Mỹ - Cuba cải thiện quan hệ: Văn hóa nghệ thuật sẽ hưởng lợi lớn

20/12/2014 06:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Pedro Vidal đã dành nhiều thời gian sống ở Nam Florida, Mỹ, để giúp các nhà thơ, ca sĩ nhạc rap, nghệ sĩ... tới từ Cuba nâng cao tay nghề và phô diễn khả năng nghệ thuật của họ.

Nhưng nay, với việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận và đang bình thường hóa trở lại quan hệ với Cuba, Vidal nói rằng anh đã có kế hoạch gặp gỡ thêm nhiều nghệ sĩ nữa trên chính quê hương Cuba của anh.

Thay đổi lớn về ngoại giao...

"Chúng tôi hiện vẫn chưa thể tới Cuba... Nhưng Cuba phải là nơi chúng tôi làm việc. Làm việc từ đất Mỹ khó khăn hơn rất nhiều" - Vidal, người là Chủ tịch Quỹ tâm hồn Cuba ở Miami,  cho biết.

Quỹ đã đón hơn 40 nghệ sĩ tới từ Cuba trong 3 năm qua. Quỹ này cung cấp hoạt động đào tạo nghề nghiệp cho các nghệ sĩ, như các nhạc công muốn mở phòng thu âm tại Cuba hay các họa sĩ đang mơ tới việc mở triển lãm riêng. "Với những sự thay đổi ngoại giao đang diễn ra, tôi có thể thấy công việc của mình sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chúng ta cần nhiều sự thay đổi như thế" - anh nói.


Khung cảnh văn hóa nghệ thuật Cuba được dự báo sẽ thay đổi mạnh sau khi Mỹ dỡ lệnh cấm vận

Tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra tuyên bố lịch sử rằng Washington sẽ nới lỏng hạn chế đi lại, gửi tiền và xuất khẩu sang Cuba trong khuôn khổ nỗ lực từng bước nhằm chấm dứt sự thù địch của Mỹ với chính quyền Habana.

Vidal cùng các nghệ sĩ khác trong thế giới nghệ thuật đều đồng tình rằng sự hợp tác về ngoại giao sẽ thúc đẩy dòng chảy nghệ thuật, trình diễn và giao lưu văn hóa giữa 2 quốc gia. Ngoài ra, việc này còn thúc đẩy nhiều hoạt động trao đổi văn hóa đã hình thành giữa 2 nước.

...Thúc đẩy mạnh văn hóa nghệ thuật

Trong mấy năm gần đây, Washington và Habana đã có nhiều thay đổi về chính sách để các nghệ sĩ một bên làm việc và trình diễn dễ dàng hơn tại bên còn lại. Các nghệ sĩ Cuba đã được phép ra nước ngoài kể từ năm 1990, nhưng họ mới chỉ có thể trình diễn tác phẩm của mình tại đất Mỹ cách đây vài năm.

Năm 2011, chính quyền Obama bắt đầu cho phép người Cuba ghé thăm thường xuyên hơn và ở lại lâu hơn, thông qua việc ban hành các thị thực không di trú có thời hạn 5 năm, tăng vọt so với mức 6 tháng của trước đó. Năm 2013, tới lượt chính quyền Cuba có động thái khiến công dân nước này di chuyển ra nước ngoài dễ hơn, bằng việc gỡ bỏ các yêu cầu về thị thực trước khi xuất cảnh. Cuba cũng cho phép công dân ra sống ở nước ngoài tới 2 năm, tăng hơn so với giới hạn trước đó là 11 tháng.

Từ năm 2011, các họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ và nhà văn Mỹ đã có thể xin một giấy phép đặc biệt dành cho lĩnh vực văn hóa và giáo dục để tới Cuba, dù giấy phép này sẽ hết hạn vào cuối mỗi năm và họ sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục để được cấp phép tiếp. Động thái cải thiện quan hệ của chính quyền Obama sẽ mở ra khả năng người Mỹ hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ được cấp giấy phép tới thăm Cuba.


Các nghệ sĩ ballet Cuba tập dượt tại nhà hát Hispanic Ballet ở Miami, Mỹ.

"Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng lên của hoạt động trao đổi văn hóa trong vòng 4-5 năm qua. Tôi nghĩ rằng sự thay đổi về ngoại giao sẽ chỉ hỗ trợ các dạng quan hệ như thế" -Carlos Pomarez, Giám đốc điều hành Quỹ các nghệ sĩ Cuba ở New York nói - "Chuyện thay đổi ra sao vẫn còn phải chờ. Nhưng chúng tôi đang lạc quan".

Jorge Daniel Veneciano, Giám đốc điều hành El Museo del Barrio, một tổ chức văn hóa hàng đầu của người Mỹ Latin ở New York, nói rằng sự thay đổi về ngoại giao sẽ giúp giải quyết một số khó khăn về hậu cần, thường xuất hiện nhiều khi tổ chức trình diễn tác phẩm của các nghệ sĩ Cuba đương đại tại Mỹ.

Phát biểu với tờ New York Observer, ông dự đoán các tổ chức của Mỹ và Cuba sẽ hợp tác với nhau ngày càng mạnh hơn. "Sự thay đổi sẽ thúc đẩy các chương trình trao đổi, các cuộc triển lãm hợp tác với nhiều bảo tàng và tổ chức văn hóa ở Cuba" - ông tự tin tuyên bố.

Mơ ước nghệ sĩ trở lại giúp xây dựng Cuba

Michelle Wojcik, người điều hành tổ chức Galería Cubana ở Boston nói rằng chính sách của ông Obama cũng khiến cho việc chi trả cho các tác phẩm nghệ thuật Cuba giờ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Wojcik thường nhập khẩu hàng nghệ thuật của các nghệ sĩ Cuba, nhưng chỉ có thể thanh toán bằng hàng cục tiền mặt, mỗi khi họ tới Mỹ du lịch. Hoặc bà sẽ phải gửi tiền qua những người bạn thường xuyên di chuyển giữa Mỹ và Cuba.

"Trước kia, một trong những thách thức lớn nhất của chúng tôi là hoạt động ngân hàng" - bà nói. Hiện nay bà Wojcik đã có thể gửi thẳng tiền tới Cuba, nhờ sự thay đổi chính sách mới. Tuy nhiên bà vẫn còn một trở ngại nữa phải vượt qua: Nhiều người Cuba không có tài khoản ngân hàng để nhận tiền chuyển khoản.

Vì lẽ đó, bà bày tỏ hy vọng sự tan băng căng thẳng giữa Mỹ và Cuba sẽ khiến các nghệ sĩ Cuba có thể sống và làm việc ở quê hương một cách dễ dàng hơn. Bà nói rằng các cửa hàng ở Cuba thường không mua tích trữ toan và màu vẽ mà nghệ sĩ cần để sáng tạo. Việc này khiến các nghệ sĩ thường mua rất nhiều vật liệu khi họ ra nước ngoài. Nhiều nghệ sĩ làm việc cùng Wojcik còn không kiếm đủ tiền để nuôi sống bản thân và họ đã phải qua Mỹ để tìm kiếm cơ hội mới. "Nếu điều kiện kinh tế cải thiện ở Cuba nhờ thay đổi mới... có khả năng chúng ta sẽ thấy không ít nghệ sĩ trở lại quê nhà" - bà nói.

Tường Linh (Theo IBT)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm