Xạ thủ Vàng Hoàng Xuân Vinh: Olympic, cuộc phục thù & trận đánh cuối

24/07/2016 06:14 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Tại Olympic Rio, bắn súng Việt Nam sẽ dự tranh với 2 lão tướng là đồng đội thân thiết cùng 43 tuổi, cùng ở tổ súng ngắn Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường.

Nếu  Quốc Cường chỉ đặt ra mục tiêu vượt lên chính mình, thì với Xuân Vinh, đó là “trận đánh cuối”, nơi anh nung nấu quyết tâm “phục thù” cho nỗi đau 4 năm trước.

Bi kịch mất HCĐ Olympic vì...0,1 điểm  

Olympic 2012, trong bài thi chung kết 50m súng ngắn tự chọn, Xuân Vinh thi đấu cực tốt ở 8 loạt bắn đầu tiên, giành tới 563 điểm. Ở viên  thứ 9, chỉ cần bắn vào ô 8 điểm, Xuân Vinh sẽ chắc chắn đoạt HCĐ. Nhưng ở lượt bắn này, anh chỉ ghi được 7,3 điểm trong khi những đối thủ cạnh tranh đều ghi trên 9 điểm. Sau đó, dù bắn được 10,2 điểm ở lượt thứ 10, Hoàng Xuân Vinh chỉ đoạt 958,5 điểm, kém đối thủ đoạt HCĐ Wang Zhiwei (Trung Quốc) vỏn vẹn  0,1 điểm.

Hạng Tư Olympic cũng đã là cả một kỳ tích của bắn súng Việt Nam. Thế nhưng chính cách để vuột huy chương như thế đã khiến cho bài bắn tốt nhất nghiệp bắn của Vinh giống như một bi kịch. Tuyển thủ sinh năm 1974 đã để vuột mất cơ hội làm nên lịch sử, cứu vãn một kỳ Thế vận hội “tay trắng” của cả một nền thể thao.


Xuân Vinh với BHL bắn súng trong thời khắc thất vọng sau khi tuột mất huy chương ở ASIAD

Nó càng trở thành một nỗi ám ảnh và nuối tiếc khuôn nguôi, khi lặp lại gần như nguyên vẹn lần mất HCV đầy oan nghiệt tại ASIAD 2010 vì Vinh để... súng bị cướp cò ở viên đạn cuối. Lúc ấy, Vinh đang dẫn đầu, chỉ cần bắn đạt 7, thậm chí 6 điểm cũng đủ đúng đầu. Song rốt cuộc anh lại để sự cố xảy ra, viên đạn văng xa khỏi đích, khiến anh tụt xuống thứ 13 xếp hạng cá nhân  còn ĐTVN đang dẫn đầu văng khỏi nhóm huy chương.

Vượt vận đen cùng nghịch cảnh

Những thất bại kiểu ấy được xem như... không thể tin nổi của Vinh từ ASIAD tới Olympic đến từ điểm yếu tâm lý, gắn với sự hụt hơi ở những thời điểm quyết định, cùng cả vận đen đeo bám một cách khó tin.

Giới chuyên môn từng lo ngại Xuân Vinh sẽ khó có thể giữ vững được niềm đam mê, sự tự tin để tiếp tục tập luyện, thi đấu tốt. Thế nhưng, chính trong nghịch cảnh, xạ thủ khoác áo lính đã chứng tỏ được khả năng, ý chí phi thường. Thậm chí, nó đã tạo ra một động lực ghê gớm để Vinh có nên một bước đột phá ngoạn mục về đẳng cấp. Với chàng xạ thủ khoác áo lính, nỗi buồn và sự thất vọng không bao giờ “hạ” được anh. Gần như ngay lập tức Vinh lấy lại được sự cân bằng để lại lao vào tập. Thật khó tin để rèn tinh thần thép và khả năng làm chủ bản thân cao độ, Xuân Vinh từng luyện đi luyện lại bài tập đứng yên tại chỗ, không cử động, không nói gì trong 2-3 tiếng liên tục.

Sau mỗi lần “vấp” đau Vinh lại tiến thêm một bước rất dài. Để vuột HCV ASIAD 2010, anh đã đạt tới hạng Tư Olympic 2012. Sau khi mất HCĐ Olympic với 0,1 điểm thua, anh đã đoạt HCV giải vô địch châu Á 2013, rồi 1 HCV cùng kỷ lục thế giới Cup thế giới 2014 trên đất Mỹ... Trong đó, tấm HCV cùng thông số 202,8 phá KLTG tại Cúp bắn súng thế giới ở nội dung 10m súng ngắn hơi được đánh giá như một kỳ tích mang tầm vóc thế kỷ của thể thao Việt Nam. Anh đã có một bài bắn chung kết 20 viên xuất sắc đến mức xuất thần, liên tục trúng hồng tâm để lấy điểm trên 10, riêng viên cuối còn đạt 10,7 điểm.

Qua mỗi chiến tích ngoạn mục của anh, các chuyên gia quốc tế lại phải  kinh ngạc vì một xạ thủ bé nhỏ, mắt phải đeo kính, quanh năm tập luyện với bia giấy tại Việt Nam rồi ra quốc tế thi đấu đến bia điện tử lại có thể siêu đến vậy.  Họ còn càng thấy khó tin khi biết rằng trung bình mỗi ngày tuyển thủ khoác áo lính chỉ được cấp khoảng 100 viên đạn, bằng khoảng 1/5 so với các xạ thủ thế giới. Để có thể đủ đạn cho một buổi tập bắn tập, có khi Xuân Vinh phải chấp nhận vài ngày tập chay.

Nỗi niềm Hoàng Xuân Vinh

Nỗi niềm Hoàng Xuân Vinh

Sáng qua, 3 xạ thủ của chúng ta là Hoàng Xuân Vinh, Hà Minh Thành, Bùi Quang Nam đã bước vào nội dung thi đấu 25m súng ngắn ổ quay nam.


 “Trận đánh cuối” của xạ thủ đại tá

4 năm trước, Xuân Vinh dự tranh Olympic với tư thế của một đấu thủ tạo bất ngờ. Giờ đây anh là người tranh chấp sòng phẳng các thứ hạng cao nhất. Sớm đoạt vé chính thức tới Brazil, kỷ lục gia thế giới này là người đang nóng lòng chờ đến Olympic nhất. Đây có thể coi như đích nhắm quan trọng và cơ hội “phục thù” cuối  của  anh trước khi giải nghệ.

Ngoài sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, kinh nghiệm, Xuân Vinh cùng người đồng đội Quốc Cường đã được ngành thể thao đầu tư tốt nhất trong điều kiện có thể trong suốt thời gian chuẩn bị. Thay vì chỉ được tham dự 5-7 giải như trước, xạ thủ quân đội  đã được cọ xát, thi tài ở hơn một chục cuộc đấu đỉnh cao. Anh cũng có 3 đợt tập huấn ngắn hạn quan trọng tại Hàn Quốc, bên cạnh nhiều xạ thủ xứ Hàn thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Vinh đã đạt tới đẳng cấp hàng đầu thế giới ở ba nội dung, rõ nhất với sở trường 10 m súng ngắn hơi có thể tranh chấp huy chương, kể cả Vàng tại mọi cuộc đấu, cho dù bản thân anh thừa nhận mình chưa thể đạt tới sự ổn định ở mức cao như một vài hảo thủ khác.

Có thể thấy vấn đề lớn nhất trong “trận đánh cuối” Olympic 2016 của Xuân Vinh vẫn là bài toán tâm lý, khả năng tận dụng cơ hội và cả  sự may mắn, nhất là tại một đấu trường khốc liệt nhất, và bản thân được kỳ vọng.

Giờ đây niềm tin chiến thắng dành cho Vinh đã khác rất nhiều, mà như ví von một cách định lượng, cơ hội tranh chấp một tấm huy chương của anh đã là 40-60, chứ không chỉ 20-80 như trước.

Đại tá tuổi 40

Cuối năm 2015, xạ thủ kỳ cựu khoác áo lính Hoàng Xuân Vinh đã được tín nhiệm giao phó làm Trưởng bộ môn kiêm HLV trưởng của đội bắn súng quân đội.. Trước đó, năm 2014, Xuân Vinh được đặc cách phong quân hàm đại tá trước niên hạn, và là 1 trong số ít đại tá trẻ nhất toàn quân. Nhiều khả năng sau Olympic 2016, Xuân Vinh sẽ phải giải nghệ để tập trung cho công việc quản lý huấn luyện.

“Tôi là VĐV giành huy chương Olympic”

Rất thú vị vì sau nỗi đau Olympic 2012, từ sự gợi ý của HLV trưởng ĐTQG bắn súng Nguyễn Thị Nhung, Xuân Vinh đã hình thành nên một thói quen trước mỗi buổi tập, là hô to câu “Tôi là VĐV giành huy chương Olympic”. Điều này tưởng như rất đơn giản, có gì đó hình thức song lại rất hiệu nghiệm với Vinh, bởi phía sau đó chính là khát vọng, là niềm tin Olympic hiện hữu từng ngày.


Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm