02/02/2015 13:45 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Một quy luật của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua là có ngoại binh tốt thì đội bóng tất đá tốt. Quy luật này áp dụng vào gần như mọi đội bóng, trừ B.Bình Dương trong 2 mùa gần nhất, khi họ vơ vét gần như mọi cầu thủ nội hay nhất Việt Nam hiện tại vào một tập thể ở đất Thủ. HA.GL cũng không thoát khỏi vòng xoáy này.
Quá ít hợp đồng ngoại binh thành công
Bất chấp việc lứa “gà nòi” đầu tiên của lò đào tạo HA.GL Arsenal JMG được coi là mang tiềm năng lớn lao, vấn đề ngoại binh vẫn là câu chuyện nhức nhối. Đã có thời điểm trước mùa giải, gần như mọi thông tin về đội bóng này đều chỉ nói về những tài năng trẻ như Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường mà quên hẳn về 2 suất ngoại binh.
Năng lực của ngoại binh đội bóng phố núi được bộc lộ khi GĐĐH Huỳnh Mau thừa nhận rằng có ngoại binh tốt thì HA.GL “sẽ khác” vào ngày 23/1. Đến khi Sabin-Cosmin Goia trở thành tử huyệt vào thứ Bảy (31/1) vừa qua, một lần nữa, câu chuyện ngoại binh của đội bóng này lại trở nên nhức nhối.
Lee Nguyễn từng có thời gian không thành công nhưng được kỳ vọng sẽ trở lại khoác áo HA.GL. Ảnh: M.T
Trên thực tế, đã có những giai đoạn, HA.GL sở hữu những cái tên mà chất lượng đủ để khiến cả nước ngước nhìn. Tiêu biểu là Kiatisuk Senamuang, Dusit Chalerman, Evaldo. Một số khác cũng chơi tốt nhưng chỉ trong một thời gian ngắn tại CLB, ví dụ như Allan Wanga, Ganiyu Oseni, Bassey Akpan, Đoàn Marcelo.
Những nỗi thất vọng hiển hiện
Tuy nhiên, nhìn vào bản danh sách những thương vụ “hớ” của đội bóng này, một nỗi thất vọng hiển hiện rõ ràng.
Nỗi thất vọng đầu tiên là việc HA.GL thường xuyên mạo hiểm với những cái tên chưa từng có kinh nghiệm thi đấu tại V-League, phần lớn chỉ qua lời giới thiệu mật ngọt của những tay “cò”. Những Felix Ogbuke, Pierre Djidjia, Mohamed Kone, Yaw Preko... đều đã trôi vào quên lãng.
Nỗi thất vọng thứ 2 là việc HA.GL bỏ qua rất nhiều những cầu thủ có tiềm năng lớn. Ví dụ tiêu biểu phải kể tới Huỳnh Kesley Alves và Lee Nguyễn.
Kesley ghi tới 21 bàn trong màu áo B.Bình Dương và chuyển tới phố núi cùng một sự kỳ vọng lớn, nhưng rốt cục anh đã phải chia tay HA.GL chỉ sau một mùa giải. Từ ấy về sau, chân sút người Brazil trở thành một gương mặt quen thuộc trong làng bóng đá Việt Nam, nổi tiếng với khả năng dẫn dắt hàng công của B.Bình Dương và XT.SG(cũ).
Lee Nguyễn thì thậm chí còn mang nhiều cảm xúc hơn nữa, bởi thương hiệu này đánh vào lòng tự hào quốc gia của khán giả. Cầu thủ người gốc Việt được đào tạo bởi lò trẻ danh giá PSV (Hà Lan) hồi hương năm 2009, nhưng chỉ trụ lại được trong màu áo HA.GL đúng một mùa. Chuyển tới B.Bình Dương, anh cũng chẳng thể hiện được nhiều hơn và quay về Mỹ sau 2 năm cố bám víu.
Đáng tiếc nhất là trong môi trường chuyên nghiệp hơn, Lee Nguyễn đã tỏa sáng rực rỡ và trở thành một trong 5 cầu thủ xuất sắc nhất giải Nhà nghề Mỹ (MLS) năm 2014. 20 bàn thắng, 6 pha kiến tạo trong 37 trận của Lee đã kéo New England Revolution vào tới chung kết MLS Cup.
Những trường hợp đáng tiếc
Rồi còn đó những trường hợp đáng tiếc theo một cách khác. Datsakorn Thonglao, ngôi sao lớn nhất của Thái Lan một thời, đã có 3 năm chơi cho HA.GL từ 2007 đến 2009, nhưng chưa bao giờ thực sự làm được như mức người ta kỳ vọng. Báo chí Thái thậm chí đã công kích rằng V-League làm... thui chột Thonglao.
Một trường hợp còn thảm hơn, cũng liên quan đến người Thái là Sakda Joemdee. Anh tới Việt Nam khi còn là một tài năng trẻ tiềm năng của Thái Lan, nhưng khi về nước thì gần như chẳng khán giả nào nhận ra “viên ngọc” quí báu một thời nữa.
Lật lại tất cả những gương mặt này, chúng ta có thể đi đến một kết luận: chưa bao giờ HA.GL thực sự làm tốt trong việc tuyển mộ và sử dụng ngoại binh.
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất