AFF Suzuki Cup 2010: Ai đi tôn nền cho vùng trũng

04/12/2010 19:16 GMT+7 | AFF Suzuki Cup 2010

(TT&VH cuối tuần) - Cách phản ứng bên rìa sân cỏ của Bryan Robson thực sự là một bi kịch trước cách chơi và kết quả các học trò ở đội tuyển Thái Lan trong trận hòa 2-2 với Lào. Và có thể, nó chỉ là một phần trong cả một bi kịch không chừa một nước nào của bóng đá Đông Nam Á.

Từ đội trưởng Man.Utd Bryan Robson

Trong cuộc đời cầu thủ lẫy lừng và khi mới dấn thân vào nghiệp cầm quân thì Bryan Robson chắc chưa từng nghĩ là mình sẽ tới mảnh đất Đông Nam Á hành nghề, để rồi bị Lào - một nền bóng đá hiện đứng thứ 171 thế giới tra tấn.

Có thể nhiều người đã biết, nhưng cũng có những người chưa biết, rằng Bryan Robson từng là tiền vệ trứ danh của bóng đá Anh, với hơn 90 lần ra sân và ghi 26 bàn thắng cho đội tuyển, bên cạnh việc đây còn là người đội trưởng có thời gian dài nhất chơi cho Manchester Utd.


Bryan Robson đến Đông Nam Á với nhiệm vụ đưa Thái Lan tiến tới những cột mốc lịch sử của bóng đá nước này, nhưng giờ thì ông đã có được tên trong lịch sử với việc Thái Lan lần đầu tiên trong suốt 35 qua mới chịu mất điểm trước Lào trong các trận đấu chính thức.


Thần tượng một thời của thể thao Anh quốc suýt chút nữa đã làm cho Thái Lan bị “tăng-xông”. Nếu đồng bào của Bryan Robson, những người từng ái mộ ông trước kia có may mắn biết kết quả, họ chắc không thể không sốc.


Bryan Robson không phải là trường hợp đầu tiên. Đã có những cựu ngôi sao của bóng đá châu Âu khi không thể tỏa sáng nữa, tìm tới Đông Nam Á kể cả việc đó đồng nghĩa với khả năng chết đuối trong cái ao làng.

Tới chiếc giày Đồng châu Âu Alfred Riedl


Alfred Riedl là một trong những HLV ngoại đầu tiên của bóng đá Đông Nam Á thời gian gần đây, và chắc người hâm mộ cũng vẫn chưa quên trong bản lý lịch trích ngang, ông từng có lúc đoạt danh hiệu Chiếc giày Đồng châu Âu khi còn là cầu thủ.


Đội bóng của Alfred Riedl, Indonesia, đã tưng bừng đánh bại Malaysia 5-1 trong trận còn lại của bảng A. Một chiến thắng cũng có thể được coi là sốc nếu biết rằng Malaysia nằm trong nhóm các đội có khả năng tranh chấp ngôi vô địch.


Trong cơn mưa bàn thắng ấy, cú dứt điểm tinh tế của tiền đạo Christiano Gonzalez vừa nghệ thuật lại vừa mang tính bản lề mở ra cuộc lội ngược dòng đáng nhớ cho chủ nhà.


Gonzalez là tiền vệ người Uruguay nhập quốc tịch Indonesia mới đây. Nhưng vai trò và tầm ảnh hưởng của Gonzalez tới mức ông Alfred Riedl thản nhiên loại Boaz Salossa và công thần Bambang Pamungkas.


Nhưng Gonzalez là một lão tướng, đã 35 tuổi, hoàn toàn vô danh với bóng đá Uruguay chứ không phải là hàng hiệu đã từng khoác áo tuyển trẻ nào hay bất đắc chí mới bỏ xứ ra đi. Điều thú vị là Indonesia vừa mới chạm trán với Uruguay trong một trận giao hữu và đội bóng quê hương của Gonzalez đá thong dong cũng thắng 7-1.


Và điều cần phải nói thứ hai khi Alfred Riedl chạy ra sân ăn mừng cùng cầu thủ Indonesia, chợt nhận ra là ông đã có tới ngót nghét chục năm quẩn quanh với bóng đá Đông Nam Á! Đã từng có rất nhiều tin đồn, nhưng sự thực là Alfred Riedl chỉ xoay theo trình tự đến Đông Nam Á - bị sa thải - về Áo nghỉ và chờ một nước Đông Nam Á nào đó lại mời.


Alfred Riedl cũng chỉ là một trong số những HLV ngoại “ăn bám” với bóng đá Đông Nam Á. David Booth, người Anh, đến Brunei năm 1996, và chỉ có chừng 3 năm sang Nam Á hành nghề, chục năm còn lại lang bạt khắp các nước trong khu vực (dĩ nhiên có cả Việt Nam, từng dẫn dắt Khánh Hòa năm 2005).


Không ai tôn nền cho vùng trũng Đông Nam Á


Đông Nam Á là một trong số rất ít những khu vực trên thế giới không có nổi một đại diện nằm trong tốp 100 trên bảng xếp hạng của FIFA. Có lẽ, nó chỉ khá hơn khu vực Nam Á, nơi mà ngọn cờ đầu là Ấn Độ còn xếp sau cả Việt Nam với vị thứ 142 so với 139.


Làn sóng HLV ngoại vẫn chưa thể giúp bóng đá khu vực này ngóc nổi đầu lên. Làn sóng nhập quốc tịch cho các cầu thủ châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ có lẽ cũng không giải quyết được vấn đề đó một khi chúng ta đang thấy có quá nhiều cầu thủ đáng ra chỉ còn xuất hiện ở giải lão tướng như Gonzalez 35 tuổi hay Alexander Duric đã 40 tuổi.



Nếu còn ở quê hương Serbia, Duric có lẽ chỉ còn đá giải lão tướng ở quận, chứ không được săn đón như một ngôi sao

Thành ra, FIFA không xếp giải đấu này vào trong hệ thống lịch thi đấu chính thống, thế giới chỉ coi AFF Suzuki Cup là một giải giao hữu, và Suree Sukha khi từ Australia trở về khoác áo ĐT Thái Lan, người Thái đã phải “giải trình” suốt cả tháng qua.

Và cũng may là AFF Suzuki Cup đã sàng lọc nên không còn những đội bóng như Brunei, Timor Leste và cả Campuchia. Còn không, nó đã có thể quy tụ được cả những đội bóng nằm trong tốp 10 tính từ dưới lên bởi vị trí của Brunei và Timor Leste lần lượt là 197 và 201/trên 203 nước.


Nhưng thật kinh ngạc khi biết rằng AFF Suzuki Cup là giải vô địch khu vực hiếm hoi trên thế giới chỉ có 8 đội tham gia VCK mà giải đấu kéo dài tới 1 tháng, đúng bằng World Cup!


Và kinh ngạc hơn là khu vực này đã đạt tới đẳng cấp thế giới về tiền lương trả cho các cầu thủ và HLV khi 2 người nhận lương cao nhất khu vực là Bryan Robson được trả hơn 1 triệu USD/năm còn Calisto là 240.000 USD/năm.


Nhưng, cứ nhìn vào những diễn biến đang xảy ra, có lẽ đó sẽ chưa phải là lương trần!


Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm