27/08/2020 08:25 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nghe tin đạo diễn - NSND Trần Phương đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào lúc 10 giờ 10 phút ngày 26/8/2020, gửi lại dương thế tuổi 91 (1930-2020), tôi không khỏi xa xót, bàng hoàng.
1. Nhớ lần gặp người nghệ sĩ tài hoa nàytại LHP Việt Nam lần thứ 18 tổ chức vào tháng 10/2013, tôi thường chào chú:
Cháu chào chú A Phủ. Chú về Hạ Long nhiều lần chứ ạ? Hạ Long có đẹp như Hồng Ngài, Phiềng Sa của Tây Bắc không, chú A Phủ?
Chú nheo nheo mắt cười hóm hỉnh:
- Không có chú A Phủ mà chỉ có anh A Phủ thôi nhà văn nhé. Hạ Long tuyệt vời lắm. Không tuyệt vời thì sao được UNESCO 2 lần vinh danh là di sản văn hóa thế giới…
Cuốn sổ ghi chép tư liệu về các nghệ sĩ điện ảnh của tôi, trong đó có NSND Trần Phương cứ dày thêm…Đạo diễn Trần Phương tên thật là Trần Đức Phương, sinh ngày 10/4/1930 tại Thái Nguyên. Sở hữu một gương mặt điện ảnh, ngay từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ thiên hướng nghệ thuật.
Năm 1946 khi vừa tròn 16 tuổi, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, ông là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ Nhân dân thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Môi trường nghệ thuật ở chiến khu chắp cánh, hiện thực hóa năng khiếu trời cho của ông. Ông chăm chỉ học tập, tích cực theo các văn nghệ sĩ nổi tiếng: Theo nhà văn Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân học văn; theo các nghệ sĩ: Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ học kịch; học chèo với nghệ sĩ Năm Ngũ, Cả Tam; tham gia đóng ca kịch Hòn đá của Đỗ Nhuận...
Trước khi đến với điện ảnh, Trần Phương chưa từng được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào liên quan đến điện ảnh. Có thể nói, ông đến với điện ảnh là do duyên trời se chọn. Năm 1955, Trần Phương về làm diễn viên của Xưởng phim Truyện Việt Nam. Năm 1961, ông đã lọt mắt xanh đạo diễn Mai Lộc khi chọn vai A Phủ cho bộ phim Vợ chồng A Phủ (kịch bản Tô Hoài) - bộ phim kinh điển thứ hai của điện ảnh Việt Nam sau Chung một dòng sông (đạo diễn Phạm Kỳ Nam).
Đây là vai diễn đã để lại dấu ấn của diễn viên Trần Phương. Kịch bản phim lấy nguyên cốt truyện với đầy đủ tuyến nhân vật, các tên nhân vật. Một ê kíp sáng tạo làm gồm: Đạo diễn: Mai Lộc và Hoàng Thái; quay phim: Khương Mễ - Công Thuận; âm nhạc: Nguyễn Văn Thương; thiết kế mỹ thuật: họa sĩ Ngọc Linh; diễn viên: Trần Phương, Đức Hoàn, Trịnh Thịnh, Hòa Tâm, Kim Lân… đã làm nên thành công cho bộ phim kinh điển xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam về chiến tranh cách mạng.
Phim Vợ chồng A Phủ vừa công chiếu đã nhận được sự yêu mến của khán giả trong ngoài nước. Phim đã được chiếu giới thiệu tại Liên hoan Phim quốc tế Mátxcơva năm 1961, được đông đảo khán giả Xô viết yêu thích; phim được tặng giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ hai (năm 1973).
Thành công vai A Phủ đã đưa Trần Phương có cơ duyên được các đạo diễn mời đóng nhiều vai khác như: vai Khoa trong Chị Tư Hậu (1963, đạo diễn Phạm Kỳ Nam), vai Trung sĩ Việt trong phim Trên vĩ tuyến 17 (1965 đạo diễn Lý Thái Bảo, Nhất Hiên), vai Đoàn trong Bình minh trên rẻo cao (1966, đạo diễn Trần Đắc), vai Tơm trong Biển gọi (1967), vai Vũ Khiêm trong Tiền tuyến gọi (1969), anh Lực trong Vợ chồng anh Lực (1971), vai Tám Trung trong Bức tranh để lại (1970), vai Tiếu đoàn trưởng trong phim Chị Nhung (1970, Nguyễn Đức Hinh-Đặng Nhật Minh), vai Tiệp trong phim Ngày lễ thánh (1976, đạo diễn Bạch Diệp), vai Đồn trưởng Thinh trong Câu chuyện làng dừa (1977, Bạch Diệp), vai ông Tám trong Đêm miền yên tĩnh (1984, Trần Phương – Nguyễn Hữu Luyện), vai cán bộ an ninh trong Săn bắt cướp –SBC (Trần Phương đạo diễn)...
Trong các vai diễn trên, tôi ấn tượng với vai A Phủ hơn cả. Đạo diễn Trần Phương là người hóa thân vào vai A Phủ ngọt, nhuyễn đến mức không ít khán giả nhầm tưởng ông là chàng trai dân tộc Mông thực sự. Đây là vai diễn đầu tiên đánh dấu sự nghiệp điện ảnh cũng như tài năng của đạo diễn Trần Phương.
Cuộc trò chuyện với NSND Trần Phương tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 tại Quảng Ninh cho tôi hiểu ông đã lao động nghệ thuật nghiêm túc như thế nào. Ông tâm sự đạo diễn Mai Lộc chọn ông vào vai A Phủ năm Trần Phương 29 tuổi. Một thách thức không nhỏ với một diễn viên người dân tộc Kinh, sống ở đồng bằng vào vai một chàng trai dân tộc Mông sống trên núi cao. Niềm đam mê nghệ thuật thì lúc nào cũng đầy đặn, nhưng Trần Phương xác định cần phải kết hợp rất nhiều yếu tố cộng với bản lĩnh nghề nghiệp cùng tinh thần lao động sáng tạo không mệt mỏi…Người nghệ sĩ cần phải lưu dấu ấn phong cách trong từng vai diễn. Nhưng lưu dấu ấn thế nào lại là bài toán không đơn giản mà cả cuộc đời nghệ thuật vẫn kiếm tìm.
Trần Phương quan niệm một diễn viên phải nắm vững hoàn cảnh, tâm lý, tính cách nhân vật, mặt khác phải biết “hòa” nhân vật vào với cá tính và bản chất của mình. Có như vậy mới có cá tính và cốt cách riêng. Cho đến nay, diễn viên vào vai thanh niên dân tộc thiểu số khó ai vượt được nhân vật A Phủ của Trần Phương.
2. Diễn viên quan tâm chủ yếu đến hướng dẫn diễn xuất từ đạo diễn là điều hiển nhiên. Nhưng với NSND Trần Phương, điều đó đúng, cần, nhưng chưa đủ. Ông cho rằng, muốn vai diễn của mình thành công, sự học hỏi làm giàu phông văn hóa là điều rất cần thiết, trong đó có một yếu tố khá quan trọng từ phía nhà văn – người sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Đây không phải là điều diễn viên điện ảnh nào cũng quan tâm, cũng học hỏi tinh thần làm việc của nhà văn nếu như không muốn nói là nhiều diễn viên chỉ chuyên chú vai trò đạo diễn mà bỏ quên người viết kịch bản văn học.
Đạo diễn Trần Phương luôn biết ơn các nhà văn, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh hai nhà văn gạo cội đã tác động đến con đường sự nghiệp của ông, đó là nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Tuân.
NSND Trần Phương nói “Chính ông Tô Hoài đã khuyến khích tôi sống cùng người Mông trên miền núi, phải thâm nhập thực tế rồi mới đóng phim. Hồi đó tôi đi làm phim theo sự hướng dẫn của ông Tô Hoài. Không phải hướng dẫn về diễn xuất mà chính ông ấy đã kể câu chuyện thời ông đi cùng bà con người Mông để viết tác phẩm. Tôi đi lại con đường mà Tô Hoài đã đi".
Trước khi làm phim Vợ chồng A Phủ, Trần Phương đi thực tế ở Mù Cang Chải, cùng ăn ở, sinh hoạt, lao động với đồng bào, cuộc gặp gỡ dọc dường với nhà văn Nguyễn Tuân cứ khiến ông suy nghĩ mãi. “Trong lúc gặp nhau, nhà văn Nguyễn Tuân đã hỏi tôi nhập vai A Phủ thế nào, có khó khăn gì với một diễn viên trẻ tuổi đời, tuổi nghề? Tôi không hiểu hết câu hỏi của nhà văn, nên thủng thẳng trả lời chủ yếu vào nội dung, như: Số phận người nông dân miền núi dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến... Nhà văn Nguyễn Tuân lắc đầu, xem chừng không hài lòng với câu trả lời của tôi. Ông nói: “Cái đó ai chả biết, tôi còn biết hơn ông ấy chứ. Cái tôi muốn nghe ông kể là A Phủ đi đứng, nói năng như thế nào, A Phủ xay ngô, giã gạo, phát nương làm rẫy, thổi khèn, tán gái như thế nào…”.
Sau này dự trại sáng tác cùng nhà biên kịch Lê Ngọc Minh, tôi cũng đã được nghe thông tin này. NSND Trần Phương vô cùng thấm thía câu “khai tâm” nghề nghiệp của nhà văn Nguyễn Tuân ở Mù Cang Chải năm ấy. Và lời của nhà văn tài hoa đã từng đóng phim từ thập niên 1930 này đeo đẳng suốt một đời lao động nghệ thuật của diễn viên, đạo diễn Trần Phương”.
Ông yêu thích tác phẩm văn học và cố gắng để nhập vai A Phủ. Bởi thế, Trần Phương sống cùng gia đình Anh hùng quân đội Sùng Phai Sình trên núi cao để học cách chăn bò, cưỡi ngựa, sinh hoạt của người Tà Xùa. Suốt ba tháng ròng, ông cùng diễn viên Đức Hoàn (đóng vai Mị) đã chăm chỉ luyện tập, quan sát sinh hoạt, lao động, cùng lên nương làm rẫy, cùng gùi nước đi bộ hàng mấy cây số về bản, cùng ăn ngô, nói tiếng Mông... Chính vì thế, trong quá trình quay phim, hai diễn viên chính đã hóa thân nhuần nhuyễn, chân thực vào vai đôi trai gái người Mông.
Diễn viên đóng A Phủ chia sẻ những khó khăn đó: "Người Mông cưỡi ngựa trên núi cao quanh năm không cần cương. Nhưng mình là người Kinh từ xuôi lên phải học rất lâu mới có thể quen được. Không biết bao lần, tôi bị ngã xây xước mặt mày. Cũng không đếm được số lần, bị ngựa hất xuống suýt què chân”.
3. Câu chuyện trên đã khiến NSND Trần Phương khắc ghi ở tư cách một diễn viên và đạo diễn. Thành quả lao động nghiêm túc đã được đền bù khi bộ phim hoàn thành, nghệ sĩ cảm thấy tự hào: “Mình cũng kịp trở thành một tay chăn bò, cưỡi ngựa cừ khôi không kém một chàng trai Mông nào. Nhưng chỉ một mình tôi thì không thể làm nên thành công. Tôi may mắn được làm việc với các văn nghệ sĩ gạo cội, đam mê, nhiệt huyết với nghề. Cùng tôi đóng nhân vật A Phủ là nghệ sĩ Đức Hoàn vào vai Mỵ rất thành công. Mỵ là vai diễn đầu tiên cũng là vai diễn xuất sắc nhất của nghệ sĩ Đức Hoàn. Vai diễn này đã đưa Đức Hoàn đến giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai (năm 1973). Ngoài Đức Hoàn, tôi rất biết ơn những bạn diễn của tôi như: Trà Giang, Tuệ Minh, Thanh Tú, Lâm Tới…”
Ngoài thành công hóa thân trong các nhân vật, Trần Phương đã thể hiện tài năng ở vai trò đạo diễn. Sau hai bộ phim làm Phó đạo diễn cho Trần Vũ là Chuyến xe bão táp và Những người đã gặp, bộ phim đầu tiên được ông dàn dựng là bộ phim về đề tài an ninh Mưa rơi trên thành phố (1978), Dưới chân núi trắng (phim truyền hình màu đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, 1979).
Năm 1980, ông đạo diễn bộ phim Tội lỗi cuối cùng - bộ phim đã gây nên một cơn sốt vé trong các rạp chiếu ở cả hai miền với vai Hiền "cá sấu" (Phương Thanh đóng), vai tướng cướp Long Vân (Trần Quang), đặc biệt ca khúc Đời gọi em biết bao lần của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã làm nên ấn tượng cho phim. Trần Phương đã giành Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, Phương Thanh giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Những bộ phim ông đạo diễn đã tạo nên dấu ấn riêng, như: Hi vọng cuối cùng (1981), Đứng trước biển (1985), Hoàng Hoa Thám (1987), Dòng sông hoa trắng (1989)... Trong bộ phim Hi vọng cuối cùng, Tất Bình và Như Quỳnh đã đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI, đạo diễn Trần Phương đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất…
4. Nghe tin NSND Trần Phương rời cõi tạm, các văn nghệ sĩ bộc lộ sự thương tiếc con người tài hoa.
NSND Trọng Trinh chia sẻ “Buồn quá! Trinh đã hẹn Quế Hằng đến thăm chú, nhưng công việc lu bu chưa kịp qua thì nghe tin chú mất. Vĩnh biệt NGƯỜI THẦY – NGƯỜI NGHỆ SĨ LỚN”.
NSND Trần Phương cả một đời cống hiến cho nghệ thuật điện ảnh. Sự đam mê sáng tạo dường như không có tuổi. Tôi bỗng nghe giai điệu tha thiết Bài ca trên núi (nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương) - ca khúc nhạc phim Vợ chồng A Phủ:
Đầu trời có sao chiều sao sớm
Đầu núi kia có (ơ) hai người...
Dù đi cùng trời dù đi khắp núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau.
…Rừng chiều có tiếng khèn ai đó
Khèn hát lên những lời mong chờ
Đường đi về rừng đường đi xuống núi
Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau…
Lễ viếng NSND Trần Phương lúc 14 giờ 30 phút ngày 30/8/2020 tại Nhà tang lễ Thành phố (125 Phùng Hưng); Lễ truy điệu và đưa tang vào lúc 15h30 cùng ngày. |
Năm 2001, đạo diễn Trần Phương được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các phim Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng. |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất