GS-TS Trần Văn Khê qua đời: Chuyện ít biết về vị tiến sĩ âm nhạc đầu tiên của Việt Nam

24/06/2015 11:00 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Sau thời gian chống chọi với bệnh tật, GS-TS Trần Văn Khê đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2h55 ngày 24/6/2015 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thọ 95 tuổi.

GS Trần Văn Khê nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) ngày 27/5, vài ngày sau đó ông lâm vào tình trạng nguy kịch. Đến 18/6, GS sư có dấu hiệu hồi tỉnh, nhưng vì tuổi già sức yếu, GS đã không thể vượt qua những cơn bệnh.

1. GS-TS Trần Văn Khê thuộc thế hệ cùng thời với các nhạc sĩ tân nhạc đầu tiên của Việt Nam như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy… Nhưng nếu các nhạc sĩ nói trên đi vào con đường tân nhạc thì Trần Văn Khê là một nhà dân tộc nhạc học suốt đời sưu tầm, nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra với bạn bè năm châu.


GS-TS Trần Văn Khê. Ảnh: Hữu Trịnh

Ông được xem là nhà hoạt động âm nhạc đã có rất nhiều công lao trong việc giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Bởi ông là thành viên của nhiều tổ chức âm nhạc quốc tế như: Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, Hội đồng Quốc tế Âm nhạc truyền thống, Hội đồng Quốc tế Giáo dục Âm nhạc, Hội đồng Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc, Hội Âm nhạc học, Dân tộc âm nhạc học, Hội Nhà văn (Pháp), Hội dân tộc âm nhạc học Mỹ, Hội Nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nhật Bản, Hội Nghiên cứu âm nhạc Ấn Độ…

Ngoài ra, ông còn tham gia giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam ở nhiều trường đại học một số nước trên thế giới, tham gia nhiều hội thảo quốc tế về âm nhạc truyền thống với những tham luận về âm nhạc truyền thống Việt Nam…

GS Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), ông là thế hệ thứ tư trong một gia đình có nhiều gắn bó với âm nhạc truyền thống.

Cụ cố nội là ông Trần Quang Thọ (nhạc công triều đình Huế). Ông nội là Trần Quang Diệm (Năm Diệm) chơi đàn kìm, tranh, tỳ bà. Cha của GS Trần Văn Khê là ông Trần Quang Triều (Bảy Triều) chơi được nhiều loại đàn nhưng ông Bảy Triều nổi tiếng trong giới nhạc tài tử Nam bộ với những ngón đàn kìm độc đáo trên hệ thống dây Tố Lan do ông sáng tạo ra. Cô ruột của GS Trần Văn Khê là bà Trần Ngọc Viện (Ba Viện) người sáng lập gánh hát Đồng Nữ Ban nổi tiếng ở Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Ngoài ra GS còn một người em trai rất nổi tiếng - Trần Văn Trạch - được giới văn nghệ Sài Gòn thời đó phong là “quái kiệt”.

Năm 1942, Trần Văn Khê đi học “trường Thuốc” ở Hà Nội, nhưng năm 1943 ông trở về Sài Gòn theo phong trào “xếp bút nghiên”. Năm 1945 ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng, được Huỳnh Văn Tiểng ký tên bổ nhiệm làm Nhạc trưởng quân đội Nam bộ với cấp Đại đội trưởng trong Cộng hòa vệ Binh và đi khắp vùng Đồng Tháp Mười.

Năm 1946 trở về Sài Gòn tham gia nhóm “kháng chiến tại thành”. Năm 1948 nhóm “kháng chiến tại thành” bị lộ, ôngbị bắt giam tại khám Catinat.

2. Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp lánh nạn và bắt đầu sự nghiệp học tập quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam tại nước ngoài.

Gần 1 thập niên ở đất khách quê người, ông phải sống cuộc sống tự lập, vất vả mưu sinh và chống chọi với bệnh tật để năm 1958, Trần Văn Khê trở thành vị tiến sĩ âm nhạc đầu tiên của Việt Nam sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với hạng tối ưu. Luận án của ông với đề tài chính: Âm nhạc truyền thống Việt Nam. 2 đề tài phụ là: Khổng Tử và âm nhạc và Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam.

Trong thời gian ở Pháp ông hoạt động trong nhiều tổ chức âm nhạc, đặc biệt quan trọng là Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp và Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, ông cũng là thành viên của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO phụ trách âm nhạc châu Á.


GS Trần Văn Khê suốt đời sưu tầm, nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra với bạn bè năm châu

Suốt thời kỳ hoạt động âm nhạc ở nước ngoài cho đến lúc ông trở về định cư tại Việt Nam, hơn 50 năm ông đã tham dự 210 hội nghị quốc tế về âm nhạc ở 67 quốc gia, tham dự khoảng 20 liên hoan quốc tế về âm nhạc. Trong đó có rất nhiều hội nghị và liên hoan đã được GS Trần Văn Khê giới thiệu những nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông còn có nhiều buổi thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam tại nhiều trường đại học ở khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra ông còn viết nhiều bài báo, tham luận về âm nhạc truyền thống Việt Nam đăng trên nhiều báo, trong đó có tạp chí của UNESCO được dịch ra 14 thứ tiếng.

Sau năm 1975, GS Trần Văn Khê có nhiều chuyến trở về Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, điền dã về âm nhạc truyền thống Việt Nam, trước khi ông về định cư chính thức tại Việt Nam vào năm 2006.

Ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh do UBND TP.HCM cấp cho GS Trần Văn Khê là nơi lưu giữ tất cả những tư liệu nghiên cứu suốt cả cuộc đời của ông. Toàn bộ tư liệu này, sau khi qua đời, ông tặng cho TP.HCM.

Cũng tại ngôi nhà này, đây là địa điểm mà GS Trần Văn Khê tiếp tục tổ chức những sinh hoạt về âm nhạc truyền thống Việt Nam qua những chuyên đề, là nơi gặp gỡ, giao lưu của các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa ở TP.HCM.

GS Trần Văn Khê là người đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa ca trù, không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam bộ trở thành di sản phi vật thể của thế giới. Suốt một đời hoạt động không mệt mỏi phấn đấu cho âm nhạc truyền thống Việt Nam, những ngày cuối đời GS trở về sinh sống tại đất mẹ và trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất đã sản sinh ra những giai điệu, những loại hình âm nhạc độc đáo mà ông đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu và tôn vinh ở phạm vi trên toàn thế giới…

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm