, trong nỗi nhớ tiếc của gia đình, các thế hệ nghệ sĩ sân khấu kịch hát dân tộc.
Tôi gặp bà tại Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 4 và danh hiệu NSND cách đây hơn 10 năm (ngày 19/5/2012) tại tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm đó NSƯT Khánh Hợi đã bước vào tuổi 90. Bà có dáng người thấp đậm, mặc chiếc áo dài đỏ hoa vàng, nhận giải cho chồng - cố NSND Sỹ Tiến (1916-1982), người được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh bởi những công trình nghiên cứu và kịch bản cải lương có giá trị xuất sắc.
Vợ chồng đồng hành với cải lương Bắc đến trọn đời
Nghệ sĩ Khánh Hợi sinh ngày 1/7/1922 tại phố Hàng Hành (Hà Nội) trong gia đình có truyền thống yêu nghệ thuật. Bà được thừa hưởng từ mẹ (cụ Đinh Thị Mẫn) giọng hát hay vốn nức tiếng Hà thành; từ cha (cụ Đoàn Hữu Cẩn) sự say mê nghệ thuậtnhư một “Chung Tử Kỳ” mê tiếng đàn Bá Nha. Người thiếu nữ Hà thành có năng khiếu nghệ thuật được thừa hưởng sự lịch lãm, tinh tế của đất Tràng An.
Chất Hà Nội kinh kỳ, phố cổ thẫm đẫm, tiềm ẩn làm nên người nghệ sĩ từ khi sinh ra đến khi dấn thân cho nghệ thuật. Bà sang Pháp định cư cùng con gái là ca sĩ Lệ Quyên - nữ hoàng nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam thập niên 80 thế kỷ trước. Những năm cuối đời, bà trở về gắn bó với phố cổ Hà Nội cho đến khi rời cõi tạm ở tuổi bách niên.
Là con thứ trong gia đình có bốn chị em (chị và hai em), nhưng từ nhỏ bà đã bộc lộ tố chất như người chị cả, chịu thương chịu khó, vun thu vén khéo. Năm bà 8 tuổi, bố mất, 10 năm sau mẹ qua đời. Chính hoàn cảnh khó khăn đã rèn đúc cho bà tinh thần chịu đựng khó khăn, gian khổ, nỗ lực vươn lên. Gánh nặng cơm áo dẫu đè nặng trên đôi vai, nhưng lúc nào bà cũng nuôi ý chí, lòng lạc quan. Bà dành dụm từng đồng tiền đi hát ít ỏi lo cho cả nhà. Vừa toan lo, gánh vác công việc gia đình, bà vừa nuôi ngọn lửa đam mê cho nghệ thuật cải lương.
Năm 20 tuổi (1942), nghệ sĩ Khánh Hợi kết duyên với nghệ sĩ Sỹ Tiến-người nghệ sĩ đẹp trai, hào hoa, lịch lãm ở phố Đào Duy Từ (Hà Nội), khi đó đã nổi tiếng lẫy lừng trên sân khấu 3 miền. Ngày đó, ông nghèo lắm, nhưng bà yêu ông bởi tấm chân tình và thật thà: “Anh chỉ có 10 quả cau để về làng hỏi cưới em thôi...”.
Rồi một đám cưới ấm áp của đôi trai tài gái sắc diễn ra trước sự chứng kiến của gia đình, người thân, bạn bè nghệ sĩ. Họ cùng vun đắp xây dựng tổ ấm trong ngôi nhà gần rạp Chuông Vàng, nuôi dạy 8 người con (5 trai, 3 gái) trưởng thành. Mối thiên duyên đã giúp cặp đôi nghệ sĩ thành công cả trong cuộc đời và sự nghiệp. Ông được ví như “Ông hoàng cải lương đất Bắc”, “Từ điển sống của sân khấu Việt Nam”, “Cây sử sống của nghệ thuật cải lương”, “Victor Hugo Việt Nam”...
Ông bà đã tận hiến hết mình cho nghệ thuật cải lương Bắc với nét độc đáo riêng có. Ông cũng là người thầy nghiêm khắc với mọi diễn viên, trong đó có người vợ hiền thục của mình. Bà hiểu rõ bổn phận và trách nhiệm của mình khi làm vợ và khi làm diễn viên, cùng chồng nuôi dạy con cái và giúp chồng toàn tâm chăm dưỡng cho nghệ thuật. Cặp đôi Sỹ Tiến - Khánh Hợi đã đồng hành lịch sử của sân khấu cải lương Bắc đến trọn đời.
Sự đam mê, trách nhiệm, toàn tâm dâng hiến cho nghệ thuậtcủa ông bà khiến đồng nghiệp, các thế hệ nghệ sĩ luôn trân trọng, nể phục. Một người bạn tâm giao – GS-NGND Hoàng Như Mai (1919-2013) đã nói về ông bà một thời dấu ấn vàng son: “Năm 1941, thời kỳ oanh liệt của đoàn Tố Như với những vở: Tàn phá Cô Tô, Huyền Trân công chúa, Mỵ Châu - Trọng Thủy của Sỹ Tiến và những diễn viên sáng giá: Kim Chung, Khánh Hợi, Bích Thuận, Vân Thái, Sỹ Hùng... bầu gánh ra sức hốt tiền khán giả...” (Dẫn theo Con đường nghệ thuật của Sỹ Tiến, Nhà hát Cải lương Hà Nội).
Sỹ Tiến là một trong 278 nhà văn có mặt trong Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất (năm 1957). Tính quảng giao, phóng khoáng, trọng bạn hữu, thân thiện, nên ngôi nhà tầng 2 (số 24 phố Lương Ngọc Quyến) của ông bà trở thành một địa chỉ gặp gỡ của các văn nghệ sĩ, trí thức, như: nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Trần Văn Giàu, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Vũ Khiêu, Lưu Trọng Lư, Lưu Quang Thuận, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Võ An Ninh, Văn Cao, soạn giả Nam Châu, NSND Phùng Há, nghệ sĩ Bẩy Nhiêu, Tư Chơi, Tư Sạng...
Trong một giờ thảo luận về văn học nghệ thuật, sinh viên Khoa Kịch hát dân tộc đã xúc động nói về nhiều nghệ sĩ cải lương, trong đó có cặp đôi nghệ sĩ Khánh Hợi - Sỹ Tiến. Bà đam mê nghệ thuật, sinh người con đầu khi đi lưu diễn. Năm 1947, biết có thai, bà vẫn đi lưu diễn ở Thanh Hóa. Vì mặc giáp có mang hổ phù rất nặng, lại phải di chuyển nhiều, bà bị sảy thai. Còn NSND Sỹ Tiến đóng vai Chu Du đã 3 lần thổ huyết và mắc bệnh dạ dày kinh niên...
Kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam trang trọng ghi dòng tâm huyết của ông: "Nếu ta chết, đừng chôn ta! Hãy căng da ta lên mặt trống, để ta được gần sân khấu đêm ngày"!
Từ Lã Bố, Võ Tòng đến Mạnh Lệ Quân
Khánh Hợi bộc lộ tư chất nghệ thuật từ nhỏ. Năng khiếu ca hát của bà lại được nuôi dưỡng trong môi trường nghệ thuật, giúp sự nghiệp của bà thăng hoa. Năm 8 tuổi, Khánh Hợi đến với sân khấu bằng các vai chạy cờ, cầm quạt ở rạp Quảng Lạc (mặt trước phố Tạ Hiện). Sau đó, bà về ban nhạc Nhật Tân. Tài năng cùng lòng đam mê nghề đã đưa Khánh Hợi vào vai người con trai cả - một vai chính trong vở Thất hiền quyến (Nhà có 7 người hiền).
Năm 17 tuổi, bà trở thành đào chính của đoàn Tố Như (tiền thân của đoàn Chuông Vàng nổi tiếng Thủ đô) với những nghệ sĩ cải lương Bắc nổi tiếng như: NSND Sỹ Tiến, NSƯT Tuấn Nghĩa, Tuấn Sửu, Kim Sinh, Ánh Tuệ, Tường Vi, Sỹ Cát, Bích Được, Tiêu Lang, Kim Xuân, Châu Thuận, Thanh Vi, Thanh Dậu, Mạnh Dung Phương Khanh, Minh Hải, Ngọc Dung, Từ Thạch…
NSƯT Khánh Hợi cùng các nghệ sĩ đoàn Chuông Vàng đã góp công dựng xây nền móng đầu tiên cho Nhà hát Cải lương Hà Nội hôm nay (Nhà hát thành lập năm 1993, được sáp nhập từ các đoàn Chuông Vàng, Kim Phụng, Hoa Mai).
Tên tuổi NSƯT Khánh Hợi gắn với những vai diễn giả nam từ khi bà chưa tròn 10 tuổi. 8 năm sau, khán giả Thủ đô ấn tượng với vai Lã Bố trong vở Lã Bố hí Điêu Thuyền và sau đó là các vai Võ Tòng (vở Võ Tòng đả điếm), Mạnh Lệ Quân (vở Mạnh Lệ Quân)... Trong đó, có những vai nam trong các vở diễn do người bạn đời của bà - NSND Sỹ Tiến viết kịch bản và dàn dựng, như vai Trọng Thủy (vở Mỵ Châu - Trọng Thủy),Trần Khắc Chung (vở Huyền Trân công chúa), Đinh Văn Tả (vở Mạc Tuyết Lan)... Bà đảm nhận những vai diễn khó, đòi hỏi tài năng, kỹ thuật và cách xử lý cao khi cùng lúc phải “nhiều trong một”: Vừa hát, vừa diễn động tác vũ đạo, võ thuật trong bộ trang phục võ quan khá nặng, cồng kềnh.
Tên tuổi của nghệ sĩ Khánh Hợi đã làm nên “thương hiệu”hấp dẫn, từ thập niên 1940 đến 1960. Chỉ nghe có tên bà, khán giả kéo đến rạp Đại Nam, rạp Chuông Vàng rất đông. Bà hóa thân, nhập vai nhuyễn và luôn tìm cách thăng hoa sáng tạo cho mỗi nhân vật. Trong vở Mạc Tuyết Lan, bà đóng vai Đinh Văn Tả yêu Mạc Tuyết Lan. Khán giả nhớ vở diễn này không thể quên lời thoại của Đinh Văn Tả nói với Đinh Hùng - người cùng yêu Mạc Tuyết Lan - khi tình cờ 2 người gặp nhau ở mộ của nàng: “Ta khóc không phải khóc kết nghĩa chi lan, ta khóc, khóc cho một mối tình dang dở. Trong bầu không khí mà chúng ta đang thở, hương hồn ai có phảng phất đâu đây, xin chứng cho tình nặng nghĩa dày… Tướng quân ơi, tuy chúng ta là thù địch, nhưng nỗi đau thương đã dắt chúng ta đến chỗ yêu thương. Đây là đất đau thương, ta hãy dẹp bớt thù oán nhỏ nhen trước linh hồn người chết... Ta nghe những lời ai oán thở than, đích thị là chàng đến khóc Mạc Tuyết Lan công chúa. Do nguồn cơn ta chưa rõ, để ta vào hỏi lại xem sao”.
Đây là 1 trong 5 kịch bản, 5 công trình nghiên cứu giúp Sỹ Tiến ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Khi xem bà hóa thân vào hình tượng nam nhân vật Đinh Văn Tà, Lã Bố, Võ Tòng, Mạnh Lệ Quân... dù biết là “gái giả trai” mà không ít khán giả vẫn hâm mộ theo nhiều cách khác nhau. Người thì ném tiền, bạc, vàng lên sân khấu; người thì cứ “thầm thương, trộm nhớ”; lại có cô cứ “mê”, cứ “say như điếu đổ”; lại có người lẳng lặng theo bà đến tận ngõ...
Năm 1984, nghệ sĩ Khánh Hợi được vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, còn chồng bà được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông là nghệ sĩ duy nhất của cải lương miền Bắc nhận danh hiệu này đợt đầu, cùng các nghệ sĩ tên tuổi nhiều thế hệ, như: Thế Lữ, Phạm Văn Khoa, Phùng Há, Ba Vân, Trà Giang, Đặng Thái Sơn...
NSƯT Khánh Hợi đã đi xa, nhưng những vai diễn của bà vẫn sống mãi trong lòng khán giả, nhất là những vai diễn mẫu để đời cho các thế hệ sau học tập. Bà là một trong những tên tuổi lớn của sân khấu Hà Nội mang nét riêng độc đáo sân khấu Cải lương đất Bắc với những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật sân khấu cải lương nước nhà.
Sau khi diễn “Kiều”, không dám đi chợ Hàng Bè... NSND Sỹ Tiến là người đầu tiên đưa vở Kiều lên sân khấu cải lương. Vở diễn đã mang đến thành công ngoài mong đợi tại Hội diễn sân khấu năm 1962. Huy chương Vàng dành cho các diễn viên: Kim Xuân (vai Kiều), Tiêu Lang (vai Kim Trọng), Bích Được (vai Hoạn Thư) và trong đó có nghệ sĩ Khánh Hợi (vai Tú Bà). Vai diễn phản diện của Khánh Hợi ghi dấu ấn đặc biệt: “Lầu xanh có mụ Tú Bà/ Làng chơi đã trở về già hết duyên/ Tình cờ chẳng hẹn mà nên/ Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”, nhất là ánh mắt sáng quắc lên khi gặp món hàng hời béo bở cùng kiểu cười “hí...hí...hí...”. Năm 1976 ra Bắc, xem Khánh Hợi đóng vai Tú Bà, nghệ sĩ Năm Đồ chỉ còn biết chắp tay thán phục. Khánh Hợi cho biết sau khi diễn vở Kiều, bà không dám đi chợ Hàng Bè, chỉ vì “ngại” bị khán giả ghét, mắng, xua đuổi... |
Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất