Bangkok sẽ ngập hoàn toàn?

27/10/2011 08:00 GMT+7 | Trong nước

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 26-10 tuyên bố khả năng trung tâm Bangkok bị ngập hoàn toàn là 50/50. Một tuyên bố hạ thấp hơn so với hôm qua, khi nước ngọt đã bắt đầu thiếu hụt ở thủ đô Bangkok.



Một người dân sống ở gần sông Chao Phraya, Bangkok bất lực nhìn nước lũ tràn vào nhà mình - Ảnh: AFP

Đô thị 12 triệu dân này từ nhiều ngày qua đã được yêu cầu phải chuẩn bị đối mặt với lượng nước khổng lồ tràn về từ phía bắc, nhưng đang bị chìm ngập trong những tuyên bố trái ngược nhau của chính quyền.

Bà Yingluck lo ngại các con đê không thể chống đỡ nổi lượng nước khổng lồ vốn đã nhấn chìm khu vực phía bắc của nước này từ nhiều tuần qua. “Nhưng giờ tôi tin 50% là Bangkok với đê bao dày đặc bao quanh sẽ không thể bị chìm ngập hoàn toàn” - bà Yingluck tuyên bố và cho biết vào ngày hôm qua khả năng này là rất cao.

Trung tâm phối hợp cứu trợ (Froc) hôm 25-10 cũng dự báo “tình huống khủng hoảng” khi cho rằng một lượng nước khổng lồ cùng với triều cường dâng cao sẽ tràn về Bangkok.

Đóng cửa sân bay

Nhiều khách du lịch VN vẫn kẹt tại Bangkok

Các công ty du lịch cho biết đã tạm ngưng các tour du lịch Thái Lan do tình hình lũ lụt ở Bangkok và các tỉnh lân cận. Ông Lâm Tứ Khôi, phó phòng du lịch nước ngoài, Công ty lữ hành Saigontourist, cho biết hiện có 21 khách đang kẹt tại Bangkok, dự kiến sáng nay 27-10 sẽ bay thẳng về TP.HCM.

Saigontourist đã ngưng tour sang Thái Lan từ ngày 25-10. Một số công ty du lịch khác đã không nhận đưa khách sang Thái Lan từ ngày 23-10.

Công ty du lịch Vietravel cho biết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, công ty ngưng các tour sang Thái Lan từ ngày 26-10.

Theo các công ty du lịch, tình hình ở Bangkok vẫn bình thường. Sở dĩ họ không đưa khách sang Thái Lan vì xe chở khách không vào được những điểm tham quan bắt buộc trên đường từ Pattaya đến Bangkok như xưởng làm đồ da, trại rắn, trung tâm kim hoàn...

Trong khi đó ở phía bắc, sân bay lớn thứ hai của Bangkok là Don Muang phải đóng cửa, dừng các hoạt động vận chuyển hàng không cho tới ít nhất ngày 1-11 do nước tràn vào đường băng. Don Muang hiện là trung tâm tạm trú cho khoảng 4.000 nạn nhân bị ảnh hưởng của lụt lội. “Với lượng nước khổng lồ từ phía bắc tràn về, tôi không nghĩ bao cát và rào chắn có thể cứu được Don Muang” - Kajit Habanananda, chủ tịch Hãng Orient Thai, nói với tờ Bangkok Post.

Sân bay Suvarnabhumi có nguy cơ rơi vào tình trạng tương tự và cả Bangkok sẽ thành một hồ bơi khổng lồ. Cư dân ở 13 quận dọc sông Chao Phraya đang sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất. Thủ tướng Yingluck không chắc chắn sẽ bảo vệ được nội ô Bangkok, nhưng việc sơ tán toàn bộ 10 triệu dân Bangkok sẽ không thể thực hiện được.

Bà Yingluck cho rằng “kịch bản tồi tệ nhất” là thủ đô bị nhấn chìm dưới hơn 1m nước ở nhiều nơi trong hai tuần đến một tháng.

Thế nhưng trước khi cuộc khủng hoảng này xảy đến cho nội ô Bangkok, các siêu thị đã khan hiếm các loại hàng nhu yếu.

“Khan hiếm cấp bách nhất là nước ngọt” - Thủ tướng Yingluck nói và đề nghị người dân thủ đô uống nước máy đun sôi. Thái Lan đã bắt đầu áp dụng việc bán hàng theo tiêu chuẩn từ ngày 26-10 do lụt có thể kéo dài cả tháng. Mỗi người chỉ được mua một túi gạo hay một hộp trứng, giấy vệ sinh cũng hạn chế và nước đóng chai đã hết.

Theo Cơ quan phòng chống thảm họa Thái Lan, số người thiệt mạng vì lụt tại Thái Lan đã tăng lên 373 người, 2 người đang mất tích. Đã hai tháng kể từ khi lụt lội tấn công xứ chùa vàng, đến nay vẫn còn 162 quận tại 26 tỉnh bị ngập, ảnh hưởng tới 2,5 triệu người.

Tình trạng khẩn cấp?

Thủ lĩnh Đảng Dân chủ đối lập Abhisit cùng các tướng lĩnh quân đội nước này đang thúc giục bà Yingluck tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cho rằng như vậy sẽ cho phép quân đội có thêm quyền hành hơn trong việc xử lý các vụ phá hoại đê bao chống lụt. Tình trạng khẩn cấp quốc gia đã được tuyên bố năm 2010 trong thời điểm chính phủ của ông Abhisit đàn áp mạnh tay những người biểu tình chống chính phủ.

Tuy nhiên, bà Yingluck cho rằng việc tuyên bố như vậy không làm tình hình xử lý lụt khá hơn. Thay vào đó, bà viện dẫn Luật chống thảm họa năm 2007 để giúp chính phủ có quyền hành nhiều hơn trong kiểm soát lũ lụt và tiêu xả nước. Trên thực tế, chính quyền trung ương hiện gặp khó khăn khi quân đội và thị trưởng Bangkok cứ hoạt động một cách độc lập.

“Chỉ nên nghe lệnh của tôi. Tôi sẽ báo cho các bạn biết lúc nào sơ tán”, thị trưởng Sukhumband Paribatra, một trong những nhân vật trụ cột của phe đối lập, không hề do dự khi tuyên bố. Mặt khác, lệnh của chính phủ cũng không được chấp hành nghiêm.

“Tôi đã ra lệnh cho mở hết các cống xả của Bangkok. Người ta nói lại với tôi rằng điều này đã được thi hành nhưng sự thật lại không phải như thế”, bà Yingluck dẫn chứng để cho thấy khó khăn của chính phủ trong việc kiểm soát chung tình hình lũ lụt.

Trên tờ The Nation, nhà phân tích chính trị Pavin Chachavalpongpun nhận định bà Yingluck có thể bị “chết đuối” trong đợt lũ lụt chính trị hiện nay. “Đây không còn là vấn đề thảm họa thiên nhiên, mà là một trò chính trị”.

Theo ông, nước lũ đang làm tăng cuộc so kè gây rạn nứt giữa chính phủ và những lực lượng đối lập, thậm chí đã có một số lời kêu gọi thủ tướng từ chức hay đảo chính. “Nó cho thấy một sự thật là một xã hội đang bị xé nhỏ, với các tư tưởng chính trị đã lấn át cả trách nhiệm đối với cộng đồng và tình huống khẩn cấp cho sự tồn vong của quốc gia” - ông Pavin Chachavalpongpun kết luận.

Báo Le Figaro (Pháp) viết: ở một đất nước từng xảy ra 18 cuộc đảo chính, trong đó có chục lần thất bại, trong 60 năm qua, việc quân đội trở lại chính trường là một giả thuyết có cơ sở. Các đài truyền thanh cộng đồng của những người “áo đỏ” đã nhận thấy hơi hướng này khi lên tiếng tố cáo “một âm mưu của tầng lớp ưu tú” và “một cuộc trả thù bẩn thỉu đối với cuộc bầu cử” vừa qua.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm