Chiến dịch không kích IS: Công ty vũ khí Mỹ lời to nhờ chiến sự

04/10/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Khi hoạt động không kích do Mỹ lãnh đạo nhằm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng diễn ra ở Iraq và mở rộng sang Syria, người ta chẳng thể biết cuộc chiến này còn leo thang tới bao lâu nữa. Nhưng có một điều hiển hiện là hàng loạt công ty quốc phòng Mỹ đang thu bộn tiền từ sự kiện.

Chỉ vài hôm sau khi Mỹ mở rộng hoạt động không kích sang Syria trong ngày 23/9 vừa qua, cổ phiếu của nhiều công ty quốc phòng như Lockheed Martin, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics đều đã tăng kịch trần.

Càng đánh nhau, càng có lợi

Cổ phiếu của 4 nhà thầu trên hiện cũng có mức tăng trưởng vượt quá thành tích chung của cả thị trường. Cụ thể, thống kê dựa trên chỉ số Bloomberg cho thấy 4 cổ phiếu có mức tăng trưởng giá trị lên tới 19% kể từ đầu năm. Cùng thời điểm, chỉ số S&P 500, nơi tập trung nhiều cổ phiếu của các công ty hàng đầu Mỹ, chỉ tăng 2,2%.

Hầu như ai cũng biết nguyên nhân dẫn tới sự tăng giá này. "Tổng thống Mỹ Barack Obama dự đoán rằng chiến dịch không kích có thể kéo dài. Lời nói của ông giống như tín hiệu cho thấy hoạt động mua sắm đạn dược, linh kiện và có thể là máy bay chiến đấu lên tới hàng tỷ đô la sẽ diễn ra” – chuyên gia tư vấn quốc phòng Loren Thompson nhận xét với tờ International Business Time.


Hãng tin Bloomberg nói rằng máy bay A-10 đã được lệnh tham gia chiến dịch không kích IS

Theo các chuyên gia, chiến dịch chống IS không chỉ là cơ hội để Mỹ phô diễn các vũ khí đỉnh cao như máy bay F-22 Raptor. Nó còn mang tới một chiến trường để Mỹ thử nghiệm khả năng chiến đấu của các công cụ có trong tay.

Tại đợt không kích đầu tiên vào Syria, Mỹ đã ném khoảng 200 quả bom thông minh và bắn 47 quả tên lửa Tomahawk do Raytheon chế tạo. Quân đội cũng ném các quả bom GBU-32 JDAM và bắn tên lửa Hellfire. Việc này đã mở ra khả năng chắc chắn rằng quân đội sẽ mua lại bom đạn để bổ sung cho số đã dùng.

Vì lẽ đó, các công ty bán bom đạn đang thu lời lớn nhất. “Những công ty sản xuất các quả bom kích thước nhỏ sẽ thắng đậm, do máy bay có thể mang nhiều quả trong một lần đi làm nhiệm vụ” – một nhà phân tích giấu tên nói với tạp chí Fortune.  Được biết bom thông minh “đường kính nhỏ” tốn kém 250.000 USD mỗi quả. Trong khi đó tên lửa hành trình Tomahawk của Raytheon có giá 1,5 triệu USD mỗi quả.

Mới đây Hải quân Mỹ đã ký một thỏa thuận trị giá 251 triệu USD để mua thêm tên lửa Tomahawk từ Raytheon, một hợp đồng béo bở cho công ty và các nhà thầu phụ. Về phần mình, Lockheed Martin cung cấp cho quân đội Mỹ các tên lửa Hellfire. Thứ vũ khí này có giá 110.000 USD mỗi quả và có thể được bắn đi từ nhiều nền tảng khác nhau như máy bay không người lái Predator.

Không chỉ làm tăng cổ phiếu và đơn đặt hàng mua vũ khí, cuộc xung đột còn giúp chi trả cho việc nghiên cứu công nghệ mới, giúp hồi sinh nhiều dây chuyền sản xuất đã bị đóng cửa và khiến nhiều thiết bị quân sự chưa thể bị loại bỏ.


Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa Tomahawk, với mỗi quả có giá lên tới 1,5 triệu USD

Một ví dụ điển hình là chiếc máy bay A-10, đã được Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách khai tử hàng đầu để tiết kiệm chi phí quốc phòng. Tuy nhiên Quốc hội Mỹ đã cấp vốn để nó tiếp tục hoạt động thêm một năm nữa. Hôm 3/10, có tin chiếc máy bay này đã được lệnh tham gia oanh kích các mục tiêu của IS. Dù chiếc máy bay này không còn được sản xuất nữa, việc điều nó đi không kích có nghĩa người ta sẽ phải bảo dưỡng và tái vũ trang nó bằng đạn dược các loại – các hoạt động đều giúp sinh lợi cho giới thầu quốc phòng Mỹ.

Jack Ablin, người nắm vai trò giám đốc đầu tư tại Ngân hàng tư nhân BMO, đang quản lý 66 tỷ USD đầu tư vào cổ phiếu Northrop Grumman và Boeing, đánh giá: “Thực tế rằng chúng ta đã dịch chuyển khỏi việc lệ thuộc vào binh lính và dựa nhiều hơn vào thiết bị đã mang tới cơ hội làm ăn lớn”.

Sẽ tiếp tục thu bộn tiền

Mỹ đã tiến hành chiến dịch tấn công IS ở phía Bắc Iraq từ ngày 7/8 dưới khuôn khổ pháp lý của cuộc chiến chống khủng bố. Trong mấy tuần gần đây, Mỹ đã tấn công mục tiêu IS ở Syria, sử dụng tên lửa Tomahawk, máy bay F-22, F-15, F-16 và F-18 bắn tên lửa và ném nhiều loại bom thông minh, vốn đắt tiền hơn nhiều so với các loại bom “ngu” không điều khiển.

Trước đó, việc Mỹ rút lính chiến đấu khỏi Iraq và Afghanistan đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng ở Mỹ. Nước này đã có kế hoạch cắt giảm 500 tỷ USD chi phí quốc phòng trong vòng 10 năm tới. Kết quả là nhiều công ty quốc phòng ở Mỹ lâm vào cảnh lao đao, phải cắt giảm nhân công và sát nhập với công ty khác.

Tuy nhiên trong cuộc xung đột mới ở Trung Đông, không chỉ có Mỹ trút bom xuống IS. Máy bay Pháp và Anh cũng đã bắt đầu tham gia hoạt động không kích. Nhiều nước châu Á như Saudi Arabia, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng đã nhập cuộc, ném xuống đầu IS nhiều loại bom thông minh cùng vũ khí khác mua từ Mỹ.  

Đó là chưa kể tới việc Iraq cũng đang vực dậy từ thất bại trước IS. Trong nỗ lực xây dựng quân đội mạnh, nước này đã có kế hoạch mua nhiều loại “hàng nóng” thời thượng từ Mỹ, gồm hàng chục chiến máy bay chiến đấu F-16.

Tất cả các khách hàng tiềm năng này chắc chắn sẽ còn khiến giá cổ phiếu của các công ty quốc phòng Mỹ tăng cao chót vót trong thời gian tới.

Lầu Năm Góc gần đây ước tính hoạt động quân sự ở Iraq gây tốn kém trung bình 7,5 triệu USD mỗi ngày, trong khoảng thời gian tính từ tháng 6 cho tới tuần cuối của tháng 9. Nếu tiếp tục tiến hành không kích với nhịp độ như hiện nay, mỗi năm Mỹ sẽ tiêu tốn 2,7 tỷ USD riêng cho chiến trường Iraq. Nhưng theo các chuyên gia, kể cả chi phí không kích có tăng lên mức 15 tỷ USD một năm, con số vẫn là rất nhỏ so với mức chi phí 1,3 tỷ USD mỗi tuần mà quân đội Mỹ tiêu tại Afghanistan.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm