Văn nghệ sĩ Hà Nội nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật

19/11/2020 16:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Việc nâng cao chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật trước hết từ đầu nguồn - người viết kịch bản, biên kịch, viết sách, sáng tạo tác phẩm. Họ phải được tạo điều kiện đi thực tế, tham gia các sự kiện lớn của Thủ đô nhằm tích lũy kiến thức và có chất liệu sáng tác.

Ngày 19/11, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm Văn nghệ sĩ Thủ đô nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật với sự tham dự của đông đảo hội viên 9 hội chuyên ngành và các nhà nghiên cứu, quản lý văn học, nghệ thuật Thủ đô.

Các văn nghệ sĩ đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm với sự phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô. Trong đó có những giải pháp thiết thực, mang giá trị thực tiễn cao, nhằm nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật Hà Nội trong giai đoạn mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội, việc nâng cao chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật trước hết từ đầu nguồn - người viết kịch bản, biên kịch, viết sách, sáng tạo tác phẩm... Họ phải được tạo điều kiện đi thực tế, tham gia các sự kiện lớn của Thủ đô nhằm tích lũy kiến thức và có chất liệu sáng tác.

Tiếp đó, người quản lý cũng cần có "con mắt xanh" để nhìn ra tác phẩm tốt, đầu tư biến tác phẩm trên bản thảo thành hiện thực và tổ chức giới thiệu, quảng bá tác phẩm đúng thời điểm, đúng đối tượng.

Chú thích ảnh
Hà Nội mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến luôn là nơi tuyệt vời để các văn nghệ sĩ cống hiến sáng tạo

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội cho biết, Hội đã, đang và sẽ tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sáng tác của hội viên, quảng bá, giới thiệu, đưa tác phẩm của hội viên đến đông đảo công chúng. Hội đổi mới tổ chức trại sáng tác văn học, nghệ thuật, lựa chọn các văn nghệ sĩ có đam mê, có năng lực sáng tạo và sức khỏe để tham gia, đồng thời chọn đề tài cụ thể, thiết thực, cách tân để khích lệ các văn nghệ sĩ đầu tư sáng tạo tác phẩm hay hơn, độc đáo hơn.

Bên cạnh đó, Hội cũng liên tục tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật gắn với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô hiện nay. Các hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng được thường xuyên đổi mới. Ngoài xuất bản sách, phát hành phim, đĩa nhạc, triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật... Hội phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và Hà Nội giới thiệu tác phẩm mới đến với công chúng...  

Nghệ sĩ ưu tú Như Bình, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội nhận định, để quảng bá tác phẩm các hội chuyên ngành phải tập hợp in thành sách hoặc có chương trình giới thiệu tác phẩm mới định kỳ, đặc biệt là các chủ đề về Thăng Long - Hà Nội. Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến cho rằng, cần có nhà triển lãm, sân khấu biểu diễn, rạp chiếu phim, bảo tàng riêng cho giới văn nghệ sĩ Thủ đô để giới thiệu, đưa tác phẩm mới đến công chúng thường xuyên, đồng thời lưu giữ tác phẩm giá trị cho các thế hệ sau.

Một số dấu ấn văn học nghệ thuật Thủ đô những năm gần đây

Gần 10 năm kể từ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các sáng tác về Văn, Thơ, Nhạc, Họa, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Múa cũng như các công trình sáng tạo về Điện ảnh, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian đã được các văn nghệ sĩ Hà Nội tiếp tục phát huy được thế mạnh toàn diện. Những tác phẩm văn học nghệ thuật đa dạng và đồ sộ là thành tựu phong phú để chào đón 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Chú thích ảnh
Quang cảnh tọa đàm Văn nghệ sĩ Thủ đô nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật

Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã trải qua 10 năm, năm nay Thủ đô Hà Nội chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 1010 năm, văn học nghệ thuật Thủ đô 10 năm qua đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Bên cạnh khuynh hướng tiếp tục phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi và tầm khái quát mới là sự phát triển mạnh khuynh hướng quan tâm đến cuộc sống bình dị, nhiều khía cạnh cuộc sống đời thường của con người, làm phong phú hơn và làm sâu thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật hôm nay.

Ngược dòng thời gian trở về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ghi dấu ấn đặc biệt có lẽ phải kể đến “mốc son” 2012. Nhiều tác phẩm đã được trao Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2012, nhiều tên tuổi quen thuộc vẫn sáng tác đều và có nhiều thành tựu như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ với tập truyện “Thành phố đi vắng”, nhà văn Tạ Duy Anh với tập truyện “Lãng du”, nhà thơ Vũ Quần Phương với tập sách bình thơ và thẩm định thơ.

Về Sân khấu năm 2012 có các vở diễn gây tiếng vang là “Những gương mặt thấp thoáng”, vở kịch về đề tài xã hội hiện đại của Nhà hát Kịch Hà Nội và “Linh thiêng hai tiếng đồng bào”, múa rối nước của Nhà hát Múa Rối Thăng Long.

Về điêu khắc, có Tượng đài “Khâm Thiên căm thù, bất khuất” của Nguyễn Tự, được dựng lên ở Khu tưởng niệm phố Khâm Thiên đúng 40 năm sau ngày Khâm Thiên bị B.52 hủy diệt trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 /1972.

Về Điện ảnh, có tác phẩm “Ngôi nhà 30 liệt sĩ, miêu tả đầy cảm xúc về các thế hệ chiến sĩ và nghệ sĩ, đã từ ngôi nhà số 17 phố Lý Nam Đế này lên đường ra trận và không bao giờ trở về.

Những năm sau đó, văn nghệ sĩ Thủ đô đã tạo ra thêm nhiều tác phẩm có chiều sâu tư duy và tầm vóc nhân văn sâu sắc. Năm 2016 đã đánh dấu bằng nhiều tác phẩm có chất lượng và được tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô như: Tập biên khảo đồ sộ “Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975 – 2015” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, đã tổng kết khá công phu toàn bộ các gương mặt thơ Việt Nam đương đại, cả ở trong nước và cả ở hải ngoại, lần đầu tiên có cả phần đánh giá và trích dẫn các nhà thơ sống trong các vùng đô thị miền Nam 1954-1975 và sau này sống ở nước ngoài.

Về Điện ảnh, có bộ phim tài liệu nhựa “30 tháng 4, ngày thống nhất”, thông qua các nhân chứng lịch sử từ hai phía, các tác giả đã cho thấy một cái nhìn trung thực, khách quan khi nhìn lại 40 năm ngày thống nhất đất nước và các bài học lịch sử cần đúc rút. Một cuốn phim tư liệu nghệ thuật thú vị nữa là phim “Lang thang như đám mây trời”, đặc tả chân dung nhà văn hóa Hữu Ngọc, người đã suốt 70 năm làm công tác nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, đã viết hơn 30 đầu sách giá trị bằng các thứ tiếng Pháp, Anh và Đức để bạn bè nước ngoài hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam.

Về âm nhạc, có một tác phẩm thuộc thể loại romance trích từ opera, trên nền nhạc piano của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính “Huyền diệu Biển”, được đánh giá cao vì tạo được hiệu ứng thẩm mỹ hài hòa, lời và nhạc hòa quyện, tôn tạo cho nhau khi biểu diễn.

Hội Kiến trúc sư Hà Nội thì được vinh danh với đồ án thiết kế “Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây”, một đồ án công phu và khá hoàn chỉnh, mang tính quy hoạch định hướng cho một thị xã có truyền thống lịch sử văn hóa Xứ Đoài vừa cổ kính vừa hiện đại, là một đô thị trọng điểm đang trên đà khởi sắc và phát triển, với quy mô 20 vạn dân trong chùm đô thị sinh thái có tính chiến lược ở phía tây Thủ đô.

Về tác phẩm Mỹ thuật, có “Giấc mơ Long Biên”, tranh sơn mài của họa sĩ Trần Văn Ninh, một giấc mơ đẹp muốn được bằng tâm linh và màu sắc hội họa, lưu giữ lại những con phố cổ, cây cầu Long Biên, những tán cây cổ thụ, những ngõ nhỏ thân quen đầm ấm của Hà Nội thân thương, cho dù đã trải qua bao nhiêu thăng trầm khắc nghiệt của thời gian và biến động lịch sử.

Về Sân khấu, có vở chèo “Nàng thứ phi Đặng Thúy Hạnh” của nhà biên kịch Nguyễn Toàn Thắng đã đạt huy chương Vàng Liên hoan Nghệ thuật Chèo toàn quốc 2016. Về múa rối, có vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, là vở rối cạn do Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Tiến chuyển thể thành công từ kịch bản của Lưu Quang Vũ, đạo diễn Lê Chí Kiên, đã đoạt Giải “Tiết mục Rối thử nghiệm xuất sắc nhất” tại Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế 2016.

Về Văn nghệ Dân gian, có tập nghiên cứu “Làng ven đô và sự biến đổi văn hóa”, của các tác giả Nguyễn Thị Phương Châm và Đỗ Thị Lan. Thông qua thực tiễn biến đổi đa dạng về văn hóa và nếp sống của làng Xuân Đỉnh, một làng quê ven đô, các tác giả đã khái quát được các xu thế chuyển hóa và thích ứng linh hoạt của người dân khi bước vào quá trình đô thị hóa, trong đó có việc tái cấu trúc các nét văn hóa truyền thống và du nhập thêm các yếu tố mới, hiện đại, đồng thời làm rõ được sự chủ động thích nghi của người dân trước mọi thách thức phức tạp, trong cả quá trình hội nhập.

Đến năm 2018, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội lại tiếp tục vinh danh và trao Giải thưởng cho nhiều tác phẩm xứng đáng. Nổi bật trong đó là 2 tác phẩm văn học: Tiểu thuyết “Vỡ vụn” và “Cuộc vuông tròn” - bộ tác phẩm liên hoàn của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn và Tập hồi ức - biên khảo “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 – 1954” của nhà văn Lê Văn Ba, đã làm sống dậy cả một thời đại văn học sôi động và hào hùng của Hà Nội trong 8 năm tạm bị giặc chiếm, trước khi Thủ đô được giải phóng…

“Có thể nói, trong 10 năm gần đây các sáng tác về Văn, Thơ, Nhạc, Họa, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Múa cũng như các công trình sáng tạo về Điện ảnh, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian đều vẫn được các văn nghệ sĩ Hà Nội tiếp tục phát huy được thế mạnh của mình, dành mọi tâm huyết và mọi suy nghĩ sâu sắc, với hoài bão lớn và ý thức trách nhiệm công dân cao, để biến các ý đồ và dự thảo thành hiện thực”, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm khẳng định.

Nhi Thảo

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm