Tại hội nghị do Sở GTVT Hà Nội tổ chức xin ý kiến đánh giá về việc đổi giờ học, giờ làm sau 5 ngày thực hiện, hầu hết quan điểm của các đại biểu tham dự đều cho rằng: “Quá sớm để nói giảm ùn tắc là do tác động của đổi giờ”.
Xuất hiện điểm ùn tắc mới
Thượng tá Phạm Văn Thời, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho rằng, đổi giờ giao thông trên địa bàn đã có chuyển biển tích cực. Đề cập việc đổi giờ đảo lộn cuộc sống người dân, Thượng tá Thời cho hay, đây chỉ là “chuyện nhỏ”. Trước đánh giá thiếu tính khoa học của đại diện này hàng loạt ý kiến “phản đối” ngay lập tức được đưa ra.
Theo Thượng tá Thời, đổi giờ làm ảnh hưởng đến đời sống người dân chỉ là "chuyện nhỏ".
|
Với địa bàn có đến 20 trường ĐH và hàng loạt trường phổ thông cư trú, Thượng tá Phạm Ngọc Kim, Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm, nhấn mạnh: “Năm nay cơ sở hạ tầng thuộc địa bàn huyện đã thay đổi nhiều. Có thể nói một trong những nguyên nhân làm giảm ùn tắc là do cơ sở hạ tầng.
Việc cho rằng đổi giờ học và làm khiến việc ùn tắc giảm là chưa khách quan bởi hiện nay số sinh viên các trường ĐH, CĐ, TCCN đến chưa đầy đủ (có trường cho sinh viên nghỉ tết 3 tuần thì hôm nay mới bắt đầu buổi học đầu tiên - PV). Bên cạnh đó, lực lượng lao động tự do, công nhân của các công trình… chưa quay trở lại địa bàn sau kì nghỉ tết. Theo khảo sát thì tính đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 30-40% người quay lại so với trước tết”
“Học sinh Trung học phổ thông và phụ huynh là đối tượng ảnh hưởng lớn nhất của việc đổi giờ. Sở Giao thông luôn bán sát những phản ánh của đơn vị liên quan để báo cáo các cấp có thẩm quyền để làm sao có lợi nhất, tốt nhất cho nhân dân”- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội |
Đồng quan điểm này, đại diện Công an quận Ba Đình chia sẻ thêm: “Do dịp tết nhiều đi du lịch, lễ hội đầu xuân nên mật độ giao thông mới giảm. Phải cần 1-2 tháng thực hiện thì mới có thể đánh giá được”
Chưa dừng lại ở việc đánh giá, ông Nam - đại diện Phòng cảnh sát Giao thông Thành phố Hà Nội - tiết lộ thêm, buổi sáng và trưa giao thông diễn ra bình thường. Cấp độ chưa đến mức độ phức tạp. Buổi chiều xảy ra hiện tượng ùn ừ khác với thông thường. Tại một số điểm ở các trường tiểu học, THCS thường xuyên xảy ra ùn tắc. Phát sinh thêm điểm ùn tắc mới, như Lý Thái Tổ, Quang Trung, Phương Mai, Đại La…
“Trước đây những điểm này ít khi xảy ra ùn tắc thì sau khi thực hiện đổi giờ lại xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng ở các cung đường này nhỏ hẹp trong khi phụ huynh thì lại tấp nập đưa đón con trước cổng trường” - ông Nam nói.
Trước thông tin đưa ra, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - đặt ra câu hỏi: “Việc ùn tắc là do phụ huynh đưa đón con đứng ở dưới lòng đường hay là do đổi giờ?”
Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, đổi giờ làm phát sinh các điểm ùn tắc mới.
“Việc đường thông thoáng hơn vì nhiều nguyên nhân, trước tết đã có quy định mới về cấm xe tải, đổi giờ hoạt động taxi …Chúng ta có thể nhận thấy tác động dẫn đến sự thay đổi từ trước tết. Việc đổi giờ khiến cho phụ huynh đưa HS đến và về (đối với các trường THCS tổ chức học hai ca - PV) cùng thời điểm nên xảy ra hiện tượng ùn ứ vào buổi trưa. Buổi chiều phụ huynh hết giờ công sở cùng thời điểm con tan học nên đều tập trung về các trường, dẫn đến mật độ giao thông tăng mạnh và xảy ra ùn tắc” - đại điện CAQ Ba Đình hồi đáp trước câu hỏi của giám đốc Sở GTVT.
Trường ĐH, CĐ kêu khó thực hiện
Mặc dù quy định đổi giờ học, giờ làm có hiệu lực từ 1/2 đối với 10 quận nội thành và huyện Từ Liêm, Thanh Trì nhưng tính đến thời điểm hiện tại các trường ĐH, CĐ vẫn đứng ngoài cuộc.
Giải thích về việc chưa thể chấp hành quy định, các trường như HV Ngân Hàng, ĐH Công nghiệp HN, ĐH Kinh doanh và Công nghệ…đều đồng ý kiến cho rằng: “Hiện nay các trường đều thực hiện học 3 ca. Riêng đối với buổi sáng thì hoàn toàn có thể đáp ứng được còn ca chiều (ca 2) không thể kết thúc vào lúc 19h vì sẽ đẩy ca ba kết thúc vào lúc đêm khuya. Nếu có thể thì chúng tôi kiến nghị kết thúc ca chiều vào lúc 18h thì hợp lý nhất.”
Các trường ĐH, CĐ thuộc địa bàn điều chỉnh đều cho rằng, rất khó để thực hiện đúng với quy định của UBND thành phố (Trong ảnh: kiến nghị của ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN).
|
Đại diện của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (trường chịu sự quản lý trực tiếp của UBND Thành phố-PV) phân tích thêm, nếu bắt buộc phải thực hiện theo quy định thì chắc chắn trường không thể tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có dẫn đến phát sinh thêm các khoản dành cho công tác đào tạo. Như vậy học phí của HS, SV bắt buộc phải tăng lên.
Trước những ý kiến đóng góp, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chốt lại vấn đề: “Mới chỉ 5 ngày thì còn quá sớm chưa thể đánh giá hiệu quả hay không hiệu quả. Những băn khoăn, vướng mắc chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo thành phố để có điều chỉnh làm sao để phụ huynh và HS không bị ảnh hưởng”.
Giáo dục Hà Nội quyết tâm thực hiện
Báo cáo tại Hội nghị này, ông Mai Sỹ Nhật - Trường phòng Công tác HS,SV (Sở GD-ĐT Hà Nội) - đã nêu ra hàng hoạt thắc mắc, kiến nghị của các trường như giáo viên phải làm thêm giờ, phát sinh thêm các chi phí như tiền điện, nước, đầu tư thiết bị chiếu sáng hoặc đảm bảo an toàn cho HS khi tan trường quá muộn… Mặc dù các cơ sở báo cáo còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai nhưng ông Nhật vẫn mạnh: “Quan điểm của Sở là thực hiện nghiêm túc quy định của UBND thành phố. Sở đã chấn chỉnh các trường cố tình vi phạm và có thông báo gửi các trường nghiêm cấm thu thêm tiền của HS để phục vụ cho việc liên quan đến đổi giờ” Cũng tại Hội nghị này nhiều ý kiến của công an các quận, huyện Phòng Cảnh sát Giao thông Thành phố… đề nghị Sở xây dựng trang bị thêm các thiết bị chiếu sáng ở những cung đường tối nhằm đảm bảo an toàn cho HS. |
Theo Dân trí