Khởi công Nhà trưng bày Hoàng Sa: Nhiều nhân chứng sống rơi lệ

07/12/2015 13:49 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) – Công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa đã được khởi công sáng 7/12 với sự tham dự của đông đảo nhân dân, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng và đặc biệt là sự có mặt của các "nhân chứng sống".

Công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt dự án với quy mô đầu tư 40 tỷ đồng, thuộc công trình nhóm B, cấp II, được xây dựng trên khu đất nút giao thông ngã ba đường Hoàng Sa - Phan Bá Phiến, có tổng diện tích 1.296m2, trong đó diện tích xây là 412m2 với 3 tầng nổi, có chiều cao xây dựng 18m, bể cảnh ngoài là 172m2.

Công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa được thiết kế, xây dựng theo phương án kiến trúc “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” theo đồ án RS1312 của nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản), một trong những ý tưởng đạt giải tại cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa năm 2014.

Lễ khởi công công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng. Ảnh: H.Y

Nội dung công trình Nhà trưng bày sẽ gồm hệ thống các tư liệu bằng hình ảnh động và tĩnh hỗ trợ bởi kỹ thuật, mỹ thuật đa phương tiện như video, kết hợp với hệ thống bản đồ, sa bàn tổng quan về vị trí địa lý tự nhiên, hành chính Hoàng Sa, tập trung vào giới thiệu các tài liệu về Hoàng Sa thuộc các chủ đề sau: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn; Những tư liệu của Trung Quốc và Phương Tây minh chứng chủ quyền Việt nam đối với quần đảo Hoàng Sa; Chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa (1858-1954); Chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa (1954 – 1974); Các văn bản quản lý Nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1975 đến nay; Hoàng Sa với Thể giới – Thế giới với Hoàng Sa; Hoàng Sa & những nhân chứng lịch sử.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, nhân chứng sống Hoàng Sa.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, chia sẻ: “UBND huyện Hoàng Sa là lãnh thổ có thật, có chính quyền và được tổ chức theo một hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Dù bất cứ ở thời điểm nào cũng sẽ có những giải pháp thực hiện về quy mô, diện tích, dân số,… phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương”.

Dù thời tiết mưa lạnh đầu mùa, nhiều nhân chứng từng tham gia vào công cuộc mở mang bờ cõi và giữ gìn quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 nay tuổi đã cao, mắt không còn sáng nhưng vẫn đến từ sáng sớm với mong muốn được chứng kiến trọn vẹn buổi lễ khởi công một công trình có ý nghĩa lớn lao này.

Mô hình Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ được khởi công từ năm 2015 - 2016.

Xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ là một công trình văn hóa, chính trị xã hội đơn thuần mà còn mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Đây sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu và tuyên truyền cho đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng là minh chứng mạnh mẽ về sự thật trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trên Biển Đông qua các bằng chứng lịch sử, pháp lý.

Đặc biệt, những tư liệu, hiện vật có liên quan đến hai nhât vật lịch sử Phạm Hữu Nhật và Phạm Quang Ảnh - những cai đội Hoàng Sa thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng ra Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ; đo đạc thủy trình và canh giữ vùng biển trên quần đảo Hoàng Sa sẽ được sưu tầm và trưng bày tại đây.

Ngoài ra, khi hoàn thành Nhà trưng bày cũng sẽ trưng bày tàu cá ĐNa 90152 - chiếc tàu bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm chiều 26/5/2014 khi đang hoạt động hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm