29/04/2013 08:09 GMT+7 | Đọc - Xem
Lynh Bacardi dừng việc học hồi cấp 2 để làm nhiều nghề kiếm sống. Đến với văn chương khá tính cờ, nhưng nay chị đã là một cây bút có bản sắc và sức quyến rũ.
Bắt đầu câu chuyện với TT&VH Cuối tuần, Lynh Bacardi nói: “Văn chương giúp tôi trưởng thành và nhìn đời sống này lạc quan và rõ rệt hơn như chính nó. Ta có thể chán, ghét, khóc, cười với nó nhưng nếu trưởng thành ta sẽ thấy mọi sự việc trong đời này đều hiển nhiên mà thôi, ai đón nhận được những điều hiển nhiên đó thì sẽ tồn tại, còn không, cá nhân đó sẽ tự loại bỏ mình ra khỏi đời sống”.
Nhà thơ Lynh Bacardi
* Trong một cuộc trò chuyện trước đây, chị nói mình đến với văn chương khá tình cờ, dù yêu thích thì có từ trước, bởi lúc đó chị nghĩ văn chương là cái gì đó quá cao, là đặc quyền của lớp người tinh hoa, có nhiều chữ nghĩa. Vậy lần này chị đến với dịch thuật như thế nào?
- Dịch thuật đến với tôi cũng tình cờ như văn chương. Khi dịch giả Hà Vũ Trọng đưa cho tôi bản nguyên tác cuốn đầu Con đường đói khổ (The Famished Road) trong bộ ba tác phẩm của nhà văn người Nigeria là Ben Okri và nói: “Em rảnh thì đọc cuốn này, anh đọc rồi, thích lắm!”. Lúc đó tôi đọc những lời giới thiệu của các tờ báo quốc tế và của Ban trao giải Booker về cuốn sách rồi thì nói: “Đọc bằng tiếng Anh, rồi tra từ điển để hiểu, rồi đọc rồi lại tra thì khổ lắm, thôi để em vừa dịch vừa đọc luôn”. Vậy là sinh ra chuyện: “Tại sao một tác phẩm hay như vậy lại chỉ dịch để đọc chứ?”.
Ngay khi bắt đầu tôi đã cảm thấy công việc dịch quá khó khăn, nó vốn thuộc về lớp người tinh hoa, như sáng tác văn chương vậy. Lớp người tinh hoa và chữ tinh hoa ở đây được hiểu đó là khả năng cảm thụ ngôn ngữ và cái hồn của tác phẩm. Yêu cầu này còn cao hơn cả việc mặc nhiên phải có khả năng ngoại ngữ tốt, và cả đòi hỏi cao về trình độ tiếng Việt giỏi. Nếu không bản dịch sẽ trở thành một bản “đọc & hiểu” đơn thuần.
* Với một “tân binh” như chị, dịch là dịch cho độc giả, hay còn dịch cho chính bản thân mình?
- Khi một dịch giả kỳ cựu bắt đầu một tác phẩm thì có thể họ nghĩ dịch cho độc giả, mời chào và đưa đến cho độc giả một tác phẩm đặc sắc của thế giới, cốt để lĩnh vực văn hóa của đất nước đỡ thiệt thòi, nghĩa là nghĩ nhiều cho người khác.
Nhưng một người dịch mới “xuống núi” như tôi thì nghĩ cho bản thân nhiều hơn, như anh nói, dịch để trau dồi, tự học và thưởng thức theo cách nhấm nháp và nhai kỹ một món ăn tinh thần ngon và tinh tế. Sau khi “ăn mình ên” đã đời rồi thì mới đủ tự tin và đủ hào hứng mà giới thiệu món ăn cho người khác.
- Tôi học tiếng Anh trầy trật, nghĩa là lúc học, lúc bỏ, vật lộn với mớ từ vựng và văn phạm đến ớn cả cuộc đời, chẳng có hệ thống hay theo trường lớp nào, bạ đâu học đó, nhiều khi bẵng đi mấy năm chẳng mó đến chữ nào. Tôi cũng không nghĩ mình có khả năng dịch, vì học kiểu đó thì “ta nào tin vào chính ta”. Tôi cũng chưa từng học dịch văn chương, nên có lẽ mọi việc không có gì hơn là “hãy cứ thử đi”. Với lại, tôi là tên tuổi mới toanh trong làng dịch, mới đến mức phía xuất bản đã viết nhầm tên Lynh Bacardi thành Linh Bacardi, nên liều cũng là dễ hiểu.
Bìa sách Con đường đói khổ
* Ngay đầu tiên chị đã chọn một tác phẩm dày và khó của Ben Okri, có phải vì chị là nhà thơ, nhà văn mà dẫn đến quyết định “ngạo mạn” này?
- Thật sự tôi vẫn luôn có quan niệm về việc đọc sao cho không hoài phí thời gian eo hẹp của đời người. Có thể ban đầu khi mày mò đến với chữ nghĩa thì độc giả thường đọc tùm lum, tá lả, nhưng theo tôi một độc giả trưởng thành thì sẽ biết chọn lọc và biết mình đang cần món ăn tinh thần loại nào. Việc dịch cũng vậy, nếu xác định dịch để kiếm tiền sống thì có thể dịch loại gì cũng được, miễn là nồi cơm có vơi có đầy chứ không sạch bách. Nhưng nếu xác định dịch là để thưởng thức thì nên thưởng thức loại đặc sắc.
* Chị đã “chiến đấu” với tác phẩm này ra sao?
- May cho tôi là tác phẩm đầu tiên này là bản nguyên tác tiếng Anh và Ben Okri là người viết tiếng Anh không màu mè, õng ẹo…, nói chung là không làm dáng, thứ ông tập trung vào là những mục tiêu thiết thực hơn như tính quyến rũ của cốt truyện, cách dùng chữ đẹp nhưng sáng sủa, tính tư tưởng. Vì vậy tôi đã chiến đấu với cuốn này một cách nhẹ nhàng, say mê, tràn trề xúc cảm. Dĩ nhiên mới dịch thì tra từ điển sái cả cổ nhưng việc này vẫn không khiến tôi thấy mệt mỏi với Ben Okri.
Thú thật, là một người viết, tôi cảm thấy mình hân hạnh được dịch tác phẩm của ông. Sự cảm động trong cái nhìn của ông về nhân sinh quan, từ những gì nhỏ nhặt nhất, khiến tôi phải khóc ba bốn lần trong lúc dịch. Nếu có thể nói về ông, tôi có thể nói rằng ông là nhà văn viết về cái nghèo, không khí nghèo đặc sắc và đẹp nhất mà tôi từng biết.
* Vậy Con đường đói khổ có những điều gì mà chị nghĩ rằng nó mau chóng được độc giả khắp thế giới chào đón?
- Yếu tố quan trọng nhất khiến tác phẩm này được chào đón, theo tôi đó là do khả năng cảm thụ và trình bày của Ben Okri về thân phận con người trong cả hoàn cảnh đầy đủ hay khốn khó, vừa bi thương vừa trân trọng đời sống.
Nhưng cái nghèo của Ben Okri không chỉ là cái nghèo đơn thuần, mà nghèo đẹp, nghèo nhưng không được xấu xa và không nhân danh cái nghèo để được quyền bất nhân. Yếu tố thứ hai khiến cho người ta không thể bỏ cuốn sách xuống là vốn tâm linh được mô tả một cách sống động. Cùng lúc đó, không khí, không gian của một đất nước của thời hậu thuộc địa đang vặn mình đổi mới làm tăng sự tò mò thêm cho người đọc.
* Chị có đang tiếp tục dịch tác phẩm nào không?
- Bên cạnh các văn bản dịch để kiếm cơm, hiện tôi đang dịch bốn cuốn Buru Quartet (Tứ tấu Buru) của Pramoedya Ananta Toer (1925-2006), người Indonesia. Tôi đã dịch xong cuốn một This Earth Of Mankind (Đất người), hơn 300 trang nguyên tác. Đây là bộ sách cũng về giai đoạn hậu thuộc địa, có bối cảnh và những vấn đề gần như của Việt Nam trong thời Pháp thuộc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất