Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, lòng yêu nước sẽ được nhân lên thành sức mạnh'

20/05/2014 13:34 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Lòng yêu nước của người dân Việt Nam trước vận nước là chủ đề chính của cuộc trò chuyện với nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay và anh Lê Quang Tự Do - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung buổi trò chuyện này.

Ông Đinh Quang Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa (bìa phải) trò chuyện với Nhà sử học Dương Trung Quốc và anh Lê Quang Tự Do trước khi buổi tọa đàm bắt đầu

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Xin kính chào quý bạn đọc Thể thao & Văn hóa. Thưa quý vị, thời gian qua, người dân Việt Nam ở khắp trong và ngoài nước đã xuống đường tuần hành để phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên Biển Đông.

Đó là cách thể hiện lòng yêu nước chính đáng và tự nhiên của mỗi người dân trước vận nước.

Nhưng làm thế nào để mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước đúng mực, để phát huy sức mạnh của lòng yêu nước và thu hút được sự ủng hộ của  quốc tế đối với sự nghiệp chính nghiệp chính nghĩa của chúng ta ?

Buổi tọa đàm ngày hôm nay cùng hai vị khách mời, chúng tôi hy vọng sẽ đem đến cho quý vị những góc nhìn sâu hơn về vấn đề này...

THẾ NÀO LÀ YÊU NƯỚC VÀ YÊU NƯỚC PHẢI THẾ NÀO?

  Nhà báo Phạm Huy Thông: Thưa hai vị khách mời. Trong xã hội, trên các diễn đàn, các trang cá nhân, mọi người đang cùng nhau tranh luận xoay quanh một câu hỏi: Thế nào là lòng yêu nước chân chính? Nếu hai vị được hỏi câu hỏi này thì hai vị sẽ trả lời thế nào?

 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ không có khái niệm về lòng yêu nước chân chính. Lòng yêu nước tự thân nó là một tình cảm tốt đẹp của con người đối với quê hương, xứ sở, với con người, với thời đại và kể cả là với chế độ!

Lòng yêu nước ấy ai cũng có và không chỉ dân tộc ta mới có. Quan trọng là lòng yêu nước ấy chỉ có tác động tích cực khi nó tác động từ tình cảm lên thành trách nhiệm...

Theo tôi chỉ có khai niệm lòng yêu nước đúng đắn, nó phù hợp với lợi ích chung. Còn nếu đã có lòng yêu nước chân chính thì sẽ có lòng yêu nước không chân chính, mà không chân chính thì không thể gọi là lòng yêu nước được.

Nhìn như thế để ta trân trọng tình cảm của mỗi người, làm sao để tình cảm ấy được TỤ TÂM lại vào những mục tiêu đúng đắn, góp phần vào sự phát triển của đất nước, góp phần vào sức mạnh của dân tộc và góp phần vào những giá trị, những lẽ phải của thời đại. Như vậy thì tự nhiên lòng yêu nước của mọi người được nhân lên thành sức mạnh và đó là lòng yêu nước đúng đắn, được thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh nhất định của lịch sử.

Và, nghĩ như thế thì chúng ta sẽ lý giải được những gì đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong ngày hôm nay để chúng ta tỉnh táo và nhận thức được.

Trong quá khứ sở dĩ chúng ta thành công là khi chúng ta huy động được lòng yêu nước về một hướng và đạt được mục tiêu đúng đắn mà chúng ta gọi là chính nghĩa...

 Anh Lê Quang Tự Do: Tôi đồng tình với quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc. Tôi chỉ xin nói thêm, yêu nước là như nhau, nhưng cách thể hiện thì khác nhau.

Cách thể hiện lòng yêu nước có lợi cho đất nước nhất, giúp ích cho đất nước nhất thì đó chính là lòng yêu nước đúng đắn nhất.

Cách thể hiện yêu nước đúng đắn nhất nó phải nằm trong tổng thể bối cảnh, tình hình hiện tại của đất nước và phải theo sự lãnh đạo chung, làm sao để tất cả tiếng nói, hành động phối kết hợp lại với nhau tạo thành một sức mạnh tổng lực thì mới đóng góp tích cực nhất cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Vì vậy, đã yêu nước thì không có chỗ cho cái không chân chính.

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Vâng. Như vậy, “khái niệm” về lòng yêu nước chúng ta đã thảo luận xong. Bây giờ, tôi xin được chuyển sang chủ đề khác...

LÒNG YÊU NƯỚC XƯA VÀ NAY

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Tôi thấy, lòng yêu nước của của người Việt Nam từ xưa luôn thể hiện rõ tư tưởng nhân văn sâu sắc, có thể đúc kết bằng 2 câu của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Theo hai vị, tư tưởng đó trong thời nay có giá trị như thế nào?

  Nhà sử học Dương Trung Quốc: Mọi con người đều sống trong hoàn cảnh xã hội của một thời kỳ lịch sử khác nhau. Tùy theo hoàn cảnh lịch sử ấy, chúng ta sẽ thấy lòng yêu nước bộc lộ như thế nào.

Chúng ta đều hiểu dân tộc chúng ta là dân tộc đã trải qua rất nhiều thử thách để tồn tại và phát triển. Cho nên điều mà chủ tịch Hồ Chí Minh từng tổng kết cũng đã phản ánh phần nào cái hoàn cảnh và cũng là cái bản sắc dân tộc của chúng ta. Đó là: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Cũng có nghĩa là dân tộc đứng trước rất nhiều thử thách để bảo vệ cái giá trị cao quý ấy.

Điều mà anh nhắc đến thực ra nó phản ánh những dấu ấn của những sự nghiệp bảo vệ đất nước trước những mối họa xâm lăng. Khi thử thách trở nên quyết liệt, lòng yêu nước bộc lộ một cách rõ ràng, tạo ra cho chúng ta một bản lĩnh, một truyền thống mà chúng ta có thể hiểu được rằng; mỗi khi đất nước đứng trước những thử thách lớn thì những gì tốt đẹp của truyền thống lại được phát huy.

Tôi cũng muốn nhắc lại rằng bên cạnh truyền thống chống giặc ngoại xâm thì chúng ta đừng quên là chiến tranh trong lịch sử rất ngắn ngủi, thời hòa bình cũng rất nhiều. Ngay việc chúng ta giữ được hòa hiếu với thiên hạ, giữ được chủ quyền của đất nước, sự phát triển của đất nước, giữ vững được khối đại đoàn kết toàn dân thì tôi cho rằng cũng vô cùng giá trị. Mà cái đó đòi hỏi chúng ta phải biết tiếp thu, tôi luyện và ứng biến nó trong từng hoàn cảnh cụ thể...

 Anh Lê Quang Tự Do: Tôi nghĩ câu Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo của cụ Nguyễn Trãi trong quá khứ đã chứng minh rất đúng, bây giờ cũng rất đúng và tôi cho rằng sau này cũng vẫn đúng.

Bởi lẽ, với đặc điểm của nước ta vốn dĩ không phải là cường quốc về diện tích cũng không phải một thế lực về kinh tế và quân sự, nhưng chúng ta có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ văn hóa của dân tộc bao đời nay thì chỉ có cách là đem cái tính chính nghĩa của chúng ta để vận động nhân dân chúng ta và nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ.

Gần đây, khi chủ quyền đất nước bị đe dọa, tính chính nghĩa của chúng ta khi được đề cao đã nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và cả của bạn bè thế giới.

Nếu chúng ta có những hành động không chính nghĩa thì sẽ không ai ủng hộ chúng ta, cũng như không có sự hỗ trợ về mặt tinh thần lẫn vật chất cho chúng ta.

Vì vậy vào lúc này, chúng ta cần phải tích cực tuyên truyền về cái tính chính nghĩa đó đến với đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài nước, từ đó góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc.

  Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi xin nói thêm là câu nói của cụ Nguyễn Trãi diễn ra trong bối cảnh thế giới chưa hội nhập. Chủ yếu nước ta quan hệ với các đế chế phương Bắc mà thôi.

Chính nghĩa thắng hung tàn không chỉ là khẳng định mục tiêu chiến đấu của chúng ta, trong đó có cả sự hy sinh của người dân Việt trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự chủ quốc gia mà nó còn có tác dụng thuyết phục ngay cả đối phương.

Khi Lê Lợi đưa quân xuống để vây thành Thăng Long đang bị quân Minh chiếm đóng, ngài đã dùng chiến lược “tâm công”, tức là đánh vào lòng người bằng tất cả giá trị của chính nghĩa của dân tộc Việt đã và đang làm và đánh vào lòng người bằng chính những giá trị tốt đẹp của nền văn minh Trung Hoa.

Tất cả những gì đi ngược với những giá trị ấy đều là phi nghĩa cả. Và vì thế khi kết thúc, chúng ta không chỉ đạt được mục tiêu giải phóng đất nước mà còn giữ được hòa hiếu với họ trong hơn 3 thế kỷ rưỡi nếu tính từ thời nhà Lê.

Đấy chính là sự khôn ngoan của ông cha chúng ta mà chỉ bằng một trận “tâm công” đã giữ được sự yên bình cho dân tộc và tạo ra được môi trường để phát triển.

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Nhưng giờ đây thời đại đã thay đổi rồi, thưa nhà sử học?


 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Thay đổi rồi, nhưng cái tư tưởng “đem đại nghĩa thắng hung tàn” nó còn có tác dụng rất lớn là nó đã thuyết phục được cả thế giới.

Chúng ta đã trải nghiệm qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta thấy mặt trận nhân dân thế giới, kể cả nhân dân các quốc gia tham chiến với đất nước mình nó có vai trò như thế nào?!

Vì thế ngày nay, trong xu thế hội nhập thì vấn đề Biển Đông tôi muốn nói nó không riêng gì là vấn đề của Việt Nam. Chúng ta cần phải thấy đó chính là ưu thế của chúng ta và nếu chúng ta biết phát huy nó thì sẽ phát huy được sức mạnh. Sức mạnh ấy sẽ giúp chúng ta không những giữ gìn được cái quyền lợi của dân tộc mình theo đúng quy định của pháp luật quốc tế mà chúng ta còn đóng góp cho cả công cuộc đấu tranh để bảo vệ môi trường hòa bình, phát triển của khu vực.

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Vì thế mà những giá trị truyền thống được phát huy, thưa ông?


 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đúng thế. Thậm chí phát huy ở một tầm mức cao hơn trước rất nhiều. vì vậy chúng ta phải quan tâm hết sức đến cái yếu tố đó chứ không thuần túy chỉ là sức mạnh về vật chất, vũ khí.

Mục đích ấy sẽ giúp chúng ta tự tin, để chúng ta vượt qua mọi khó khăn và trên thực tế đó  là câu chuyện của lịch sử mà chúng ta đã trải nghiệm rồi.

LÒNG YÊU NƯỚC TRƯỚC “THÙ TRONG GIẶC NGOÀI”

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Vừa qua, thật đáng buồn là ở trong nước có những kẻ xấu lợi dụng phòng trào yêu nước của người dân để lôi kéo, kích động, gây ra những hành động quá khích như cướp bóc, đập phá, gây thiệt hại về kinh tế, đi ngược lại ý thức bảo vệ Tổ quốc. Quý vị nghĩ gì về hiện tượng đó?

 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nhìn chung là rất tiếc, đáng ra không nên có, nhất là khi chúng ta đang phục vụ cho một mục đích hết sức là minh bạch, hết sức là chính nghĩa.

Nhưng phân tích về cái đó tôi cho rằng phải hết sức thận trọng. Mặc dù chúng ta phải giải quyết nhưng đừng nên ngộ nhận mà phải phân tích nhiều chiều khác nhau. Bởi có một thực tiễn là người dân chưa có cơ hội, chưa có trải nghiệm và kể cả các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ pháp luật cũng chưa có cơ sở để điều phối những hoạt động với một mục tiêu đúng đắn, không vượt ra khỏi của luật pháp cho phép.

Tôi cho rằng hiện tượng trên là có yếu tố của sự tự phát. Thứ hai là trong những sự kiện ấy rất dễ chứa đựng những yếu tố nằm ngoài mục đích tốt đẹp, thay vào đó là bộc lộ bức xúc xã hội của họ. Bên cạnh đó tôi cũng nghĩ có cả yếu tố của những kẻ xấu, những phần tử bất hảo, kích động.

Cái đó, đương nhiên xã hội nào cũng cần phải quan tâm đến. Nhưng chúng ta cần phải bình tĩnh, phân tích đầy đủ và đồng thời từng bước tạo ra được hành lang pháp lý, tạo ra được tập quán để người dân có cơ hội biểu thị cái ý nguyện của mình mà ở trong đó có cả ý chí, tinh thần yêu nước của mình thì dần dần chúng ta sẽ tạo ra được những cuộc đấu tranh không chỉ trước mối an nguy của đất nước mà còn đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng.... vân vân. Và cái đó nó sẽ góp phần cho sự phát triển của đất nước chúng ta nó bền vững và đúng hướng...

 Anh Lê Quang Tự Do: Tôi thấy những biểu hiện quá khích của người dân ở Hà Tĩnh và Bình Dương vừa qua đáng phải phê phán, trong đó, hầu hết là những người ở độ tuổi thanh niên.

Biểu thị lòng yêu nước là chính đáng, tự nhiên, cần thiết và cũng là nhu cầu của người dân trước vận nước. Nhưng lợi dụng cái biểu thị lòng yêu nước của người dân để một số kẻ xấu kích động, gây ra những bạo động, cướp của thậm chí là xâm hại thân thể người khác thì đó không thể gọi là yêu nước, vì mục đích tốt đẹp cho đất nước.


Những thanh niên, những người lao động muốn biểu thị lòng yêu nước của mình thì Đoàn và các cơ quan chức năng khác cũng cần phải nhìn lại để thấy được rằng công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho họ là chưa tốt. Với tư cách là người đang công tác trong TƯ Đoàn, tôi cho rằng cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Cái thuyết phục, vận động, tạo ra môi trường để những người trẻ, đặc biệt là những thanh niên, công nhân là những đối tượng còn ít tiếp xúc với báo chí, ít có thời gian xem TV và internet nên thường dồn nén những bức xúc xã hội mà nếu chỉ cần một “mồi lửa kích động” họ dễ trở nên quá khích.

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật đối với những người có hành vi quá khích, cực đoan là đúng. Còn trách nhiệm của chúng ta?

 Anh Lê Quang Tự Do: Tôi cho rằng chúng ta cần phải nhìn thấu đáo những nguyên nhân mà trong các nguyên nhân có cả nguyên nhân từ chính chúng ta nữa. Để qua đó chúng ta có cách  tuyên truyền, cung cấp thông tin để những người thuộc nhóm đối tượng kiểu như ở Hà Tĩnh, Bình Dương có được môi trường, cơ hội để bày tỏ lòng yêu nước thì tôi tin rằng sẽ không bao giờ xảy ra những hành động quá khích.

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Còn nhóm đối tượng xấu núp bóng người yêu nước để kích động quần chúng nhân dân thì sao?

Nhóm kẻ xấu chỉ là số ít và đơn độc. Tôi tin khi những người yêu nước đúng cách nhận rõ được bộ mặt thật của chúng, họ sẽ không dễ bị lợi dụng, bị kích động nữa...

Chúng tôi đã rút kinh nghiêm và đang làm tốt công việc này...

 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Những gì vừa xảy là điều đáng tiếc nhưng nó rất bổ ích vì đây còn là một cuộc đấu tranh lâu dài.

Chúng tôi rất mong rằng ở đây, chúng ta thống nhất với nhau, trân trọng lòng yêu nước của mỗi người dân trước vận nước, nhưng nếu một dân tộc mà không có kỷ luật thì không thể chiến thắng được. Tôi không nói đến trong chiến tranh mà ngay  cả trong quá trình xây dựng đất nước cũng vậy thôi.

KHI LÒNG YÊU NƯỚC BỊ THỬ THÁCH

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Nói như vậy thì phải chăng lòng yêu nước giữa thời bình thậm chí còn bị thử thách nhiều hơn? Vậy theo quý vị, mỗi người dân cần phải làm gì để vượt qua thử thách đó?

 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đúng. Trong thời bình, để phát huy sức mạnh lòng yêu nước là không hề đơn giản. Bởi lẽ, con người nào theo tôi cũng  tư duy và hành xử theo lợi ích. Vì vậy, cần giải quyết được giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng và cao hơn hết là lợi ích của tổ quốc. Nó là một bài toán mà chúng ta phải đặt ra, từ đó phải tạo ra một ý thức xã hội. Khi kẻ thù đến, sự sống còn của đất nước nó cũng là sự sống còn của người dân thì tất cả cùng đồng thuận là điều dễ hiểu.

Tôi cho rằng chữ “ĐOÀN KẾT” đưa ra thì ai cũng hiểu đó là sự sống còn của Tổ quốc nhưng làm thế nào để đoàn kết thì là cả một nghệ thuật về lãnh đạo, dân vận. Trong nghệ thuật ấy, vai  trò của người lãnh đạo vô cùng quan trọng, cần phải sáng suốt và gương mẫu.

Tóm lại chúng ta nhân đây phải nhìn lại tất cả những yếu tố đó để chúng ta vượt qua những khó khăn ngày hôm nay khi mà xã hội đang phát triển, đứng trước rất nhiều thay đổi và lợi ích của con người bị xáo động khôn cùng.

TỤ TÂM cho được là cả một nghệ thuật, trách nhiệm và là cả một mối quan hệ quyết định giữa người lãnh đạo và nhân dân của mình. Đây là câu chuyện hết sức sâu sắc, nhất là đứng trước thử thách mà chúng ta đang đương đầu...

 Anh Lê Quang Tự Do: Chúng tôi đã có một nghiên cứu về đặc điểm của thanh niên hiện nay và chúng tôi thấy họ rất yêu nước, vẫn tiếp kế thừa truyền thống cha ông. Nhưng họ không có được môi trường, điều kiện để bộc lộ nên họ rơi vào tâm lý nếu mình chỉ là anh hùng bàn phím, chỉ nói bằng lời thôi thì không xứng với cha ông. Đó cũng chính là thử thách về lòng yêu nước của thanh niên trong thời đại mới.

Nếu thanh niên thời nay muốn chứng minh được lòng yêu nước của mình theo như chúng ta hay kêu gọi: Học tập tốt, lao động tốt thì tôi cho rằng dễ để họ đạt được. Nhưng khi vận nước bị đe dọa từ thế lực thù địch bên ngoài mà chúng ta vẫn kêu gọi họ học tập tốt, lao động tốt không thôi thì họ vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa xứng với tiền nhân.

MÔI TRƯỜNG SỐNG CHO LÒNG YÊU NƯỚC

  Nhà báo Phạm Huy Thông: Ý của anh là chúng ta cần phải tạo môi trường cho mọi người thể hiện lòng yêu nước?


  Anh Lê Quang Tự Do: Đúng vậy. Để tránh những hành động quá khích, mất kiểm soát, chúng ta cần phải tạo ra những việc làm, những hành động trong sự kiểm soát và định hướng chung phù hợp với đặc điểm tâm lý của người thanh niên chứ không chỉ hô hào hay nói suông được.

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Vậy Đoàn TNCS HCM các cấp đã, đang và sẽ có những hoạt động gì để giúp người dân thể hiện lòng yêu nước đúng mực, nhất là đối với người trẻ tuổi, thưa anh?

 Anh Lê Quang Tự Do: Thời gian qua ở tất cả các tỉnh thành Đoàn đã tổ chức rất nhiều hoạt động để thanh niên có cơ hội bày tỏ lòng yêu nước trước vận nước.

Ở trong các trường Đại học, các nhà văn hóa đã diễn ra những cuộc mít tinh, diễn đàn để thanh niên được nói lên tiếng nói của mình về đất nước.

Trung ương Đoàn vừa qua đã tổ chức Ngày hội sinh viên với biển, đảo tổ quốc tại Phú Quốc với sự tham gia của hơn 900 sinh viên, trong đó, các bạn đã tổ chức nhiều diễn đàn để bày tỏ lòng yêu nước của mình trước vấn đề Biển Đông.

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Vâng. Đó là hoạt động đã được chuẩn bị chu đáo, còn với sự việc không thể lường trước như vừa xảy ra ở Hà Tĩnh và Bình Dương thì Trung ương Đoàn đã có phản ứng gì?

 Anh Lê Quang Tự Do: Sau khi những hiện tượng đáng tiếc xảy ra ở Hà Tĩnh và Bình Dương, Trung ương Đoàn cũng như các tỉnh, thành Đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng khác đã tổ chức kêu gọi mọi người dân thông qua trang cá nhân, mạng xã hội là không không tham gia biểu tình, kể cả là biểu tình ôn hòa để qua đó giúp Chính phủ lập lại trật tự.

Qua theo dõi tôi thấy lực lượng thanh niên là những người hăng hái nhất, xung kích nhất trong việc tuyên truyền những việc đó. Nhiều trang mạng kêu gọi người dân biểu tình thì rất đông thanh niên tự giác nhận thức được tình hình đã vào đó phân tích được đúng, sai và nên làm gì để giúp đất nước hơn là đi biểu tình.

Điều đó cho thấy khi chúng ta có được định hướng đúng, tạo điều kiện cho thanh niên thì các bạn thanh niên sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ tổ quốc ngày hôm nay...

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Đó là những hoạt động của Đoàn Thanh niên, còn về phía Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì sao thưa nhà sử học Dương Trung Quốc? Hội đã, đang và sẽ có những hoạt động gì để hướng dẫn cho người dân thể hiện lòng yêu nước một cách đúng mực?

 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Vâng. Ngay sau khi sự việc ở Biển Đông diễn ra thì Hội Khoa học Lịch sử của chúng tôi cũng đã lên tiếng sớm nhất thái độ của mình bằng đặc thù nghề nghiệp của mình (lịch sử).

Chúng tôi đã tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá những chứng cứ lịch sử về chủ quyền biển đảo Tổ quốc chúng ta.

Những sự kiện gần đây nhất và rất kịp thời đó là công bố bộ Atlat của Bỉ mà trong đó, tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây không hề vẽ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18.

Chúng tôi thấy đó là chức năng chính mà chúng tôi cần phải phát huy tiếp tục, làm cho mỗi người dân, nhất là các bạn trẻ thanh niên có thể nhận thức được cái sự nghiệp của chúng ta đang đấu tranh, đang đòi hỏi là có cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý để chúng ta vững tin vào tính chính đáng, chính nghĩa, lẽ phải thuộc về chúng ta.

THỰC TIỄN LÒNG YÊU NƯỚC TRƯỚC VẬN NƯỚC

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Còn thực tiễn xã hội, thưa nhà sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Na đã, đang và sẽ quan tâm như thế nào?

 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đối với thực tiễn xã hội, tôi phải nói rằng sử học chưa phát huy hết vai trò của mình trong vấn đề huy động được những giá trị của quá khứ đối với thế hiện nay mà trách nhiệm chính tôi nghĩ vẫn thuộc về người lớn.

Câu chuyện dạy sử và học sử chúng tôi đã bàn từ lâu rồi. Nhưng những gì xảy ra ngày hôm nay mà qua những gì anh Tự Do đã nói về lòng yêu nước của thanh niên đã phần nào khẳng định được rằng tự thân các bạn ấy đã chứa chất trong mình lòng yêu nước sâu sắc đối với đất nước. Vấn đề làm thế nào tập hợp phát huy được nó thì ở trong đó có vai trò của sử học mà chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình.

 Anh Lê Quang Tự Do: Tôi xin được nói thêm, Đoàn Thanh niên đã 15 năm nay đã có những hoạt động ý nghĩa hướng về Trường Sa - Hoàng Sa, về vấn đề chủ quyền của đất nước. Cụ thể là 15 năm qua chúng tôi vẫn duy trì hoạt động “Nghĩa tình với biên giới hải đảo” nhằm để các bạn trẻ hướng về những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của tổ quốc.

Vài năm trở lại đây, tình hình biển Đông có những căng thẳng, chúng tôi đã tổ chức chương trình “Hành trình về biển đảo quê hương” diễn ra hàng năm, đưa các bạn thanh niên tiêu biểu nhất, có những cống hiến tích cực cho đất nước, đạt được những giải thưởng cao ra Trường Sa để trải nghiệm, để cảm nhận, để tăng thêm lòng yêu nước để khi trở về, lan truyền tình cảm đó cũng như tự bản thân mình có những hành động đóng góp cho đất nước thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Gần đây nhất, chúng tôi đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện một clip mang tên: Hãy yêu nước đúng cách để gửi tặng cho các bạn thanh niên...

 Nhà báo Phạm Huy Thông: ... và hiệu quả của cách làm này như thế nào, thưa anh?

 Anh Lê Quang Tự Do: Khi chúng tôi tổ chức chiếu lưu động clip này đến bà con ở những nơi không có internet, những nơi còn khó khăn thì đã có rất nhiều người khóc và thậm chí có người đã cảm thấy có lỗi vì không được sát cánh cùng với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa, chưa làm được những việc mà chính họ mong muốn để xứng đáng với công lao của những người đã trước...

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình dành riêng cho biển đảo. Đó là “Ngày  hội thanh niên với biển đảo quê hương” ở tất cả các địa phương, các tỉnh thành. Trong ngày hội đó, chúng tôi sẽ trưng bày những bằng chứng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Đồng thời chúng tôi sẽ tổ chức những buổi triển lãm, những buổi chiếu phim về chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó là chương trình “Nghệ sĩ hướng về Biển Đông”, quy tụ những nghệ sĩ trẻ cùng hướng về Trường Sa - Hoàng Sa bằng đặc thù nghề nghiệp của mình. Chúng tôi hy vọng qua sự cộng hưởng của truyền thông sẽ lan tỏa được lòng yêu nước đúng cách, tinh thần dân tộc và nhận thức về vấn đề chủ quyền của tổ quốc trong người trẻ.

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Đó là cách thể hiện trách nhiệm của Đoàn Thanh niên đối với vấn đề chủ quyền của tổ quốc, còn trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể khác thì sao thưa nhà sử học Dương Trung Quốc?

 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng thực tiễn luôn tạo ra những bài học để cho chúng ta bám sát chính cái thực tiễn để giải quyết cho dù cuộc đấu tranh có phức tạp bao nhiêu cũng vậy thôi.

Cá nhân tôi là một người làm sử, nhìn vào thực tại tôi thấy có nhiều cái còn băn khoăn, nhưng nếu nhìn vào quá khứ của ông cha ta thì ta rất yên lòng.

Bởi vì những gì tốt đẹp của ông cha ta cộng với nhận thức của thế hệ chúng ta hiện nay, những người đang đương đầu với những thử thách mới, đặc biệt là các bạn trẻ thì tôi tin chúng ta sẽ vượt qua được tất cả những thử thách như ông cha ta đã vượt qua trong quá khứ.

YÊU NƯỚC THEO “CHUẨN” QUỐC TẾ

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Vậy lòng yêu nước trong thời đại mới có cần phải dựa trên các giá trị mang tính chuẩn mực quốc tế, thưa quý vị?

 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ thế giới hội nhập thì trách nhiệm của mỗi một quốc gia đối với thế giới ngày càng lớn.

Chính chúng ta đang làm những gì để thể hiện trách nhiệm của chúng ta. Bởi câu chuyện Biển Đông theo tôi không chỉ là chuyện riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc mà là câu chuyện chúng ta đang bảo vệ lẽ phải. Nó cũng giống như xa xưa thôi. Đó là lấy cái “chí nhân” thay cương bạo, lấy “đại nghĩa” thắng hung tàn.

Và lịch sử Việt Nam chứng minh hơn ai hết là dân tộc luôn mong hòa hiếu với thiên hạ để phát triển và dân tộc có trách nhiệm đóng góp vào cho nhân loại trên con đường phát triển của mình bằng chính trải nghiệm và xươ máu của dân tộc mình.

 Anh Lê Quang Tự Do: Tôi nghĩ rằng trong một thế giới phẳng và tiến trình toàn cầu hóa như hiện nay thì lòng yêu nước là giá trị chung mà toàn nhân loại chia sẻ với nhau. Khi thanh niên, du học sinh, kiều bào của chúng ta ở nước ngoài tổ chức những cuộc biểu tình để phản đối Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông đã có rất đông người dân nước sở tại đã ủng hộ chúng ta bằng cách xuống đường phản đối Trung Quốc. Họ thấy được sự chính nghĩa và tấm lòng yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam ta và tôi cho đó chính là tinh thần quốc tế.

Muốn giữ được tinh thần ấy, phát huy được tinh thần ấy, hơn bao giờ hết chúng ta phải duy trì và giữ được tính chính nghĩa đó mà tính chính nghĩa đó nó cũng nằm trong những giá trị được toàn cầu chia sẻ.

Đoàn Thanh niên đã luôn kêu gọi các bạn trẻ học tập, trau dồi thêm kỹ năng và tâm thế để hội nhập quốc tế. Thì đây cũng chính là lúc để thanh niên thể hiện kỹ năng đó, tâm thế đó. Kỹ năng là gì, là thể hiện lòng yêu nước một cách văn minh, đúng mực và không chỉ nói về lòng yêu nước với người Việt mà còn nói với bạn bè thế giới bằng nhiều thứ tiếng khác, để qua đó thế giới hiểu hơn về chúng ta. Còn tâm thế là, thanh niên Việt Nam luôn sẵn sàng sát cánh với thanh niên và nhân dân quốc tế bảo vệ những giá trị mà cả nhân loại đang chia sẻ...

 Nhà báo Phạm Huy Thông: Xin cảm ơn nhà sử học Dương Trung Quốc và anh Lê Quang Tự Do đã tham gia tọa đàm về chủ đề “Người Việt yêu nước Việt” của Thể thao & Văn hóa.

Thưa quý vị bạn đọc. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta .Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn."

Tôi nghĩ, mỗi người dân lúc này hãy tiếp tục cất cao tiếng nói yêu nước của mình một cách văn minh, đúng mực và như nhà sử học Dương Trung Quốc trong buổi tọa đàm đã nói, chúng ta có chính nghĩa, nhưng chúng ta hãy tụ tâm, đoàn kết, chắc chắn sẽ vượt qua được tất cả những thử thách hôm nay như ông cha ta đã vượt qua trong quá khứ.

Xin cảm ơn quý vị và hẹn gặp lại!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm