21/12/2021 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin buồn vào cuối năm 2021 này: Ở tuổi 84, nhà văn - nhà báo Lê Khắc Hoan, tác giả truyện dài nổi tiếng viết cho thiếu nhi Mái trường thân yêu đã từ trần vào ngày 17/12.
Mái trường thân yêu được viết năm 1963 ở Lâm Thao, Phú Thọ khi tác giả còn là một thầy giáo trẻ. Ngay năm 1964, truyện được xuất bản tại NXB Kim Đồng và đến năm 1990, truyện được tái bản lần thứ 6.
Vì sao "Mái trường thân yêu" hấp dẫn?
Đọc lại truyện này, Tổng biên tập báo Giáo dục và Thời đại Trần Đức Tam nhận xét: “Đây là cuốn sách hay nhất viết về nhà trường 30 năm qua”. Rồi, năm 2002, Tổng biên tập NXB Kim Đồng - nhà văn Bùi Hồng khen ngợi khi tác phẩm được tái bản lần thứ 8: “Viết về giáo dục, sau 40 năm, cũng chưa cuốn truyện nào vượt qua Mái trường thân yêu”. Năm 2011, khi tái bản lần thứ 9, truyện lại được đề cử nhận giải sách hay trong một dự án.
Chỉ là câu chuyện một học sinh tên Việt chuyển trường phố thị về học trường nông thôn cấp huyện, điều gì khiến Mái trường thân yêu lại được đánh giá cao như thế?
Xin nghe lí giải của nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký, khi truyện được tái bản lần thứ 11: “Nó hút hồn tôi [từ hồi quàng khăn đỏ] bởi trước hết nó được kể ở ngôi thứ nhất theo dạng tự truyện rất giản dị, tự nhiên. Đọc đến đâu tin đến đó…Đồng hành cùng những câu chuyện, những kỉ niệm Việt kể trong suốt hơn 200 trang sách mà cứ tưởng đó là chuyện của chính mình, của lớp mình, của trường mình”.
Theo tác giả Lê Khắc Hoan: “Cuốn sách này miêu tả sự chuyển biến tâm lí của nhân vật chính… từ chỗ cô đơn lạc lõng tiến tới hòa nhập, gắn bó với cộng động nhà trường nông thôn, rồi thực sự coi ngôi trường xa lạ đó là mái trường thân yêu của chính mình! Miêu tả tâm lí sao cho nhuần nhị, là một. Hai là, cần tận dụng thủ pháp trào lộng gây cười”.
Mời đọc một đoạn “tâm lí nhuần nhị” ở trang 247: “Từ lớp 1 đến lớp 6 tôi luôn được xếp vào loại học sinh giỏi của lớp. Bạn bè gọi tôi là “vua toán”…những lời khen bùi tai, những cái nhìn khâm phục…đối với tôi dần trở thành những nhu cầu không thể thiếu…và chính những cái đó làm tôi va chạm, xa lánh tất cả bạn bè trong những ngày đầu tiên ở trường cấp 2 Lâm Thao”.
Ngay sau độc thoại tự phân tích của Việt, khiến giọng văn trầm đi là tường thuật hướng tới sự trào lộng ở trang 248 làm bùng nổ tiếng cười. Được phân công phụ trách phần âm thanh sân khấu của vở kịch “20 năm sau” do lớp tự biên tự diễn, Chiến thực hành ngay, nó “bụm hai bàn tay vào mồm, “gáy” luôn ó ò o. Giống như hệt. Nó vừa dứt thì con gà trống nhà tôi trong chuồng tưởng trời sắp sáng, cũng đập cánh phành phạch gáy theo. Cả bọn chúng tôi cười bò ra ghế…”
Chất văn trong người làm báo Lê Khắc Hoan
Từ năm 1960, truyện ngắn Chuyện một cô giáo mới của Lê Khắc Hoan đoạt giải Ba báo Văn Nghệ (Nguyễn Khải giải Nhất với Một cặp vợ chồng, Chu Văn giải Nhì với Con trâu bạc, Hồ Phương cùng giải Ba, với Cỏ non). Năm 1961, Lê Khắc Hoan, lại đoạt giải Nhất với truyện ngắn Chân trời xa xôi trong cuộc thi do báo Người giáo viên nhân dân tổ chức.
Với thành tích văn học dày dặn như thế, khi chuyển qua làm báo chuyên nghiệp, những bài báo của Lê Khắc Hoan luôn giàu chất văn. Trong tự truyện Làm báo mực mài nước mắt (NXB Tổng hợp TP.HCM 2016) viết về cuộc đời phóng viên của mình, ông kể nhiều về những bạn văn cùng làm báo với ông, ở báo Người giáo viên nhân dân rồi tạp chí Thế giới mới. Chẳng hạn như chuyện về Hoàng Minh Tường:
Năm 1979, Hoàng Minh Tường cho ra đời tiểu thuyết Đồng chiêm (NXB Thanh Niên). Đồng chiêm (viết sau Đầu sông) nhưng lại được xuất bản trước 2 năm), dày tới gần 400 trang, in 32.000 bản, như một cục gạch ném ra văn đàn, khiến nhiều cây bút đàn anh viết về nông thôn khá ngỡ ngàng, và không ít người có chút ganh tị. Riêng cuốn này, Hoàng Minh Tường “ẵm” nhuận bút tới 5.500 đồng, có thể mua liền hai ngôi nhà giữa lòng Hà Nội khi ấy (mỗi căn tương đương 5 tỷ đồng bây giờ). Nhưng số Tường không giữ được của. Anh trích mua một máy chữ xách tay Optima để “đầu tư cho sáng tác” và mua một xe đạp bằng khung Sài Gòn, lắp ráp phụ tùng gia công, còn lại gửi tiết kiệm.
Nào ngờ, năm 1985 đổi tiền, khối tài sản nhuận bút khổng lồ ấy chẳng còn được bao nhiêu. Năm 1982, Hoàng Minh Tường xin báo Người giáo viên nhân dân nghỉ hai tháng không lương để đi dự trại sáng tác do Hội Nhà văn Việt Nam mở tại Vũng Tàu, đóng cửa phòng văn hì hục viết, kết quả là bản thảo tiểu thuyết Vùng gió quẩn hoàn thành. Nghe nói nhà văn Nguyễn Thành Long trong Ban tổ chức trại đọc xong bản thảo, ngơ ngẩn cả buổi, rồi bảo Tường: “Em viết căng như Tắt đèn thời chị Dậu... ”.
Quả nhiên số phận Vùng gió quẩn quá long đong, quanh quẩn, bởi những vấn đề gai góc đặt ra trên những trang văn, khiến các nhà xuất bản ban đầu vồ vập rồi ngại ngùng không dám in. Mãi 15 năm sau, năm 1996, cuốn tiểu thuyết gai góc này mới được NXB Văn học đưa tới tay bạn đọc với tên khá dữ dằn là “Thủy Hỏa Đạo Tặc”, và năm 1997 nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
Những nhà văn Lưu Trọng Văn, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Khoa Đăng, Hoàng Đinh Quang, Trần Quốc Toàn…cùng với những người lãnh đạo tạp chí Thế giới mới Lê Khắc Hoan và Đỗ Quốc Anh tạo ra nhiều hoạt động, nhiều trang báo đậm chất văn chương. Có thể kể cuộc thi truyện rất ngắn, định hình loại truyện 1.000 âm tiết, tìm ra danh sách 15 tác giả trong 40 truyện rất ngắn do NXB Hội nhà văn và tạp chí Thế giới mới ấn hành năm 1994: Văn Như Cương, Trung Trung Đỉnh, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Quang Thân, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Xuân Thâm, Hòa Vang, Đức Ban, Nguyễn Bản, Võ Khắc Nghiêm, Đặng Anh Đào, Ngô Thị Kim Cúc… và cuộc thi kí sự nhân vật Tài trí Việt Nam thu hút tác phẩm của nhiều văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà báo tên tuổi: Thế Văn, Quang Đẩu, Hải Ninh, Hoài Anh, Hữu Nhuận, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Thị Minh Thái, Bế Kiến Quốc, Phong Lê, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Hòa, Phan Kế An…
“Kinh sử là ruộng vườn của nhà ta..."
Lê Khắc Hoan còn là tác giả sách văn học Trăm năm ly hợp - Lê Khắc gia phả chỉ (NXB Lao động 2013, tái bản 2019) kể chuyện dòng họ nhà mình. Đó là tập sách của thi pháp tiểu thuyết và chất sử thi. Theo sách này, dòng họ Lê Khắc có nguyên tắc sống “Kinh sử là ruộng vườn của nhà ta. Trung hiếu là châu báu của nhà ta” một dòng họ có nhiều người nổi tiếng, nhiều đóng góp với cộng đồng. Nhà này, có đến 4 đại biểu tham gia Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc ngành giáo dục lần thứ nhất tháng 2-1956; nhà này sinh ra giải thưởng giáo dục Nguyễn Đình Chung Song rất nổi tiếng ở TP.HCM; nhà này có ông giáo Lê Khắc Hân tham gia ban soạn thảo sách giáo khoa toán phổ thông trung học cho vùng giải phóng miền Nam, hồi đất nước còn chia cắt, tham gia đào tạo tài năng toán học quốc tế Lê Bá Khánh Trình. Trong ngành đường sắt, người nhà Lê Khắc có kĩ sư Lê Khắc Linh người có công đầu trong việc rút ngắn thời gian chạy tàu Thống nhất từ 80 giờ xuống còn 29 giờ 30 phút, làm lợi cho nhà nước 8.830 tỉ đồng…
Trong ngành báo chí, Lê Khắc Hoan là cây viết hàng đầu làng báo giáo dục Việt Nam, trong suốt 50 năm ông lần lượt làm 6 tờ báo giáo dục: Người Giáo viên nhân dân (sau đổi thành Giáo dục và Thời đại), Thế giới mới, Dân trí, Tài hoa Trẻ, Trí tuệ, Giáo dục và Xã hội. Và viết hàng nghìn bài báo. Để có những bài báo, Lê Khắc Hoan đã từng 7 ngày lội bộ dốc cao, suối sâu, trên vai trên lưng lỉnh kỉnh bao gạo, ba lô, bi đông nước, quần áo, đèn pin, cơm nắm từ Ty Giáo dục Lai Châu lên điểm trường Mù Cả, ở lại Mù Cả đúng một tháng, trò chuyện với giáo viên, thăm lớp dự giờ, cùng ăn cùng ở với bà con Hà Nhì. Rồi lại ba lô lên vai, quay ra, leo núi trở về Ty.
Sống kĩ, từng trải rồi mới cầm bút, Lê Khắc Hoan đã có nhiều trang đẹp dù là viết báo hay viết văn!
Nhà văn Lê Khắc Hoan sinh năm 1937, quê quán Thừa Thiên Huế, từng nhiều năm dạy học, sau đó làm báo Giáo dục và Thời đại. Ông được xem là người khai sinh tạp chí Thế giới mới gây tiếng vang một thời. |
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất