U23 Việt Nam và thể diện quốc gia

02/04/2015 13:39 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận U23 Việt Nam thua U23 Nhật Bản 0-2, ông chủ quán cà phê bốc máy gọi điện mời tầm chục HLV bóng đá tới quán. Nhưng chỉ có mỗi một HLV đang có đội bóng chơi ở V-League có mặt để bàn về chủ đề U23 Việt Nam có phải là đội bóng bạo lực không?  

Ông chủ quán: Cám ơn anh vì anh đã đến. Một mình anh cũng được. Tôi thấy U23 Việt Nam không khác gì một CLB ở V-League. Họ chơi một thứ bóng đá bạo lực mà tôi rất ít khi thấy ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Một HLV: Tôi đồng ý. Dù chỉ có ba cái thẻ vàng dành cho U23 Việt Nam nhưng nó không phản ánh đúng những gì diễn ra trên sân. Thứ nhất là Hồ Tấn Tài đã có thể bị đuổi khỏi sân sau pha truy cản tiền đạo đối phương đang băng xuống gần khung thành U23 Việt Nam. Trọng tài đã tha cho cậu ấy, vì Tấn Tài đã nhận thẻ vàng trong hiệp một.

Đấy không phải là một pha bóng bạo lực, nhưng nó cho thấy trọng tài đã nương tay với các cầu thủ U23 Việt Nam – điều ông ta đã làm trong nhiều pha bóng khác. Thứ hai là ba lần phi thẳng hai chân mà hầu như không trúng bóng của các cầu thủ U23 Việt Nam đều xứng đáng bị phạt thẻ vì các lỗi hành vi. 



U23 Việt Nam được huấn luyện lối đá quyết liệt nhưng không bạo lực. Ảnh: Phạm Tuân

Họ thậm chí còn không chủ đích phá bóng, vì có tình huống chân của cầu thủ U23 còn cao hơn cả bóng và bóng vẫn nằm nguyên vị trong khi tiền đạo của Nhật Bản phải nhảy lên né đòn. Thứ ba là các đội tuyển Việt Nam thời gian qua không có những pha bóng sặc mùi bạo lực như thế. Và đây là điều bất thường.

Ông chủ quán: Anh có nghĩ là ông Miura đã dạy cho các cầu thủ chơi thứ bóng đá bạo lực như thế.

Một HLV: Tôi nghĩ là không. Một người có đủ trình độ nhận thức và gọi V-League là giải đấu khủng khiếp thì ông ấy không dạy các cầu thủ như vậy. Nhưng ông ấy có lỗi khi đã không nhắc nhở các cầu thủ. Có thể là ông ấy lúc đó bị cuốn vào trận đấu, cùng mang một quyết tâm rất cao với các cầu thủ. Nếu ông ấy nhắc nhở ngay từ pha bóng đầu tiên, thì tôi cho rằng sẽ không có hai pha phi chân tiếp theo của các cầu thủ khác.

Ông chủ quán: Vậy thì HLV các anh có dạy các cầu thủ vào bóng như thế?

Một HLV: Không bao giờ. Tôi không bao giờ và các đồng nghiệp của tôi cũng không chỉ cho các cầu thủ phải đá kiểu đó. Chúng tôi chỉ đòi hỏi các cầu thủ tập luyện và thi đấu máu lửa.

Ông chủ quán: Tôi biết sự máu lửa là thứ vũ khí của các anh cũng như U23 Việt Nam rồi. Nhưng máu lửa không nhất thiết phải chơi thật bạo lực. Anh đã phạm đúng cái lỗi của ông Miura mà anh vừa nói ở trên, tức là không nhắc nhở cầu thủ ngay. Không cấm, không nhắc nhở tức là đồng loã rồi. Tôi hiểu ngồi trên khán đài rồi phát xét quả là dễ dàng hơn khi anh trực tiếp cầm quân và đối diện với áp lực, nhưng khi một HLV kiểm soát được tình thế trên sân, xây dựng đội bóng của mình chơi một thứ bóng đá văn minh thì đó là một HLV đẳng cấp và bản lĩnh.

Anh hãy xem việc không nhắc nhở nó nguy hại như thế nào khi mà một cầu thủ lớn lên từ học viện JMG HAGL Arsenal, là hậu vệ Đức Lương, cậu ấy đã bay cả người vào cầu thủ Nhật Bản. Người ta mỉa mai rằng đấy Đức Lương là cầu thủ đến từ nơi dạy phải chơi bóng đá có văn hoá là HAGL mà thật ra quên mất một điều, cũng giống như trong xã hội, có những con người được đào tạo, giáo dục trong môi trường rất tốt nhưng ra ngoài đời thì bị tha hoá rất nhanh.

Vấn đề là phải tử tế một cách toàn diện. CLB của anh tử tế. 13 đội bóng ở V-League cùng đào tạo cầu thủ và chơi thứ bóng đá văn minh. Rồi lên đến đội tuyển cũng phải có những HLV nghiêm ngặt về đạo đức thi đấu thì mới thành công.

Một HLV: Nhưng chúng tôi thi đấu với thước đo thành công còn là sự chấp nhận của người hâm mộ. Khán giả của chúng tôi chấp nhận thứ bóng đá máu lửa đó. Họ tự hào. Tôi đưa quân đi đá ở sân đối phương thì mới bị la ó khi các cầu thủ của tôi chơi có phần thô bạo. Còn trên sân nhà, mọi người vẫn vỗ tay. Họ tán thưởng cách chơi đó.

Ông chủ quán: Nếu thực, đó là điều rất đáng tiếc. Tôi đi xem bóng đá nhưng không thuộc thành phần như vậy. Điều khiến cho U19 Việt Nam năm ngoái được yêu mến, trở thành hiện tượng đặc biệt của bóng đá Việt Nam cũng là bởi họ chơi đẹp, trình diễn thứ bóng đá văn minh. Năm ngoái, tôi đã thấy gần như tất cả các giới, từ quan chức Liên đoàn bóng đá cho tới người hâm mộ cùng chia sẻ với nhau ở “một tuyên bố” là phải ủng hộ và duy trì thứ bóng đá đẹp tới cùng thì nay dường như đã có sự thay đổi rất lớn.



Những cầu thủ trưởng thành từ Học viện HAGL được biết đến ở lối đá phối hợp đẹp mắt. Ảnh: Thanh Hà

Một HLV: Vậy là anh không hiểu những người làm chuyên môn chúng tôi. Chúng tôi thi đấu phải có thành tích. Anh đừng hỏi tôi tại sao lại có sức ép thành tích ở đây nhé. Đẹp mà không thắng thì đẹp để làm gì?

Ông chủ quán: Anh nói thế là nguỵ biện. Đội bóng nào cũng có sức ép thành tích, vấn đề chỉ là thành tích cao hay thấp. Cách giải quyết sức ép cho thấy đẳng cấp của đội bóng trong đó có vai trò chủ chốt của HLV. Sự máu lửa như tôi nói anh có thấy trong trận đấu giữa Barca và Real gần đây không, một trận đấu nhiều thẻ vàng cho nhiều pha truy cản quyết liệt.

Nhưng không có pha bóng nào là để nhằm triệt hạ đối phương cả. Một đội tuyển quốc gia không thể thi đấu với phong cách thô bạo. Nó là vấn đề thể diện của cả một nền bóng đá. Anh thử nghĩ xem, nếu như một cầu thủ U23 Nhật Bản né không kịp mà gãy chân sau những pha phi thẳng hai chân của của các cầu thủ U23 Việt Nam thì điều gì sẽ xảy ra?

Tôi nghĩ là HLV Miura sẽ khó ăn nói với những người đồng hương của ông ấy khi trở về Nhật Bản. Và sẽ không ai tin ông ấy nữa nếu ông tiếp tục kể trên báo Nhật rằng V-League là giải đấu khủng khiếp.

Một HLV: Cũng chẳng sao. Ông ấy có thể sang Đức. Người ta bảo ông ấy là một HLV mang phong cách Đức, từng tu nghiệp ở Đức năm năm. Hoặc ông ấy có thể cầm quân một CLB ở V-League sau khi kết thúc hợp đồng với VFF.

Thể thao Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm