03/03/2020 07:02 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 29/2, giới mỹ thuật Việt Nam bàng hoàng khi nghe tin họa sĩ lão thành Trần Lưu Hậu đã vĩnh viễn ra đi tại nhà riêng (Hà Nội) ở độ tuổi 92. Hơn nửa thế kỷ qua, ông là một gương mặt lớn của nền hội họa Việt Nam với những dấu ấn in đậm trên mọi giai đoạn phát triển của loại hình nghệ thuật này, cả ở góc độ sáng tác và tư tưởng.Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của nhà sưu tập mỹ thuật Trần Hậu Tuấn về ông.
1. Họa sĩ Trần Lưu Hậu là sinh viên xuất sắc của “khóa kháng chiến”, tuổi trẻ và bước đầu đi vào nghệ thuật của ông gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Và cùng với những hành trang của một thời đại mới, truyền thống của trường Mỹ thuật Đông Dương đi theo ông cũng như các họa sĩ cùng trang lứa với ông.
Từ năm 1955 đến năm 1962, Trần Lưu Hậu tiếp tục học hội họa tại Liên Xô (cũ), rồi trở thành nhà đào tạo có uy tín tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội trong nhiều năm, trước khi làm trưởng ngành hội họa và Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Khiếu thẩm mỹ tinh tế, phong cách sáng tác mang dấu ấn cá nhân và “con mắt xanh” phát hiện tài năng trẻ của ông được nhiều lớp sinh viên cảm phục và trân trọng. Đồng thời, ông còn là một trong những nhà thiết kế trang trí sân khấu hàng đầu ở Việt Nam.
Tranh của Trần Lưu Hậu càng về sau càng khoáng đạt với bảng màu bùng nổ nhưng cảm xúc lại trở nên sâu lắng hơn. Dường như tuổi tác không làm giảm khả năng tung hoành của nét cọ mà trái lại, cảm xúc cũng như phong cách trong các tác phẩm của ông ngày một trẻ trung. Ông đưa lên tranh những vẻ đẹp giản dị gần gũi của đời sống hàng ngày với bút lực mạnh mẽ ở bất kỳ đề tài nào, tĩnh vật hay phong cảnh… Hòa sắc rực rỡ với những quệt bút đầy ngẫu hứng, hội họa Trần Lưu Hậu gần gũi với bảng màu Fauvism, nhưng vẫn giữ vẻ hào hoa phong nhã rất riêng.
Nhìn lại quá trình sáng tác của ông, có thể thấy tính nhất quán, liền mạch, độc đáo và giàu năng lượng trong cả một thời gian dài. Và nói như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nó là “một dòng suối không bao giờ cạn”.
2. Trần Lưu Hậu không theo đuổi bút pháp ấn tượng hay biểu hiện, không phá vỡ hay từ bỏ hình thể, mà là những bữa đại tiệc của màu sắc trải rộng một cách phóng khoáng trên không gian hai chiều của bề mặt tranh. Đây cũng chính là khí hậu nghệ thuật của Paris thời kỳ Matisse, Derain… Hội họa Trần Lưu Hậu thiên về màu hơn về hình, nó nằm trên con lộ thênh thang dẫn tới nghệ thuật trừu tượng.
Tuy nhiên, ông vẫn giữ lại trong tranh các yếu tố hình họa như một khung cấu trúc cho các cảm xúc về màu sắc, dẫu rằng bộ khung ấy đã mờđi, thậm chí còn đôi chút bóng mờ trong tiêu đề bức tranh. Đôi khi, thành tựu đáng kể nhất của một nghệ sĩ lại nằm ở quãng giữa của hành trình, như có thể thấy trong sự nghiệp đa dạng của những tài năng lớn như Kandinsky…
Về vấn đề này, cũng theo nhận xét của Phan Cẩm Thượng, thì Trần Lưu Hậu “gần với phong cách trừu tượng chứ không có ý định vẽ trừu tượng bởi hội họa của ông không giải thích mà chỉ thể hiện, không gây sốc mà lạ hóa, không cầu kỳ mà sang trọng”. Những năm cuối cùng, ở độ tuổi 90, ông vẫn tiếp tục lao động sáng tạo như bước vào mùa Thu lộng lẫy tươi vui nhất trong cuộc đời nghệ thuật của mình.
Vĩnh biệt ông, một dòng suối không bao giờ cạn của mỹ thuật Việt!
Vài nét về cố họa sĩ Trần Lưu Hậu Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928. Ông là một trong những gương mặt nổi bật của Khóa kháng chiến (1950 - 1953) trường Mỹ thuật Việt Nam, cùng những cái tên như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Mai Long, Ngô Tôn Đệ, Ngô Mạnh Lân, Lê Huy Hòa… Sau khi tốt nghiệp, họa sĩ Trần Lưu Hậu từng có 7 năm tu nghiệp tại Học viện Mỹ thuật Suricov, Liên Xô (cũ) trước khi là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ 1962 tới 1988, đồng thời công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam qua nhiều chức vụ khác nhau. Theo nhận xét của giới chuyên môn, Trần Lưu Hậu là gương mặt thành danh với dòng tranh hiện thực cách mạng. Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1980, khi làn sóng Đổi mới bắt đầu, ông đã cho thấy những thay đổi quan trọng về tư tưởng, phong cách biểu hiện và tạo ra sức ảnh hưởng lớn tới các thế hệ họa sĩ tiếp theo. Trong cuộc đời mình, họa sĩ Trần Lưu Hậu có nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong nước và quốc tế. Tác phẩm của ông có mặt trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Bảo tàng Phương Đông ở Ba Lan và Liên Xô (cũ) và trong các bộ sưu tập tư nhân. Cá nhân họa sĩ Trần Lưu Hậu từng nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001. PV |
Trần Hậu Tuấn (nhà sưu tập)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất