Hương Thảo - Á quân Vietnam’s Got Talent: Theo nghệ thuật là một mạo hiểm lớn

02/09/2013 13:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hai năm trước, về nước thăm ông bà trước khi theo học tiến sỹ, Hương Thảo tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s Got Talent 2012) cho vui, bất ngờ đoạt Á quân với những màn trình diễn nhạc kịch Broadway đặc sắc. Và lần này, phải “săn đuổi” mãi “Nàng tiên cá” trong một tuần ngắn ngủi về thăm gia đình, kết hợp trở lại sân khấu nhạc kịch Đêm hè sau cuối của đạo diễn 9x Nguyễn Phi Phi Anh, TT&VH Cuối tuần mới gặp được Hương Thảo chỉ 24 giờ trước khi cô trở lại Mỹ với chương trình nghiên cứu sinh học cơ bản.

* Một năm “mất tích” kể từ sau cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2012, cuộc sống của Hương Thảo đang diễn ra như thế nào?

- Hiện nay, tôi đang bước vào năm đầu tiên của nghiên cứu cơ bản, chuyên ngành Sinh học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ). Nghiên cứu là phải có kết quả nên khóa học của tôi sẽ hoàn thành khi các kết quả nghiên cứu của tôi chứng minh được khả năng nghiên cứu độc lập của mình (được nhận chứng chỉ). Trung bình việc nghiên cứu sinh sẽ mất khoảng 5 năm nhưng thực tế có thể lâu hơn, không phải cứ lúc nào nghiên cứu là cũng sẽ có kết quả, nó cũng cần đến sự may mắn.

* Sau khi học xong, chị sẽ về Việt Nam chứ?

- Tôi chưa xác định việc này nhưng như công việc mà tôi theo đuổi hiện nay là làm nghiên cứu cơ bản nên ở nước ngoài sẽ có nhiều thuận lợi hơn về cơ sở vật chất. Còn nếu về làm việc tại Việt Nam thì tôi nghĩ sẽ phải chuyển hướng sang nghiên cứu ứng dụng thì mới có hiệu quả. Và nếu vậy, tôi còn phải học thêm về công nghệ nữa.


Hương Thảo trong vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối. Ảnh Phương Chan

* Trở lạithời gian tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam, tôi muốn biết tại sao chị lại chọn nhạc kịch để thi?

- Vì tôi yêu thích nó và thấy nghệ thuật ở thể loại này ít người làm, chưa được phổ biến. Và đó cũng là môn nghệ thuật mình cảm thấy có thể làm tốt nhất thôi.

* Trở lại bất ngờ trên sân khấu của Đêm Hè sau cuối suốt một tuần qua, một lần nữa, chị đã mang nhạc kịch broadway đến với công chúng qua các tác phẩm On my own (trích từ bộ phim Les Missérables), Tonight (trích từ West Side Story) Wishing You Were Somehow Here Again (trích từThe Phantom of the Opera). Cảm giác của chị về sự trải nghiệm này?

- Đây là một sự trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ vì tôi không chỉ hát mà còn diễn. Hát những bài hát này bằng tiếng Việt cũng không dễ. Tuy nhiên, thật lòng mà nói, tôi cảm thấy rất áy náy với khán giả và cả đạo diễn trong sự quay trở lại lần này của mình. Với tôi, nghệ thuật là phải cảm thấy được như chính cơ thể mình. Nhưng vì chỉ có một tuần ở Việt Nam, tôi lại “chậm” thích nghi với múi giờ, thời tiết và đồ ăn…, nên khi lên sân khấu, tôi thực sự chưa sẵn sàng. Buổi diễn đầu tiên, thú thật là tác phẩm chưa “ngấm” vào người.

* Mọi người vẫn đánh giá chị là một tài năng, thậm chí còn thấy tiếc vì chị có ít “đất diễn” trong sự trở lại này. Chị tự đánh giá về mình thế nào?

- Tôi nghĩ là mình có năng khiếu thôi. Như bạn xem Đêm Hè sau cuối thì có thể thấy, các diễn viên không chuyên ở đây diễn rất tốt. Trong mắt tôi, họ cũng là những người có tài.

Nguyễn Hương Thảo sinh năm 1989, là con gái thứ hai của Tiến sĩ Vật Lý Nguyễn Hoài Châu, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường và Tiến sĩ Huỳnh Thị Hà, chuyên ngành Vật liệu. Bác cả của Hương Thảo là Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Hiệu. Tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc, Hương Thảo được nhận học bổng học tiến sĩ, không qua thạc sĩ, ngành sinh học, tại trường ĐH danh tiếng MIT (ĐH Công nghệ Massachusetts).

* Nếu đến với Vietnam’s Got Talent vì mong muốn đưa nhạc kịch đến gần với công chúng hơn thì đáng ra chị phải tiếp tục theo đuổi nghệ thuật chứ không phải là khoa học như bây giờ chứ?

- Tôi nghĩ rằng, theo nghệ thuật là một sự mạo hiểm rất lớn. Với tôi, phải bắt đầu lại từ đầu và để đạt đến sự ổn định của nghệ thuật không hề dễ dàng.

Qua chương trình Vietnam’s Got Talent, mọi người ít nhiều đã biết đến nhạc kịch. Trong TP.HCM cũng đã có người đem nhạc kịch broadway về. Còn ở Hà Nội thì có ê-kíp của Nguyễn Phi Phi Anh. Họ đã dựng được vở, bán được vé. Như vậy, với nghệ thuật tôi cảm thấy khán giả cũng đã dần biết đến thể loại mới này. Giờ thì hy vọng, những nghệ sĩ chuyên nghiệp, những người có thể toàn tâm toàn ý với nghề, có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn, sẽ tiếp tục cập nhật những cái mới mà khán giả muốn xem. Và một khi đã có những người làm những việc đó rồi thì tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình… ngồi ở dưới hàng ghế khán giả.

* Chứ không phải một phần lý do chị quyết định không theo nghệ thuật là vì gia đình không ủng hộ ý tưởng này?

- Sự thực không phải như vậy. Bố tôi muốn tôi làm gì cũng phải nghiêm túc, chứ có chút danh tiếng mà đã “ti toe” đi làm kiếm tiền là không được. Còn trong suy nghĩ của tôi, với tuổi của tôi bây giờ, tất nhiên dù không phải quá muộn nhưng để khởi đầu lại trên một con đường mới mà nhất là nghệ thuật thì không biết sẽ phải mất bao lâu và sẽ đến được đâu. Việc học khoa học của tôi đã diễn ra rất nhiều năm rồi và hiện nay, tôi đang sống trong một môi trường rất tốt. Học như vậy mà không dùng đến một cách có ích thì cũng không có ý nghĩa. Tuy nhiên, tôi vẫn xác định, sau này, ngay cả khi đã tốt nghiệp cũng không hẳn tôi sẽ tự “trói mình” vào một công việc nhất định, nhưng quyết định đó sẽ không phải từ bây giờ.

* Như chị chia sẻ, xem ra chị cũng khá quan tâm đến “diễn biến” của nhạc kịch ở Việt Nam. Vậy chị nghĩ sao về cơ hội phát triển thể loại này?

- Điều này rất khó nói. Với những quan sát của bản thân, tôi thấy những người đi xem nhạc kịch ở Việt Nam ít nhiều đều là những người có cơ hội tiếp xúc với văn hóa nước ngoài, họ đón nhận nó rất hứng thú. Một nhóm khán giả khác là các bạn trẻ tò mò về thể loại này. Song để nói về cơ hội phát triển của nhạc kịch thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Như tôi biết, trên thế giới mà cụ thể như ở Mỹ, vé xem nhạc kịch là một sự “xa xỉ”. Với khoảng 100 đô la Mỹ, bạn chỉ có thể ngồi xem ở một góc rất xa trong khán phòng. Tôi tự hỏi, ở Việt Nam, nếu làm một vở nhạc kịch công phu thì liệu có thể bán được vé không và bán trong bao lâu? Vì thế, nghệ thuật phát triển được hay không là khi có khán giả chịu trả tiền mua vé để giải trí cho bản thân và nuôi dưỡng nghệ thuật. Nếu làm một chương trình nghệ thuật mà phải phát vé mời như hiện nay thì người xem khó có được sự trân trọng, quý giá các tác phẩm nghệ thuật.

Ở Mỹ, các trường học cũng dựng kịch, cũng mua bản quyền về dựng vở. Tuy quy mô không lớn, không chuyên nghiệp nhưng họ có cộng đồng khán giả để phục vụ. Khán giả đầu tiên chính là bạn bè, gia đình. Khán giả đi xem với tinh thần cổ vũ động viên khích lệ là chính chứ không soi mói. Vì vậy, ngay trong các trường học bạn cũng có cơ hội đứng trên sân khấu, thử khả năng của chính mình, xem mình có phù hợp theo đuổi nghệ thuật hay không. Các nghệ sĩ thực sự có thể ra đời và đi lên từ những môi trường như thế chứ không hẳn là được học trong các trường nghệ thuật từ bé.

* Một nhà khoa học yêu thích âm nhạc, chắc thời gian biểu một ngày của chị cũng không đến nỗi “khô khan” chỉ biết đến phòng thí nghiệm?

- Một ngày của tôi diễn ra cũng đơn giản. Sáng và chiều tôi ở phòng thí nghiệm. Tối là thời gian rảnh rỗi nên tôi có thể đi nghe hòa nhạc, xem nhạc kịch hoặc ăn tối với bạn bè. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài nghiên cứu, tôi còn tham gia dự án dịch cuốn Molecular Cell Biology (Sinh học phân tử tế bào) - sách giáo khoa chuyên ngành hàng đầu về sinh học của GS Harvey Lodish, nên cũng khá bận 

Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm