26/10/2015 14:14 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - "Em bé napalm" Kim Phúc đã trở thành biểu tượng sống về sự thảm khốc trong chiến tranh Việt Nam khi bức ảnh phóng viên Nick Út chụp bà vừa khóc vừa chạy vì bỏng bom napalm hồi 9 tuổi được lan truyền trên thế giới.
Bức ảnh chụp "em bé napalm" Kim Phúc của Nick Út đã gây xúc động mạnh cho cộng đồng thế giới và nêu bật sự thảm khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Telegraph
Cuối tháng trước, bà Phúc, 52 tuổi, đã bắt đầu một loạt các cuộc điều trị bằng laser. Theo Jill Waibel, bác sĩ Viện Da liễu và laser Miami, Mỹ, hoạt động trị liệu mới có thể làm mịn và đồng màu da từ trên lưng và hai cánh tay bà. Quan trọng hơn nữa là phương pháp điều trị này cũng sẽ làm giảm những cơn đau nhức, vẫn đeo bám bà cho đến tận giờ.
Trong nhiều năm bà Phúc đều phải mặc áo dài tay để che đi những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể mình. Ảnh: Telegraph
"Suốt nhiều năm qua, tôi nghĩ rằng mình chỉ không còn sẹo, không còn đau đớn khi lên thiên đường. Nhưng giờ, thiên đường của tôi đang tồn tại ngay trên mặt đất" - bà Phúc bày tỏ khi ở Miami điều trị.
"Bà Phúc bị bỏng nặng hơn 1/3 cơ thể. Tại thời điểm thập niên 1970, hầu hết những người hứng chịu vết thương kiểu như vậy đều khó qua khỏi" - bác sĩ Waibel nói, cho biết thêm rằng napalm là chất có khả năng bám dính lấy cơ thể nạn nhân, cháy liên tục và rất khó dập, khiến họ bị hỏng rất sâu.
Thương tật khiến cho dù đã luyện tập nhiều năm để duy trì sự dẻo dai khi chuyển động, cánh tay trái của bà Phúc vẫn không thể dang rộng như tay phải. Điều này cũng khiến bà khó thực hiện mơ ước học đàn piano. Ngoài ra, những việc đơn giản như cầm ví bằng tay trái cũng là việc khó khăn với bà Phúc.
"Khi còn nhỏ, tôi rất thích trèo cây, như khỉ vậy. Tôi hái những quả ổi ngon nhất rồi ném xuống cho bạn bè" - bà Phúc kể - "Sau khi bị bỏng, tôi không bao giờ trèo cây hay chơi các trò chơi cùng các bạn như trước. Tôi thực sự đã bị tàn phế". Các cơn đau càng trở nên dữ dội vào thời điểm giao mùa ở Canada, nơi bà đã sống cùng chồng con từ những năm 1990.
Bác sĩ Waibel đã sử dụng tia laser để điều trị sẹo bỏng, trong đó có những vết sẹo napalm, trong khoảng 10 năm qua. Được biết mỗi lần điều trị thường tiêu tốn từ 1.500 - 2.000 USD. Tuy nhiên, bác sĩ đã đề nghị tặng cho bà Phúc gói điều trị này, sau khi nhận được cuộc gọi nhờ tư vấn của bà.
Bác sĩ Waibel đang kiểm tra hoạt động của cánh tay bà Phúc. Ảnh: Telegraph
Bác sĩ Waibel hy vọng bà Phúc chỉ cần làm khoảng 7 lần trị liệu, trong khoảng thời gian từ 8 - 9 tháng nữa.
"Có lẽ phải mất một năm" - bà Phúc cho biết - "Nhưng tôi thực sự rất vui mừng và biết ơn".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất