23/11/2020 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi bất ngờ, thảng thốt nghe điện thoại của Nguyễn Thị Mai Trang – cháu nội nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh báo hung tin, “Chị ơi, ông nội em đã mất lúc 19 giờ ngày 21/11/2020 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Ông em cũng không thể đợi thêm Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X mà ông đã 9 lần có mặt…”.
Trang lặng đi hồi lâu… rồi vội vã xin phép ngắt máy với lời hẹn “Tối em điện lại cho chị. Giờ em lo cơm nước thắp hương cho ông”…
Lỡ hẹn
Tôi gặp Nguyễn Thị Mai Trang ngày 9/11/2020 tại Hội Nhà văn Việt Nam tại Lễ chúc mừng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh 100 tuổi. Khi được giới thiệu đại diện gia đình nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh phát biểu, Mai Trang đi từ giữa phòng lên lúng túng, ngượng nghịu không biết phát biểu thế nào và “tự thú” mình là dân làm xuất khẩu, quá xúc động trong lễ chúc mừng ông mà vụng đường ăn nói… Tôi chụp gửi Trang ảnh dịch giả Thúy Toàn trao kỷ vật hình ảnh ông nội.
Sau khi đọc hai bài viết của tôi đăng trên báo Thể thao và Văn hóa, buổi tối hôm đó, Mai Trang gọi điện cho tôi: “Em vừa đọc hai bài viết của chị về ông nội em. Là dân ngoại đạo văn chương, đọc bài của chị và các bác nhà văn đọc trong Lễ chúc thọ ông 100 tuổi, em mới hiểu thêm sự nghiệp văn chương của ông và thương ông bà nội quá. Ông nội hiền lành, nhân hậu, nhỏ nhẹ, rất mực yêu thương con cháu. Ông nhỏ nhẹ đến mức hiếm khi nào thấy ông nói to và em chưa bao giờ thấy ông quát mắng con cháu. Bà nội là nhà văn nên rất hiểu, rất chiều ông. Bà quán xuyến mọi công việc trong gia đình để ông tập trung đọc, viết, dịch thuật văn chương. Khi đau yếu, ngoài con cái chăm sóc, ông bà thường xuyên chăm sóc nhau. Các cháu ông đều được thừa hưởng năng khiếu ngoại ngữ của ông.
Ông nội luôn tôn trọng ý kiến cá nhân, nhất là không bao giờ áp đặt ý kiến của mình với bất cứ thành viên nào trong gia đình. Ông bà có bốn người con đều theo gương ông chăm chỉ học tập, thành đạt trong công việc với các ngành nghề khác nhau. Bài viết của chị đã nhắc đến bác Việt Lưu của em hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1968. Nhà em vẫn giữ trang trọng bức ảnh chụp bác Lưu lúc bé ngồi trong lòng Bác Hồ ở Việt Bắc. Bác Việt Triều là PGS-TS từng công tác Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Em là con bố Việt Hà. Bố em là con trai thứ ba của ông bà…”.
Sau đó ít hôm, Trang gọi điện cho tôi: “Em đang ngồi một mình tại quán cà phê ở phố Nam Đồng. Lúc này, em rất muốn được kể chuyện ông nội cho chị nghe. Em mời chị cùng nhâm nhi cà phê với em. Em tin chị sẽ có thêm nhiều tư liệu đầy cảm xúc để viết về ông”.
Nhưng rất tiếc buổi tối hôm đó, tôi có giờ lên lớp không thể đến nơi hẹn và đành khất gặp Mai Trang vào một dịp gần nhất sẽ đến thăm nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.
Và thế là tôi đã lỡ hẹn đến thăm nhà thơ cuối cùng của Phong trào Thơ mới trong sự tiếc nuối…
Bước chuyển tự nhiên từ thơ tượng trưng về hiện thực
Xuất hiện trong phong trào Thơ Mới với những cách tân sáng tạo, Nguyễn Xuân Sanh là nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ Mới (1930-1945); là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ Mới sang thơ hiện đại và đóng góp của ông đã góp phần quan trọng vào tiến trình thơ Việt Nam hiện đại với “Chữ thì đa nghĩa đa tầng khiến cho người đọc tha hồ tưởng tượng để tiếp cận âm thanh… bình thanh hình ảnh thì lại đa chiều khiến cho người đọc mặc sức mà khám phá mà tìm hiểu”…
Có điều tên tuổi Nguyễn Xuân Sanh chưa được nhắc tới trong “Thi Nhân Việt Nam”. Kể cả điểm danh các dòng thơ, xóm thơ… thì tác giả “Buồn xưa” cũng vẫn là cái tên quá “xa lạ”. Song một điều như được “an ủi” là bài tổng luận mở đầu trong “Một thời đại trong thi ca”, Hoài Thanh đã nhắc (2 lần) tên Nguyễn Xuân Sanh “Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách của thơ Pháp lối tượng trưng nhưng còn dè dặt. Bích Khê và ít nhiều nữa như Xuân Sanh muốn đi đến chỗ người ta thường cho là cao nhất trong thơ tượng trưng: Mallarme, Valéry… ”, một chú thích nhỏ dành cho ông “tác phẩm chưa xuất bản nhưng làng thơ thường nhắc đến” cho thấy vị trí của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh trong dòng chảy của thơ Việt Nam đã được ghi nhận, khẳng định.
Gửi cuộc đời bách niên xuân
Nghe tin nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh mất, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết trên FB sự tiếc thương và kèm hình ảnh đến thăm nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô:
“Tôi đã kịp đến thăm bác tại phòng cấp cứu của Bệnh viện. Nằm bên bác Sanh là bác Định Hải. Đây là lần cuối cùng gặp bác trên dương thế cách đây cũng mới chỉ có ba ngày. Lại có tin nhà văn Đoàn Tử Huyến cũng vừa mất. Nhà văn đi nhiều quá. Những mất mát không gì bù đắp được”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thốt lên: "Vĩnh biệt một thi sĩ tiên phong!" .
Nhà văn Lê Ngọc Minh “Lại thêm một khoảng trống vắng trên bầu trời thi ca Việt. Xin kính vĩnh biệt nhà thơ”.
Tác giả ca khúc “Huế tình yêu của tôi” - Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai thốt lên “Buồn quá! Hôm nay là ngày gì mà sáng giờ bao nhiêu tin dữ dồn dập tới. Liên tiếp những bạn đồng nghiệp ra đi là sao. Phải vĩnh biệt nhau thật rồi, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ơi. Mong anh thanh thản an nghỉ và nhẹ nhàng siêu thoát”.
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ: “Rất mong hương linh nhà thơ sớm thanh thản chốn vĩnh hằng. Chân thành chia buồn cùng toàn thể gia đình nhà thơ. THÀNH KÍNH PHÂN ƯU".
Nhà thơ Trần Kim Hoa chia sẻ “Một nhà thơ tài hoa đã ra đi theo nhịp hải hà”…
Vẫn biết tử sinh là chuyện quy luật của tạo hóa. Vẫn biết sinh ly tử biệt là điều không ai muốn, nhưng nào ai tránh khỏi. Vẫn biết nhà thơ đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” với kỷ lục đáng nể phục… Nhưng nghe tin ông gửi cuộc đời tuổi 100 thì nỗi tiếc thương, xa xót một nhà thơ nhân cách, tài hoa thì không có giới hạn nào.
Tuổi tác thuộc mệnh trời và mệnh người. Tuổi thọ mỗi con người cũng nhờ duyên Trời cho. Trong Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay, sau nhà văn Vũ Khiêu (tuổi 104), nhà thơ Xuân Sanh vừa đón tuổi 100 được coi là hiếm trong làng văn chương Việt Nam. Vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm sinh cho bốn nhà văn/ nhà thơ: Tô Hoài, Tố Hữu, Chế Lan Viên và Kim Lân và chỉ duy nhất nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là tổ chức Lễ chúc mừng 100 năm sinh. Tại Lễ chúc mừng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Hữu Thỉnh đánh giá những đóng góp lớn lao của nhà thơ cuối cùng của Phong trào Thơ Mới và chúc mừng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh gia thọ.
So với các nhà thơ trong Phong trào Thơ mới, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là người ra đi cuối cùng. Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) khép lại tuổi 69 với bao dự định; nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) - 68 tuổi; Thế Lữ (1907-1989) 82 tuổi; Lưu Trọng Lư (1911-1991) 80 tuổi; Đoàn Phú Tứ (1910-1989) 79 tuổi; Vũ Đình Liên (1913-1996) 83 tuổi; nhà thơ Huy Cận (1919-2005) 86 tuổi…Nhìn vào các nhà văn Tư lực Văn đoàn cũng thấy không dễ thành người “xưa nay hiếm”: Nhà văn Nhất Linh (1906-1963), Khái Hưng (1986-1943), Hoàng Đạo (1907-1948), Thạch Lam (1910-1942), Trần Tiêu (1900-1954)…
Nói như GS Phong Lê, với các cuộc tri ân “Trăm năm trong cõi” thì tuổi chẵn trăm cho người đời xưa nay, với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh không chỉ hiếm mà là rất hiếm. Xin được xem đây là lời tri ân của thế hệ trẻ với một bậc thầy thuộc thế hệ Vàng của văn học Việt Nam hiện đại.
Gia tài văn chương – dịch thuật
Suốt cuộc đời cầm bút, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã để lại một gia tài văn chương đáng nể. “Xuân Thu nhã tập” là cuốn sách xuất bản đầu tiên của của nhóm năm 1942. Ngoài tác phẩm văn xuôi “Anh hùng Trần Đại Nghĩa” (1953), Nguyễn Xuân Sanh là tác giả của nhiều tập thơ: “Chiếc bong bóng hồng” (1957), “Tiếng hát quê ta” (1958), “Nghe bước xuân về” (1961), “Quê biển” (1966), “Đảo dưa đỏ” (1974), “Đất nước và Lời ca” (1978), “Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh” (1991), “Một vườn thơ năm châu” (1997), thơ văn xuôi “Đất thơm” (viết 1940-1945, in 1995).
Ông là dịch giả thơ cho nhiều nhà thơ các nước (Ba Lan, Nga, Luxembourg, Pháp, Canada, Israel, Sénégal, Rumani, Bungary…). Có thể kể đến những tập thơ dịch: “Thơ Victo Huygo” (1986), Tuyển tập thơ Pháp (3 tập, 1989-1994), “Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển Tômax Tranxtrômer” (1995)…
Nguyễn Xuân Sanh vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001); Giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam (1951-1952) cho tác phẩm “Anh hùng Trần Đại Nghĩa” – Giải thưởng tôn vinh các nhà văn viết về Anh hùng và Chiến sĩ thi đua. Năm 1982, ông được nhà nước Ba Lan tặng Huân chương công trạng. Lễ trao tặng được tổ chức tại Phủ Chủ tịch trang trọng tôn vinh những dịch giả có công với quảng bá văn học Ba Lan.
Lễ viếng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được tổ chức từ 9- 11h ngày 27/11/2020 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại Công viên Vĩnh hằng (Ba Vì, Hà Nội). |
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất