09/02/2012 13:10 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - Sau khi người trong cuộc trưng ra bản hợp đồng lao động có xác định thời hạn (dành cho cầu thủ chuyên nghiệp), bất cập trong vụ tranh chấp giữa Thanh Trung và các ông chủ CLB bóng đá Hà Nội (và cả HP.HN trước đây) đã rõ. Nó còn liên đới đến cả các ban bệ của VFF, nơi lưu giữ ít nhất một bản của hợp đồng chuyên nghiệp dành cho cầu thủ mà mọi đội bóng phải nộp lên.
Giấy trắng mực đen
Hôm qua, TT&VH đã nhận được bản hợp đồng lao động (có xác định thời hạn) chụp lại của Thanh Trung với Cty CP Bóng đá Hòa Phát, mà đại diện (bên A) là Giám đốc Nguyễn Mạnh Tuấn. Có đến 6 điều khoản trong bản hợp đồng dài nhiều trang A4, trong đó đáng chú ý nhất là khoản 2 điều 1 về thời hạn và công việc hợp đồng ghi rõ từ ngày 21/1/2009-21/1/2012, kèm theo phụ lục gia hạn thêm 2 năm, nếu 2 bên đạt được những thỏa thuận hợp lý về phí ký hợp đồng (vẫn gọi nôm na là “lót tay”), cũng như các vấn đề về lương thưởng khác.
Bản hợp đồng có thời hạn từ 21/1/2009 đến 21/1/2012 giữa Thanh Trung và CLB HP.HN
Kể từ đó cho đến nay, Thanh Trung không ký thêm một bản hợp đồng nào nữa, ngay cả khi HP.HN được chuyển giao cho phía HN.ACB để trở thành CLB bóng đá Hà Nội như bây giờ, mà theo lời Trung, dù anh đã hơn một lần bày tỏ nguyện vọng với ông chủ mới Nguyễn Đức Kiên vào thời điểm sắp mãn hạn hợp đồng cũ, nhưng đều bị thoái thác, hoặc khất lần. Chuyện xảy ra sau đó như thế nào tất cả đã rõ, khi Thanh Trung từ chối ra sân trong trận đấu với B.BD ở vòng 4 Super League, bởi kể từ sau ngày 21/1/2012, Trung đã không còn là người của bầu Kiên nữa.
Kể từ sau khi đáp chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội vào đầu giờ chiều qua, Thanh Trung đang rất khẩn trương thu thập giấy tờ trước khi gõ cửa văn phòng luật sư trong trường hợp không đạt được thỏa thuận ký mới với CLB bóng đá Hà Nội, hoặc nữa là bị ép. Do thời hạn đăng ký danh sách mùa giải 2012 đã kết thúc, nên nếu lựa chọn không tiếp tục gắn bó với CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên, sớm nhất cũng phải đợi đến hết giai đoạn một, Trung mới có thể cập bến đỗ mới. Nhưng ngay lúc này, cũng không ít các đại gia nhảy vào muốn có chữ ký của tiền vệ người Hà Tĩnh.
Một “Bosman” VN
Từ lúc vụ tranh cãi giữa Thanh Trung và CLB bóng đá Hà Nội nổ ra, đã có nhiều người liên tưởng đến trường hợp của Jean-Marc Bosman và CLB Liege (Bỉ) cách đây gần 20 năm. Sau khi thắng kiện năm 1995, Bosman đã mở ra một cuộc cách mạng đòi quyền lợi cho các cầu thủ đã hết hạn hợp đồng có thể tự do tìm bến đỗ mới mà không phải trả phí bồi thường. Cũng từ đó, đạo luật Bosman ra đời và rất nhiều các ngôi sao bóng đá được hưởng lợi. Bóng đá VN đã lên chuyên rồi và cũng không phải là ngoại lệ. Cũng không thiếu những viện dẫn kể ra ở đây.
Cách đây 4 năm, vụ tranh chấp giữa V.NB và K.KH đã nổ ra cho các bản hợp đồng với Hữu Chương, Tấn Điền, Đức Hùng và Trọng Bình, để rồi sau đó đội bóng phố biển phải chịu lép vế khi thua về lý. Đầu mùa bóng này, Công Vinh (từ HN.T&T về CLB bóng đá Hà Nội) cũng là một trường hợp tương tự, hay trước đó là Quang Hải (từ K.KH đầu quân cho N.SG)… Bộ luật Lao động VN cũng ghi rõ, khi bản hợp đồng lao động có xác định thời hạn (tối đa là 3 năm) kết thúc, người lao động hoàn toàn có thể tự ý tìm kiếm công việc mới cho riêng mình.
Cả về lý lẫn tình, Thanh Trung đều không phải lăn tăn nếu ngay lúc này anh rũ áo ra đi. Thậm chí nếu có trách, là trách những ông chủ (và BHL) của CLB bóng đá Hà Nội khi đã không giải quyết sớm chuyện hợp đồng với cầu thủ này, rồi vô tình đã đẩy Trung vào tình huống thất nghiệp, ít nhất là từ bây giờ cho đến khi các giải bóng đá VN kết thúc giai đoạn 1. “Với năng lực chuyên môn và cả sự cầu thị, cầu tiến, cũng với ý thức nghiêm túc với nghề, tôi không mấy lo lắng nếu phải nghỉ thi đấu vài tháng. Tôi hoàn toàn có thể tự tập luyện để duy trì phong độ”, Thanh Trung cho biết.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất