06/10/2012 15:18 GMT+7 | Liverpool
Ngụ ngôn không bao giờ cũ
Ăn vạ nhiều lần trong quá khứ, Suarez giờ trở thành nạn nhân của chính mình- Ảnh Getty
Lần đầu nói dối, người ta tin. Lần thứ hai nói dối, người ta vẫn tin. Nhưng cả chục lần nói thật sau đó, người ta không còn tin. Đó là bài học "kinh điển" được rút ra từ truyện ngụ ngôn "Chú bé chăn cừu", kể về chuyện một chú bé chăn cừu trong lúc buồn chán nghĩ ra trò kêu hô giả dối "Sói! Sói!" để dân làng chạy tới giúp đỡ, và khi sói đến thật thì không còn ai đến.
Liverpool ăn vạ quá tệ, M.U đóng kịch cực giỏi Từ đầu mùa 2011-12 đến nay, các cầu thủ Liverpool đã sáu lần bị phạt thẻ vàng vì lỗi ăn vạ, đóng kịch. Riêng mình Suarez chiếm nửa trong số đó. Trong khi đó, cầu thủ M.U chưa từng bị phạt thẻ vàng vì lỗi ăn vạ dù họ kiếm rất nhiều quả penalty nhờ hành động này. + Liverpool: 6 (Suarez 3, Agger, Carroll, Bellamy) + Chelsea: 4 (Oscar 2, Torres, Sturridge) + Tottenham: 2 (Bale 2) + Man City: 2 (Balotelli, Zabaleta) + West Brom: 2 (Cox, Dorrans) + Arsenal, Aston Villa, Bolton, Norwich, Sunderland, Wigan, Wolves: 1 |
Suarez vốn dĩ đã mang tiếng xấu khi đặt chân đến Liverpool ở kỳ chuyển nhượng tháng Giêng năm 2011. Trước đó, anh từng cắn vào cổ cầu thủ đối phương trong một trận đấu của Ajax, từng dùng tay cản bóng trên vạch vôi để giúp Uruguay giành chiến thắng trước Ghana tại World Cup 2010. Suarez không mất quá nhiều thời gian để tiếng tăm của mình trở nên... xấu hơn. Anh bị phạt nặng vì phân biệt chủng tộc đối với Patrice Evra của Manchester United, bị chỉ trích gay gắt vì không chịu bắt tay hậu vệ người Pháp vì phản ứng với án phạt. Và anh còn được mệnh danh là "vua ăn vạ" ở Premier League, nhiều lần đóng kịch, ngã vờ để kiếm quả phạt hay penalty cho Liverpool. Huấn luyện viên Alex Ferguson của M.U từng tố cáo Suarez là cầu thủ "ăn vạ khắp nơi". Đa số người hâm mộ Premier League đồng tình với lời tố cáo này, dù không phủ nhận mối quan hệ thâm thù giữa M.U và Liverpool có tác động nhất định đến Ferguson.
Thực tế, Sir Alex từng sở hữu một cầu thủ ăn vạ giỏi hơn cả Suarez. Đó là Ronaldo. Những năm tháng ở Old Trafford, Ronaldo là nỗi ám ảnh đối với trọng tài. Anh ngã vờ đẹp như Suarez, dù đối phương có chạm vào người hay không. Cái hơn của cầu thủ người Bồ Đào Nha so với Suarez là tốc độ. Trên thế giới, hiếm cầu thủ nào nhanh như Ronaldo. Và Ronaldo cũng ngã rất nhanh, khiến trọng tài khó xác định liệu hậu vệ đối phương có phạm lỗi với anh hay không. Nếu tình huống ấy diễn ra ở Old Trafford, sân nhà của đội bóng lớn nhất nước Anh cùng một huấn luyện viên đầy uy quyền như Ferguson, trọng tài sẽ thổi phạt. Ronaldo tích cực ngã vờ vì anh được trao quyền đá phạt, dù là penalty hay phạt trực tiếp. Với cầu thủ hiện đã chuyển sang Real Madrid, đó là những cơ hội ghi bàn rất tốt.
Những mùa đầu tiên, Ronaldo và M.U là người hưởng lợi. Nhưng về sau, họ lại gặp bất lợi vì Ronaldo mang tiếng là chuyên gia ăn vạ, đóng kịch. Trong những tình huống 50-50, trọng tài thường đưa ra quyết định chống lại Ronaldo và M.U. Thậm chí khi Ronaldo ngã xuống vì bị phạm lỗi thật, trọng tài cũng không cho hưởng penalty nếu ông không nhìn thấy rõ ràng.Sau Ronaldo, đến lượt Suarez vào vai "Cậu bé chăn cừu". Trong vòng hai tuần với ba trận đấu liên tiếp tại Premier League, Liverpool không được trọng tài cho hưởng quả phạt đền nào sau ba lần Suarez ngã xuống trong vòng cấm. Trận gặp Sunderland ở vòng bốn, anh bị John O'Shea phạm lỗi trong vòng cấm. Trận tiếp M.U ở Old Trafford, Liverpool không được hưởng penalty sau tình huống tranh chấp giữa Suarez và hậu vệ Jonny Evans. Cũng ở trận ấy, Liverpool lại bị thổi quả penalty quyết định, dẫn đến thất bại, dù các hậu vệ của họ không hề phạm lỗi với Antonio Valencia của M.U. Đến trận gặp Norwich ở vòng sáu, dù đã lập hat-trick và mang lại chiến thắng 5-2 cho Liverpool, Suarez vẫn tỏ ra bất bình khi trọng tài từ chối cho hưởng penalty sau pha phạm lỗi của hậu vệ Leon Barnett đối với anh.
M.U được hưởng nhiều quả penalty nhờ cầu thủ ngã vờ trong vòng cấm- Ảnh Getty
Theo phân tích của cựu trọng tài người Anh nổi tiếng, Graham Poll, Suarez đã trở thành nạn nhân của những hành động do chính mình gây ra trong quá khứ: "Suarez bị mang tiếng là cầu thủ hay đóng kịch, dễ dàng ngã xuống sân và điều này ảnh hưởng đến quyết định của trọng tài. Các đối thủ của Liverpool thường khôn ngoan tận dụng triệt để điều này. Khi Suarez ngã xuống, các cầu thủ đối phương sẽ phản ứng dữ dội với anh, quát nạt anh như thể Suarez là kẻ ăn vạ dù họ thực sự có phạm lỗi. Các cầu thủ Norwich đã có phản ứng tương tự và tránh được một quả penalty".
Không phải trọng tài cố ý làm sai. Nếu thấy rõ tình huống phạm lỗi, họ sẽ thổi phạt. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, các trọng tài không thể nhìn thấy rõ và phải đưa ra quyết định dựa theo phán đoán. Khi ấy, tiếng tăm của cầu thủ sẽ có tiếng nói quyết định. "Trước đây, tôi chọn giải pháp từ chối cho hưởng phạt đền khi Ronaldo ngã xuống. Nếu là Roy Keane thì ngược lại", Graham Poll rút ra bài học từ chính mình.
Sự thực là các trọng tài rất ghét bị các cầu thủ lừa dối, lừa gạt. Họ thường chọn giải pháp bỏ qua một quả penalty "nhạy cảm".
Nên "hoàn lương" hay tiếp tục ngã vờ?
Ronaldo đã mất rất nhiều thời gian để cải thiện hình ảnh của mình. Ở Real Madrid, anh giờ đây hiếm đóng kịch hơn và cũng ít bị trọng tài đối xử "bất công". Nếu Suarez tiếp tục ngã thật, không còn lừa dối như mấy trận gần đây, anh sẽ không còn gây ác cảm đối với trọng tài.
Nhưng không có gì ngạc nhiên nếu Suarez "ngựa quen đường cũ" với suy nghĩ rằng ngã vờ vẫn có lợi hơn ngã thật. Vì bức xúc với những quyết định sai lầm của trọng tài thời gian qua, huấn luyện viên Brendan Rodgers của Liverpool đe dọa rằng ông có thể khuyến khích các học trò tích cực ăn vạ, ngã vờ, đóng kịch. Có thể đó chỉ là cách gây sức ép với trọng tài, nhưng nếu Rodgers làm thế thật thì cũng... chẳng sao.
Đơn giản vì ở các sân cỏ bóng đá thế giới nói chung, và Premier League nói riêng, nhìn đâu cũng thấy ngã vờ. Ferguson cứ chỉ trích Suarez "ăn vạ khắp nơi", nhưng bản thân các cầu thủ của ông cũng rất chăm đóng kịch trong vòng cấm. Mùa trước, M.U hưởng lợi rất nhiều từ những lần ngã vờ của Ashley Young. Mùa này, những Danny Welbeck, Valencia, Nani thi nhau ngã vờ. Ở Chelsea, hai tân binh Eden Hazard và Oscar rất giỏi ngã "đẹp", hậu vệ như Branislav Ivanovic cũng không ngại ăn vạ trong vòng cấm đối phương, còn trước đây Didier Drogba "vô đối" về khả năng đóng kịch. Ở Liga, hai ông lớn Barcelona và Real Madrid sở hữu rất nhiều chuyên gia đóng kịch, nổi bật là Sergio Busquets và Pepe.
Những đội bóng lớn, ngôi sao lớn tất nhiên không muốn mang tiếng ăn vạ, lừa dối. Nhưng họ vẫn chấp nhận nó vì cái lợi mang lại là không nhỏ. Trong một trận đấu bế tắc, những tình huống ăn vạ dẫn đến phạt đền, phạt trực tiếp hay thẻ đỏ dành cho đối phương có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn. Chiến thắng sẽ giúp đội bóng giành lấy những chiếc cúp và tồn tại mãi với thời gian. Những tình huống ăn vạ sẽ biến mất chỉ sau vài ngày, có chăng thì chỉ cầu thủ bị mang tiếng. Ở một số giải đấu, như Serie A, hành động ăn vạ thậm chí được ca ngợi là... khôn ngoan, tinh quái.Ăn vạ, bị treo giò 3 trận?
Dù mới đến Chelsea, Oscar (áo xanh) đã phải nhận 2 thẻ vàng vì lỗi ăn vạ- Ảnh Getty
Để ngăn chặn một tình trạng xấu, giải pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất là đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc. Như chuyện phân biệt chủng tộc ở bóng đá Anh, Liên đoàn bóng đá nước này FA đã đưa ra án phạt rất nặng. Suarez đã bị treo giò đến tám trận. John Terry vẫn bị FA phạt (treo giò bốn trận, nộp phạt 220.000 bảng) dù trước đó từng được một tòa án dân sự tuyên bố vô tội. Có thể tin rằng, vấn nạn phân biệt chủng tộc sẽ giảm đáng kể khi FA kiên quyết làm căng.
Ăn vạ, ngã vờ, đóng kịch cũng có thể xem là một vấn nạn vì nó đang lan tràn dữ dội, ảnh hưởng đến hình ảnh của giải đấu. Hiện tại, theo quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), các trọng tài chỉ rút thẻ vàng cảnh cáo đối với những cầu thủ có hành động "lừa dối". Án phạt như thế tất nhiên không thể ngăn chặn vấn nạn này. Ăn vạ thành công thì được hưởng phạt đền, thất bại thì bị thẻ vàng. Các cầu thủ đương nhiên không mất nhiều thời gian để chọn giải pháp ăn vạ khi có cơ hội. Một quả penalty có thể mang đến bàn thắng, chiến thắng và thậm chí là chức vô địch. Nhưng một thẻ vàng (nếu trước đó chưa bị phạt) thì chẳng có nghĩa lý gì đối với một trận đấu, một chiến dịch, một mùa giải.
Huấn luyện viên Tony Pulis của Stoke kêu gọi FA nên đưa ra án phạt nặng hơn, cụ thể là treo giò ba trận đối với những cầu thủ có hành động ăn vạ, đóng kịch. Ông đưa ý tưởng này sau khi chứng kiến trận thua 0-1 của Stoke trước Chelsea. Trận ấy, trong lúc bế tắc, hai cầu thủ của Chelsea là Ivanovic và Oscar đã tìm cách ăn vạ trong vòng cấm để kiếm phạt đền. "Nếu Ivanovic bị treo giò ba trận, Chelsea sẽ không hài lòng với hành động ăn vạ của anh ta và bản thân Ivanovic sẽ không ăn vạ nữa. Chỉ đưa ra lời khuyên răn cầu thủ phải thật thà hơn thì không đủ và không hiệu quả. Phải có biện pháp cụ thể, nặng hơn và nghiêm khắc hơn là mỗi chiếc thẻ vàng".
Từ ý tưởng của Pulis đến thực tế thì có lẽ sẽ còn rất xa, rất lâu dù nó có được đánh giá là hiệu quả. Trước khi FA thay đổi luật, các cầu thủ "đành" tích cực... ăn vạ. Cái giá phải trả thì quá nhẹ, cái lợi thu về thì rất lớn, tội gì không làm?Người Mỹ đã hành động Dù vấn nạn ăn vạ, đóng kịch xuất hiện khắp nơi, nhưng chỉ có người Mỹ thực sự hành động tích cực để ngăn chặn. Từ mùa 2011, Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS), thông qua ủy ban kỷ luật, bắt đầu áp dụng hình thức phạt và treo giò đối với những cầu thủ đóng kịch, lừa dối trọng tài. Ủy ban kỷ luật được quyền "mổ băng" để đưa ra án phạt đối với lỗi này, điều mà bóng đá Anh không làm. Ngày 24/6/2011, MLS đã phạt tiền đạo Charlie Davies của D.C. United số tiền 1.000 USD sau khi Ủy ban kỷ luật kết tội cầu thủ này đã cố tình đóng kịch ở phút 83 trận gặp Real Salt Lake vào ngày 18/6/2011. Ngày 29/7/2011, MLS đã ra án phạt treo giò một trận (kèm 1.000 USD) đối với tiền đạo Alvaro Saborio của Real Salt Lake vì lỗi ăn vạ, khiến hậu vệ Bobby Burling nhận thẻ đỏ rời sân. MLS cảnh báo rằng những ai tái phạm sẽ bị phạt nặng hơn. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất