Thực hư quanh Rạp xiếc bậc nhất châu Á tại Đà Nẵng

08/03/2010 07:29 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Tuần qua thông tin về việc xây dựng rạp xiếc hiện đại bậc nhất châu Á tại Đà Nẵng hiện đang được không ít người quan tâm. Cụ thể câu chuyện này ra sao? TT&VH Cuối tuần đã có cuộc đối thoại với NSƯT Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, về thông tin này.


 Ông Vũ Ngoạn Hợp
* Trong cuộc họp báo mới đây nhân dịp khai trương rạp bạt lưu động của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Phạm Văn Xuyên có tuyên bố về kế hoạch xây dựng rạp xiếc hiện đại bậc nhất châu Á tại Đà Nẵng. Tiến độ công trình này đến đâu, thưa ông?


- Có thể anh Xuyên đã vui mừng quá trước tương lai của xiếc nên đã tuyên bố hơi quá như vậy. Nhưng cả khu vực ASEAN hiện nay chưa có một rạp xiếc hiện đại, thì nói về một rạp xiếc bậc nhất châu Á quả cũng không quá đâu! Về chủ trương, thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Bộ VH-TT&DL đã giao Liên đoàn Xiếc Việt Nam chủ trì việc xây dựng một Nhà hát đa năng tại Đà Nẵng. Đó sẽ là nơi biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp, chứ không phải chỉ dành cho xiếc. Nhưng tất nhiên, vẫn ưu tiên chính cho xiếc.

* Vì sao lại chọn Đà Nẵng mà không phải là hai trung tâm văn hóa lớn: Hà Nội, hoặc TP.HCM?

- Đoàn xiếc TP.HCM hiện nay đã có rạp bạt. TP.HCM cũng đã cấp đất cho Đoàn xây dựng một rạp xiếc hiện đại, nhưng được biết hiện tại vẫn trục trặc khâu giải phóng mặt bằng. Hà Nội thì cũng đã có rạp xiếc đảm bảo phục vụ nhu cầu của khán giả. Việc lựa chọn Đà Nẵng hoàn toàn hợp lý, bởi lý do thành phố này nằm dọc hành lang kinh tế Đông Tây. Đây cũng là điểm thu hút du khách ở cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Một cựu lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam: “Nếu nhất thiết phải trang bị rạp xiếc cho Đà Nẵng, chỉ cần một rạp bạt lưu động (khoảng 2 tỉ đồng) là đủ hiện đại và rộng rãi (đáp ứng được khoảng 1.500 chỗ ngồi), rạp bạt ấy có thể mang đi diễn lưu động cho cả khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Bộ VH-TT&DL nên nhường kinh phí này để xây rạp cho TP. HCM, hiện đang có 3 đoàn xiếc, hơn 10 năm nay họ phải diễn trong một rạp bạt rất tồi tàn ở công viên 23 Tháng 9, anh em nghệ sĩ không yên tâm làm nghề. Hơn nữa, Đà Nẵng không có đoàn xiếc nào. Xây rạp xiếc ở một nơi không có hoạt động xiếc - chuyện ấy thiếu hợp lý!”.

* Nhưng thưa ông, Đà Nẵng hiện tại cũng có một Nhà hát đa năng vừa khánh thành đầu năm 2009. Và theo phản ánh của báo chí, Nhà hát này cũng chỉ đỏ đèn mỗi tháng ít lần. Vậy thì một Nhà hát đa năng như ông nói có thực sự cần thiết?


- Theo tôi được biết, đó là một trung tâm đa năng thì đúng hơn là một “nhà hát đa năng”. Tôi không bàn nhiều về thiết kế, vì như vậy là đụng chạm. Nhưng phải nói rằng, nơi này không đáp ứng được yêu cầu để biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Trung tâm đó phục vụ các chương trình đào tạo, hay biểu diễn quần chúng thì tốt, chứ biểu diễn chuyên nghiệp là cả vấn đề. Hiện tại, tôi được biết ở đó chủ yếu là các hoạt động thể thao.

* Ông có thể tiết lộ kế hoạch cụ thể và số kinh phí sẽ đầu tư cho Nhà hát đa năng?

- Sở Kế hoạch & Đầu tư Đà Nẵng đang làm việc đó. Phải qua các khâu kiến trúc, thiết kế cơ bản… mới có thể tính được nguồn vốn chính xác. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho dự án này. Một điểm nhấn văn hóa cho cả dải miền Trung – Tây Nguyên theo tôi là cần thiết. Đây cũng sẽ là nơi diễn ra các chương trình biểu diễn lớn của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Việc đầu tư là hoàn toàn hợp lý. Những nước có tiềm lực chắc đã xây dựng từ lâu rồi, Việt Nam ta còn nghèo nên những công trình văn hóa như thế này mới bị trì hoãn lâu đến thế. Nói ngay như Hà Nội, nếu trước kia cũng không dám xây Cung Văn hóa Việt – Xô, chắc đến tận bây giờ cũng không có một nơi biểu diễn nghệ thuật tử tế đâu… Theo Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, không chỉ Đà Nẵng có Nhà hát đa năng, mà sau đó còn là Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác…

Khu đất dự định xây Rạp xiếc tại Đà Nẵng
* Với chương trình Xiếc Việt Nam vừa công diễn tại Đà Nẵng, các ông có tự tin khi hoàn thành “rạp xiếc hiện đại bậc nhất châu Á”, xiếc sẽ thu hút được khán giả?

- Tôi đã được sống lại cảm giác khi còn làm diễn viên khi chương trình vừa diễn ở Đà Nẵng. Hồi những năm 1985 – 1986, chúng tôi đã có những chuyến lưu diễn dài ngày, mà khán giả phải có giấy giới thiệu mới mua được vé. Chương trình lần này cũng đầu tư khá công phu bởi thời gian qua, nhiều gánh xiếc tư nhân đã mạo danh Liên đoàn đi diễn ở nhiều nơi, làm mất uy tín của những nghệ sĩ đích thực.

Thu Hằng (thực hiện)

Lại “thon thót” công trình thế kỷ

Thông tin tại Đà Nẵng vài năm tới sẽ có một rạp xiếc hiện đại nhất châu Á được phát ra từ Liên đoàn xiếc Việt Nam gây hiệu ứng nhiều chiều trong dư luận thành phố bên sông Hàn.

Háo hức có, nhưng băn khoăn cũng có. Công trình này sẽ được xây dựng trên diện tích 10.000m2 (đã được cấp đất), có sức chứa lên đến 3.000 người tại Công viên Tuổi Trẻ (P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Thực tế việc xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố, những tổ hợp giải trí, kinh doanh, Đà Nẵng gây tiếng vang nhiều, song ngược lại, âm hưởng không tích cực cũng chẳng ít. Đơn cử là Công viên nước, một công trình trọng điểm được đầu tư đến 65 tỷ đồng khởi công năm 2000 và hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 1/2002, nhưng sau 5 năm hoạt động èo uột đã phải giải tán, đồng nghĩa với núi tiền trôi ra biển. Hay như Trung tâm Hội chợ - triển lãm Đà Nẵng, cũng đầu tư rất nhiều kinh phí nhưng đang có dấu hiệu ngắc ngoải. Tết vừa rồi, hội chợ triển lãm đã phải chuyển về siêu thị Bài Thơ ở trung tâm thành phố.

Hơn nữa, với Nhà hát đa năng hiện nay, mỗi năm cũng chỉ có 4-5 suất diễn xiếc. Vậy nhu cầu một rạp xiếc này có thực sự cần thiết? Rạp có thường xuyên đỏ được đèn và là địa chỉ đỏ của các đoàn xiếc các nước? Với xiếc, chưa hẳn phải xây dựng những nhà hát đồ sộ mới nâng đẳng cấp được nghệ thuật xiếc nước nhà. Trao đổi với một số diễn viên xiếc, họ cho rằng rạp xiếc Trung ương Trung Quốc cũng chỉ tương đương rạp xiếc Hà Nội, nhưng trình độ của xiếc Trung Quốc thế nào cả thế giới đều biết. Chính vì “đụng” tới thông tin về công trình “hoành tráng”, nên chúng tôi cảm nhận rõ sự “kín đáo” và cả e dè của ông Quang Vinh - Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cũng như ông Đức Tuấn, đại diện Bộ VH-TT&DL tại Đà Nẵng, khi TT&VH Cuối tuần đặt vấn đề tìm hiểu xung quanh dự án xây dựng rạp xiếc hiện đại nhất châu Á này, đặc biệt khi nói tới kinh phí đầu tư. Cả hai đều nhất mực “có gì cứ hỏi lãnh đạo Liên đoàn Xiếc”, riêng ông Vinh cho hay ông không biết rõ vì đây là công trình của Bộ VH-TT&DL. Kể cả ông Phạm Văn Xuyên - Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng chưa thể trả lời cho câu hỏi này!

Có thể thấy, Bộ VH-TT&DL cũng như Liên đoàn xiếc Việt Nam đang nỗ lực tiếp thị hình ảnh cho công trình đồ sộ (kế hoạch tháng 12/2012 sẽ hoàn thành) với người dân Đà Nẵng trong những ngày qua. Cụ thể, từ ngày 1/3 - 1/5 tập trung đến 2 đoàn biểu diễn tại Đà Nẵng. Giá vé “siêu rẻ”, chỉ bằng một nửa so với Hà Nội, TP.HCM. Rạp bạt lớn nhất nước vừa mới mua từ Trung Quốc cũng cập cảng Đà Nẵng để phục vụ cho người dân sông Hàn ngay trên mảnh đất sẽ xây dựng rạp hát sau này.

Tối ngày 3/3, chương trình biểu diễn đã khai mạc. Lãnh đạo thành phố cũng như đại diện một số ban ngành đã dự và cắt băng khánh thành. Các khán đài dường như không còn chỗ trống. Và phải thừa nhận các nghệ sĩ đã nỗ lực hết mình, thực sự mang đến sự phấn khích cho khán giả Đà Nẵng.

Có điều, liệu các khán đài có đông đến thế nếu như buổi khai mạc không chủ yếu phát giấy mời?

Hữu Quý (từ Đà Nẵng)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm