Hậu Tết, cái gì cũng tăng, chỉ chất lượng Tết là giảm

03/02/2017 09:51 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sau Tết, như mọi năm, người dân lại "choáng" với việc giá cả tăng lên chóng mặt.

Từ mớ rau, con cá, bát phở đến dịch vụ rửa xe hầu như ở đâu cũng "phi mã", nhẹ thì "nhích" 5000 – 10.000 đồng, nặng thì gấp đôi, gấp ba.


Tăng giá phở như thông báo này là còn... nhẹ. (Ảnh chụp tại một tiệm phở trên đường Thái Thịnh ngày 2/2)

Dẫu là dịp Tết nhất, tâm lý ai cũng hào phóng, nhưng không ít người đã phải tặc lưỡi hoặc chỉ biết... "kêu trời" trên facebook, rằng đầu năm đã "gặp cướp", bị chặt chém: rửa xe 150.000, ăn tô phở + ly trà đá 100.000, cà phê 70.000/ly; 1 bó rau muống đắt bằng một nửa bát phở...

Nhiều cửa hàng tạp hóa mặc dù bán những sản phẩm đã có niêm yết giá nhưng vẫn tự động đẩy giá lên khiến người mua "há hốc". Ví dụ, giá "ngày thường" bộ 6 dao cạo râu Gillette (cán vàng) là 48.000 đồng, nhưng "giá ngày Tết" đã tăng gấp 3 lần (150.000 đồng).

Bạn tôi vừa đi "trốn Tết" ở Tây Nguyên về kể, những ngày Tết ở mạn ấy, từ ăn uống đến các dịch vụ khác giá đều rẻ, thậm chí là giảm giá từ 10-20%.

Điển hình nhất có thể kể đến tiệm bún rất nổi tiếng nằm trên đường Lê Thánh Tông (Buôn Mê Thuột), bà chủ giảm giá từ 50.000 đồng/tô xuống chỉ còn 30.000 đồng với lý do nghe qua ai cũng cho là bà "chém gió": Khách hàng "mừng tuổi" cho mình cả năm, mấy ngày Tết là dịp để mình lì xì lại cho họ.


Tô bún chân giò ở Buôn Mê Thuột như thế này bình thường giá 50.000 đồng. Nhưng ngày Tết, bà chủ đã "mừng tuổi" cho khách, chỉ còn 30.000 đồng (Ảnh chụp ngày 3 Tết)

Xe ôm hay các bác tài taxi, xe khách đưa khách du lịch đến tiệm của bà đều được bà cho nhân viên mời vào tiệm "lót dạ" miễn phí món bún chân giò của bà. Xe cộ của khách bà "lệnh" cho nhân viên trông coi cẩn thận.

Gặp khách đi du lịch, bà giống như cuốn cẩm nang, chỉ dẫn nhiệt tình, giới thiệu những địa chỉ tin cậy, những điểm vui chơi kỳ thú với những dịch vụ theo tiêu chí: ngon, bổ, rẻ... Xe ôm, tài xế taxi nào được bà giới thiệu khách mà chặt chém, đến tai bà chỉ có nước "một đi không trở lại"...

Hóa ra, bên cạnh những người có kiểu tư duy manh mún, tận dụng ngày Tết để tranh thủ trục lợi, tận thu từng đồng của nhau, vẫn còn sót lại những người có tấm lòng, có thiện ý như bà chủ bán bún chân giò.

***

Ngoài việc phải "cam chịu" với giá cả thực phẩm, dịch vụ tăng vọt, hậu Tết, người dân còn phải "chống" lại nhiều vấn nạn, nhất là về giao thông.

Hầu hết các hãng xe, nhà xe đều tăng giá vé với lý do "những ngày Tết chỉ có một chiều có khách, chiều còn lại rỗng nên phải thu phụ phí, để bù đắp chi phí đi lại đồng thời nhằm đảm bảo biểu đồ chạy xe giải toả hành khách dịp Tết".

Trong khi đó, mọi con đường dẫn đến những thành phố lớn, những nơi có lễ hội đầu năm, việc đi lại không khác "một cuộc hành xác", mệt mỏi và căng thẳng chỉ vì xe cộ đủ chung loại tăng quá nhiều, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa tốt.

Thế nên, không ít người đã nói... đúng, rằng: "Tết này hơn hẳn những Tết xưa. Cái gì cũng tăng. Tết năm nay tăng hơn tết năm trước và chắc sẽ tăng 'thường niên'. Tăng như một 'quy trình' không thể tránh được. Chính vì cái sự tăng ấy đã làm cho chất lượng ngày Tết ngày một giảm".

Và cũng chính vì áp lực giá cả ngày Tết "cái gì cũng tăng" như đã nói ở trên, càng có "cớ" để nhiều người muốn bỏ Tết Âm lịch hoặc gộp với Tết Dương lịch là thế!?

Ngọc Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm