Ký ức và nỗi niềm lao động Libya sau khi về nước

11/03/2011 10:56 GMT+7 | Thế giới

Do căng thẳng chính trị tại Libya, hơn 10.000 lao động Việt Nam đã được đưa về nước, ai ai cũng có nỗi niềm riêng. Đương nhiên họ đều vui khi gặp lại người thân, trở về với gia đình. Nhưng đằng sau đó còn là những ký ức của hành trình chạy trốn khỏi miền đất dữ và cả sự lo lắng cho số vốn đã vay nợ ngân hàng để đi xuất khẩu lao động mà họ đang phải còng lưng gánh trên người.


Lao động sau khi về nước vẫn thất thần ánh mắt sau hành trình tháo chạy. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+).

Người lao động sốt ruột ngóng thanh lý hợp đồng và nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp cũng như Nhà nước sau khi tháo chạy khỏi Libya. Ngay cả những người thân của họ hay các doanh nghiệp cũng đang như đứng trên đống than hồng...

Nhọc nhằn thoát khỏi chảo lửa Libya

Những chuyến bay cuối cùng đưa lao động Việt Nam rời khỏi Libya cuối cùng cũng đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài sớm ngày 9/3. Ngày trở về, kẻ buồn, người vui, nhưng có lẽ tất cả họ suốt cuộc đời cũng chẳng thể quên được những tháng ngày hãi hùng ở đất nước châu Phi xa xôi nọ.

Bước xuống sân bay Nội Bài sau một chuyến đi dài qua gần nửa vòng Trái Đất, anh Dương Công Chín, Phú Bình, Thái Nguyên như vẫn chưa tin nổi.

Chỉ mấy ngày trước, anh và 70 lao động khác thuộc Công ty Glotech vẫn còn bị mắc kẹt cách thủ đô Tripoli của Libya hơn 200km về phía Tây sa mạc Sahara. Toàn bộ liên lạc với gia đình, người thân của các anh bị cắt đứt. Nhiều người còn bi quan nghĩ đến cảnh chẳng thể về lại quê hương.

Nhớ lại những giây phút kinh hoàng ấy, anh Chín vẫn chưa hết bàng hoàng.

“Nhóm chúng tôi sang Libya được vài ngày, còn chưa kịp ổn định ăn ở thì anh em ở Benghazi liên tục gọi điện thông báo chính biến đang diễn ra. Toàn bộ công nhân tại đó đã phải nghỉ làm,” anh Chín kể.

Tin dữ ập về. 71 con người mới chân ướt chân ráo sang xứ lạ hoang mang đến tận cùng. Họ gọi điện đi khắp nơi để dò hỏi, nhưng càng gọi lại càng thấy tình thế ngày một cam go. Trong khi đó, chủ lao động vẫn cố gắng trấn an và yêu cầu các anh khẩn trương bắt tay vào việc.

Sáng sáng, cả nhóm vẫn ra công trường làm đều, nhưng đến khi đêm về thì lại không sao ngủ được. Tiếng súng ì ầm và những cuộc thoại từ những thành phố xa xa khiến lòng họ nóng như lửa đốt.

“Đáng sợ nhất là ngay khi đang làm việc, thỉnh thoảng anh em thấy đầu đạn rơi ngay gần chỗ mình. Ai cũng sợ, nhưng vẫn phải làm vì nếu không chủ lao động cắt cơm thì chết đói,” anh Chín thành thật.

Đến ngày công thứ tám, nỗi lo sợ của Chín trở thành sự thật. Toàn bộ hoạt động sản xuất tại đây bị đình lại. 71 lao động Việt Nam chính thức rơi vào cảnh sống cùng quẫn trong các lều trại tập trung. Chủ sử dụng lao động thông báo cắt cơm, trong khi số lương thực và tài sản ít ỏi còn lại cũng bị những nhóm người nổi loạn với súng và dao trên tay liên tục tìm cách cướp. Không một ai dám chống cự vì sẽ bị giết ngay.

Tính cả thời gian “chạy loạn” ra khỏi Libya rồi về tới Việt Nam, nhóm anh Chín chỉ có đúng 20 ngày “đi xuất khẩu.” Nhưng với mỗi người, 20 ngày ấy lại là một hành trình dài đầy gian khổ.

Cùng chung cảnh ngộ, Lê Văn Hưng, xóm Quang Trung, Thanh Hà, Hải Dương cũng phải về nước chỉ sau hơn một tuần có mặt tại Libya. Trong quá trình trở về, Hưng phải sống trong một khu lán trại nhỏ sau đó được di tản tới khu vực gần sân bay Tripoli để làm thủ tục xuất cảnh về nước.

Ánh mắt vẫn còn nguyên vẻ hoang mang, Hưng kể lại những ngày khốn khổ ở Thủ đô Tripoli. “Việc chính của em là mộc cốppha, đổ bêtông với mức lương (chưa trừ thuế) 250 USD/tháng.”

Ngày 23/2 biểu tình bắt đầu lan đến Thủ đô Tripoli nên từ chiều 22/2, chủ sử dụng ra thông báo cho lao động nghỉ việc. Hơn 3.000 lao động tập trung về các lán trại, không được phép ra ngoài vì có thể tính mạng bị đe doạ. Trước tình hình bạo loạn gia tăng, phải mất đến năm lần đến sân bay Tripoli trong suốt ba ngày liền, anh mới lên được may báy để sang Malta.

“Sân bay Tripoli lúc này rất hỗn loạn. Hàng ngàn người đang chen lấn, xô đẩy nhau để mong sao được giải thoát. Cả sân bay lúc đó như một bãi rác khổng lồ. Quần áo, valy, túi nilông... vứt ngổn ngang. Hàng ngàn người nằm la liệt trong tình trạng không nước uống, thức ăn,” Hưng nhớ lại.

Cho đến khi rời Tripoli, trong trại nơi Hưng làm việc vẫn còn 900 lao động Việt Nam chưa được chủ sơ tán. Họ sống trong tình trạng thiếu thốn vì thức ăn và nước uống dự trữ đã cạn kiệt.

Thiếu ăn, thiếu mặc là thế nhưng theo những nhân chứng trở về từ chảo lửa Libya, điều họ sợ nhất là mất liên lạc với người thân ở nhà.

Nhìn đồ hành trang chỉ còn toàn chăn màn, quần áo, anh Châu Văn Trọng, Diễn Châu, Nghệ An, xót xa: “Dọc đường chạy ra cửa khẩu, chúng tôi liên tục bị chặn lại kiểm tra. Lực lượng an ninh yêu cầu nộp lại sim, nhưng họ thậm chí còn tịch thu cả điện thoại, tiền bạc, máy móc. Nhiều nơi, người Libya còn nổ súng vì không còn gì để lấy.”

Anh Huy, Mỹ Lộc, Nam Định kể rằng, trên hành trình chạy bộ hơn 80km từ công trường ra cảng Benghazi, các anh không dám ngủ, chỉ đi miết vì sợ bị giết và cướp. Anh em cũng phải mang theo gậy gộc để sẵn sàng đánh trả khi bị cướp đe dọa tính mạng.

Nhiều người trong những ngày chạy ra cửa khẩu hoàn toàn không có cách nào liên lạc lại với người thân để thông báo tình hình. Đến tận khi chuyến máy bay đưa những lao động cuối cùng từ nơi loạn lạc trở về, có lao động vẫn cứ ngẩn ngơ vì không biết làm sao báo người thân ra đón.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Hoàng Thị Miên, phu nhân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Libya cho biết: “Trong suốt những ngày ở Libya, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi của anh em lao động Việt Nam. Nhiều người vừa gọi vừa khóc vì khổ quá. Những lúc như thế, tôi cũng khóc theo.”

Ngay tại tiền sảnh sân bay Nội Bài, lao động khi được trở về nước, mỗi người có một tâm trạng khác nhau. Ai ai cũng đưa ánh mắt thất thần nhìn xa xăm ngóng trông người thân sau một cuộc tháo chạy từ miền đất dữ trong cuộc đời lao động.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm