'Việt sử diễn nghĩa': Đọc sử bằng thơ của các ông hoàng nhà Nguyễn

11/05/2015 21:20 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ sử bằng thơ này được các ông hoàng nhà Nguyễn khởi viết từ khoảng 1907-1916, kéo dài đến khoảng 1926. Ban đầu được lưu trữ ở thư viện gia đình Lục Khanh, sau được cất giữ ở chùa Từ Quang (Thừa Thiên - Huế). Vốn là tài liệu độc bản, viết tay bằng chữ Nôm, gồm 1.884 câu lục bát.

Bộ Việt sử diễn nghĩa (NXB KHXH, Sách Khai Tâm, quý 2/2015) của nhóm tác giả Tôn Thất Hân (1854 - 1943), Hồng Nhung (1844 - 1923), Hồng Thiết (1850 - 1937) do nhà nghiên cứu Phan Đăng (Thừa Thiên - Huế) bắt đầu chuyển ngữ từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ gần 40 năm trước, nay mới được xuất bản.

Sách trải dài từ họ Hồng Bàng (khoảng thế kỷ 29 TCN) cho đến hết nhà Hậu Lê, lúc đưa hài cốt Lê Chiêu Thống từ Trung Quốc về nước (đầu thế kỷ 19).


Bìa Việt sử diễn nghĩa

Ngoài bộ Việt sử diễn nghĩa, trong lần xuất bản này còn in kèm Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca (xem như phần rút gọn, gồm 808 câu thơ 4 chữ), do hai anh em Hồng Thiết - Hồng Nhung biên soạn sau đó.

Tuy được viết với tâm thế của triều Nguyễn nhưng Việt sử diễn nghĩa không mất đi tính khách quan của lịch sử, đây là điều rất đáng chú ý. Sách cũng diễn tả được những nguyên nhân, mâu thuẫn, rối ren, sự bất lực giữa các tập đoàn phong kiến với nhau; giữa các tập đoàn phong kiến với nhân dân; những bộc phát, khởi nghĩa của người dân.

Ví dụ: “… Đăng Dung di giá Bảo Châu/ Trong ngoài quyền bính tóm thâu một mình”. “… Trịnh Tráng lòng đã chẳng ngay/ Cơ mưu trí thuật cũng tay gian hùng”.

Nhìn chung Việt sử diễn nghĩa có cách tạo ý và gieo vần gần gũi, rất dễ nhớ. Nếu chỉ cần sự hình dung về tinh thần chung của lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến hết đầu thế kỷ 19, đọc qua vài lần sách này là nắm được. Quả là, sử có gì mà đáng sợ.

Độc giả có thể đọc vài trích đoạn trong Việt sử diễn nghĩa:
“… Quân ta từ chốn Ninh Kiều/ Đến nơi Tốt Động phá nhào quân Minh/ Mã Kỳ, Phương Chính hồn kinh/ Vương Thông thương trọng vào thành Đông Quan/ Quân ta xung đột phá tan/ Chém đầu Hiệp, Lượng Minh quan hai người/ Minh bèn thua chạy rã rời/ Quan quân thừa thắng đến nơi vây thành”.

"Nguyên nhân chẳng biết nhu hoài/
Lao binh nhọc võ để cười ngàn thu/ Nên xui tướng soái đều thua/ Mã Nhi bị bắt, Toa Đô mất đầu”.

Một trích đoạn trong Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca: “Đánh cùng quân Tàu; Phá Tàu tan hoang/ Quân Tàu thua chạy/ Lui về Nam quan/ Nguyễn Huệ khiến sứ/ Qua Tàu tạ tội/ Xin cho chức quyền/ Giữ gìn bờ cõi”.
NHƯ HÀ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm