19/09/2014 16:12 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay 19/9, ASIAD 17 mới chính thức khai mạc nhưng ngày hội lớn nhất của thể thao châu lục đã bắt đầu từ 14/9, khi môn bóng đá khởi tranh các nội dung nam và nữ. Mà bóng đá cũng được xem là nội dung đáng theo dõi nhất tại ASIAD 17, trong khi Trung Quốc được dự báo là sẽ dễ dàng đoạt được vị trí số 1 toàn đoàn, như những gì mà họ đã làm được kể từ năm 1982.
1. Tại ASIAD 16 diễn ra năm 2010 ở Quảng Châu, Trung Quốc đã chiếm giữ ngôi số 1 toàn đoàn với 199 HCV, 119 HCB và 98 HCĐ, trong đó số HCV của Trung Quốc nhiều hơn gấp đôi so với số 76 HCV của đoàn Hàn Quốc xếp thứ nhì, còn Nhật Bản xếp thứ 3 với chỉ 48 HCV. Đấy là với ASIAD diễn ra trên sân nhà của Trung Quốc, còn với ASIAD được tổ chức trên sân khách tình hình cũng chẳng có gì thay đổi, khi Trung Quốc giành vị trí số 1 tại ASIAD 15 năm 2006 ở Doha (Qatar) với 165 HCV, bỏ xa Hàn Quốc xếp nhì với 58 HCV và vị trí thứ 3 là Nhật Bản với 50 HCV.
Cục diện này được dự báo sẽ lại xuất hiện ở ASIAD 17 năm 2014, khi Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ lại nắm giữ vị trí số 1, còn Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran sẽ tranh chấp ở 3 vị trí tiếp theo, nhưng với năng lực sẵn có cộng với lợi thế chủ nhà, Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ kết thúc ASIAD 17 với vị trí thứ 2. Sẽ không ai bất ngờ nếu kịch bản nói trên trở thành hiện thực, bởi Trung Quốc đã vươn lên như là siêu cường thể thao thứ nhì thế giới từ rất lâu, còn vị trí của Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran ở Olympic London năm 2012 cũng tương tự vị trí của họ ở các kỳ ASIAD gần đây, nghĩa là sau Trung Quốc sẽ là Hàn Quốc, Nhật Bản rồi tới Iran.
Nói vậy như thế để thấy mặc dù cuộc chơi ở ASIAD 17 còn chưa chính thức bắt đầu nhưng ngay từ lúc này, danh tính của đoàn VĐV sẽ chiếm giữ ngôi vị số 1 gần như đã hoàn toàn lộ diện, và vấn đề bây giờ chỉ là Trung Quốc sẽ cán đích theo cách như thế nào mà thôi.
2. Trong bối cảnh như thế, chỉ có bóng đá là đáng xem với cuộc chạy đua đến vị trí số 1 của bóng đá nam giữa chủ nhà Hàn Quốc với Nhật Bản và Iran, còn ngôi hậu của môn bóng đá nữ sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Ở kỳ ASIAD năm 2010, bóng đá Nhật Bản đã thâu tóm cả HCV bóng đá nam và bóng đá nữ, điều chưa từng xảy ra ở các kỳ Đại hội thể thao châu lục trước đó. Chiến tích này cũng khẳng định vị thế số 1 của Nhật Bản ở làng bóng đá châu lục, và với việc ĐT nữ Nhật Bản vừa bảo vệ thành công danh hiệu ĐKVĐ Asian Cup nữ 2014, các đội bóng khác sẽ rất khó khăn nếu muốn lật đổ sự thống trị của bóng đá Nhật Bản.
Và ĐT Olympic Việt Nam đang góp phần làm cho cuộc đua đến chức vô địch môn bóng đá nam ASIAD 2014 trở nên khó lường và thú vị hơn rất nhiều bằng chiến thắng 4-1 trước ĐT Olympic Iran trong trận khai màn ở bảng H. Cần nhớ rằng Olympic Iran chính là đội bóng đã vào tới bán kết ở ASIAD 2010 trước khi thua Olympic Hàn Quốc ở trận tranh HCĐ, và trong đội hình Olympic Iran tham dự ASIAD 2014 có nhiều tuyển thủ QG vừa trở về từ World Cup 2014.
Olympic Iran cũng là ông lớn duy nhất phải nhận thất bại trong loạt trận mở màn môn bóng đá nam tại ASIAD 2014 diễn ra trong 2 ngày 14/9 và 15/9 vừa qua, vì các đội bóng ứng viên khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia hay UAE đều giành được chiến thắng. Vì thế, cuộc chiến giữa các ông lớn của bóng đá châu lục ở những vòng đấu còn lại hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn.
3. Khác với bóng đá nam, cuộc đua đến chức vô địch bóng đá nữ được đánh giá dễ đoán hơn nhiều, khi Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc được dự báo sẽ là những đối thủ chính để tranh chấp HCV. Đây cũng chính là 4 đội bóng đã góp mặt ở vòng bán kết Asian Cup nữ 2014 và với phong độ cũng như thực lực hiện tại của họ, rất ít có khả năng các đội bóng khác có thể chen chân được vào cuộc đua này.
Thái Lan đã đoạt vé tham dự World Cup nữ 2015 tại Canada, nhưng họ có được thành tích như thế là bởi CHDCND Triều Tiên bị FIFA tước quyền tham dự Asian Cup 2014 do có cầu thủ bị phát hiện sử dụng doping, còn ở kỳ Đại hội năm nay, khi CHDCND Triều Tiên đã trở lại thì Thái Lan khó lòng cạnh tranh với đội bóng được đánh giá là đàn chị của làng bóng đá nữ châu lục.
Lợi thế sân nhà sẽ giúp Hàn Quốc có thêm cơ hội cạnh tranh HCV, nhưng với phong độ mà Nhật Bản đã thể hiện như ở VCK Asian Cup nữ 2014, sẽ rất khó khăn cho đội bóng nào nếu muốn đánh bại Nhật Bản để giành lấy HCV từ tay nhà ĐKVĐ.
Môn bóng đá nam và bóng đá nữ tại ASIAD 2014 đã khởi tranh từ ngày 14/9/2014. ĐT Olympic Việt Nam đã đá trận ra quân gặp ĐT Olympic Iran vào ngày 15/9 và giành chiến thắng với tỷ số 4-1. Trận tiếp theo của ĐT Olympic Việt Nam là gặp ĐT Olympic Kyrgyzstan vào ngày 22/9. Ở môn bóng đá nữ, ĐT nữ Việt Nam đã thi đấu trận khai màn gặp ĐT CHDCND Triều Tiên vào ngày 16/9 và sau đó gặp ĐT Hong Kong vào ngày 23/9. Được biết, điều hành môn bóng đá nam, nữ tại ASIAD 2014 có 112 trọng tài và quan chức AFC, trong đó Việt Nam có 2 trọng tài, 2 trợ lý trọng tài và 1 giám sát trận đấu được bổ nhiệm làm nhiệm vụ gồm: Trọng tài Võ Minh Trí (bóng đá nam), trọng tài Mai Hoàng Trang (bóng đá nữ), trợ lý trọng tài Phạm Mạnh Long (bóng đá nam), trợ lý trọng tài Kiều Thị Thuý (bóng đá nữ), Giám sát trận đấu là bà Trương Hiếu Hường. Tại ASIAD 2014, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn được AFC bổ nhiệm vào cương vị trưởng đoàn điều hành bóng đá nam và nữ. |
Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất