Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Đoàn Văn Cừ diễn ra trang trọng, ấm cúng tại Hà Nội, ngày 25/11. Hoạt động do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức; là dịp để các nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật và những người yêu mến Đoàn Văn Cừ ôn lại kỷ niệm, nhìn nhận sâu sắc hơn về con người cũng như giá trị những tác phẩm ông để lại.
Tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Văn Cừ - một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu rõ: Nhà thơ Đoàn Văn Cừ - một hồn thơ thuần Việt hết sức đặc sắc; những tác phẩm của ông thể hiện đậm đà những yếu tố văn hóa Việt được lưu truyền hàng nghìn năm. Di sản của Đoàn Văn Cừ để lại cho thơ ca và văn hóa Việt Nam là hết sức quý báu, góp phần định vị văn hóa Việt trong lòng bạn bè quốc tế. Nhân cách cao quý, tấm lòng thủy chung với đất nước, cách mạng của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo…
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ được Đảng, Nhà nước trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học -Nghệ thuật ngay đợt đầu tiên. Để ghi nhớ những đóng góp của ông cho thơ ca Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hy vọng tỉnh Nam Định xem xét việc chọn đặt tên ông cho một trường tiểu học, một con đường. Bạn đọc, gia đình, những người còn lưu giữ tư liệu, hiện vật về Đoàn Văn Cừ có thể hỗ trợ để Hội Nhà văn Việt Nam hoàn thiện không gian trưng bày về ông tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại: Giữa lúc thi đàn tràn ngập thơ lãng mạn tình ái thị thành, Đoàn Văn Cừ lại chủ trương một lối thơ hiện thực, chuyên về đề tài nông thôn. Trong thơ ông, nông thôn là nông thôn của đời thực với chuyện gặt hái, ma chay, cưới xin, chợ búa, những ông lái, ông đội và cả đàn trâu, đàn vịt… Với bút pháp tả thực, kết hợp với quan sát tinh tế, sắc sảo, hóm hỉnh, mạnh về cảm quan, khiến tác giả của Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh) ví thơ ông là “nụ cười ngũ sắc”…
Tiến sĩ Nguyên An (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết thêm: Tác phẩm của Đoàn Văn Cừ là những câu chuyện, hoạt cảnh nông thôn Việt thời xưa mà nay ta muốn phục hồi bởi nó chính là hồn cốt dân tộc. Giọng điệu và ngôn từ cùng phong vị của nó là thơ đích thực; cấu trúc của mỗi tác phẩm lại đậm đà chất ký sự, truyện ngắn và phảng phất yếu tố hoạt cảnh kịch. Sự hòa lẫn tự nhiên hai yếu tố này đã tạo nên sức sống, đặc sắc trong thi phẩm của ông.
Gia đình nhà thơ Đoàn Văn Cừ chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam
Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25/11/1913, mất 24/6/2004 ở Thôn Đô Đò xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân. Ông từng tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định năm 1936; tham gia Việt Minh trong Kháng chiến chống Pháp, làm công tác văn nghệ, phiên dịch, công tác địch vận Liên khu III; là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đoàn Văn Cừ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Ngoài thơ, ông cũng sáng tác văn xuôi với các bút danh Kẻ Sỹ, Cư sỹ Nam Hà, Cư Sỹ Sông Ngọc. Các tác phẩm tiêu biểu của Đoàn Văn Cừ gồm: Thôn ca, Thơ lửa, Việt Nam huy hoàng, Dọc đường xuân, Đường về quê mẹ…
Mỹ Bình - TTXVN