(Thethaovanhoa.vn) -
Đấy là một buổi trưa đi làm về chúng tôi đã rợn ngợp trước cơ man nào là chim bồ câu. Khi anh chủ tiệm bán gạo rải thóc xuống vỉa hè, lũ bồ câu bay rào rạt, đông đến mức nếu nhắm mắt ném một viên đá, chắc chắn phải rơi vài ba con.
1. Yangon đi đâu cũng có tiếng quạ, bồ câu và nhiều lũ chim kêu chíu chít. Chúng đậu đen cả những lùm cây cổ thụ, trĩu trịt trên các chùm dây điện như mắc cửi. Tất nhiên, chỉ một thành phố bình yên, yêu chim chóc thì mới có cảnh lũ chim “ngang nhiên” đến mức hầu như vô ưu, tự nhiên thái quá đối với con người. Đến mức ở trường bắn môn súng, tiếng nổ đùng đoàng mà lũ chim sẻ cứ bay đến đỗ đầy cả bảng điện tử.
Người Yangon yêu chim lắm! Chim ở Yangon mập ú. Trước hiên nhà hay cửa hàng, không khó để nhận ra các chùm lúa khô, hay túi đựng thóc gạo, chỉ để dành cho chim đến ăn. Người dân Yangon coi việc tung thức ăn cho chim như là một điều tốt lành và trách nhiệm từ trong ý thức. Đó là sự khác biệt lớn nhất so với nhiều vỉa hè ở nhiều nước phương Đông. Thầm nghĩ, lũ chim này mà sang vỉa hè dân ta, chắc chắn không “có cửa” mà tồn tại.
Và sự bình yên của lũ chim hẳn nhiên phản ánh phần nào tâm thế, tính cách của người Yangon. Trái tim họ an nhiên. Khối óc của họ, về mặt kinh doanh vẫn chưa ám ảnh đến mức phải làm giàu, dù sự lam lũ đeo bám số đông.
2. Với vỉa hè, càng phản ánh rõ nhất sự phát triển kinh tế đô thị của thành phố đó. Thậm chí, là nét văn hóa của người dân vùng đó. Ở Việt Nam, người ta đã nỗ lực định nghĩa văn hóa vỉa hè thường theo nghĩa tiêu cực, thậm chí dẹp bỏ nhưng không thể bởi những người có “văn hóa” nhất cũng mê đắm mỗi sáng sớm kiên nhẫn xếp hàng hưởng cái thú xì xụp tô phở Bát Đàn, phở Thìn siêu đẳng, nâng chén chè xanh, cốc trà đá, ly cà phê chém gió hay tối đưa bạn đi khu ẩm thực Cấm Chỉ - Đào Duy Từ, ngồi tràn cả ra đường để tận hưởng đủ thứ trên trời dưới biển. Thậm chí, cảnh buôn bán chụp giật chửi mắng có khi đã thành một phần quen thuộc…
Sở dĩ, những cảnh nghịch mắt ở vỉa hè tồn tại bất chấp các cơ quan chức năng mạnh tay, đơn giản bởi vỉa hè đã nuôi sống bao nhiêu số phận con người. Thế thì làm sao mà dẹp bỏ được, khi cô sinh viên học mấy bằng đại học, không xin đươc việc, chỉ cần “ngồi đồng” với hàng trà chanh cũng kiếm bộn tiền mỗi tháng. Vỉa hè ở ta đúng là “tấc đất tấc vàng”.
3. Trên các vỉa hè ở Yangon, trừ chút ít khu trung tâm, đa số đều buôn bán nhỏ lẻ. Hàng hóa tự cung tự cấp, chất lượng thấp, lợi nhuận hạn chế. Ngay cả SEA Games là cơ hội làm ăn nhưng chẳng thấy sự tranh thủ tối đa. Tôi chú ý trên các vỉa hè thì bán chạy nhất vẫn là... trầu! Quán trầu nhiều vô kể, khách cứ nườm nượp. Tìm quán cà phê quá khó.
Cà phê ở đây không có pha phin, là cà phê hòa tan, hương vị nhạt nhẽo, chợt thèm ly cà phê bên mình dậy mùi hương, chưa ăn sáng say váng vất nếu làm một ly đen đậm. Trên các vỉa hè, cũng có bán trà nhưng phục vụ chủ yếu khách trung niên, và nhà sư. Trà cũng nhạt, thường được pha hẳn trong ấm siêu. Sở thích của thực khách là rót một cốc trà, sau đó chế sữa và ít cà phê vào, không hiểu kiểu uống đó mang tên gì? Tóm lại, vỉa hè bên này dân Yangon chưa coi là cái mỏ vàng lộ thiên.
Mấy anh em phóng viên chúng tôi từng ngồi “vắt óc” xem ai có sáng kiến xuất sắc để có thể kinh doanh thành công trên vỉa hè Myanmar nhưng khó. “A, phở. Nếu đem phở sang đây thì thắng lớn”. Một đồng nghiệp trẻ, sau khi tìm kiếm đồ ăn Yangon mấy ngày đã nêu ý kiến như thế nhưng khi hỏi mấy chị Việt kiều thì nhận được cái lắc đầu. “Mấy anh trong Đại sứ quán cũng từng hưởng ứng việc Việt kiều bán phở, nhưng rồi bán buôn không được vì người theo đạo (Hồi và Phật giáo) bên này ít ăn thịt. Khách du lịch thì còn quá ít”.
Chỉ có một chỗ mà có thể cảm nhận sự đồng điệu với vỉa hè bên ta, đấy là phố Tàu. Nhưng, như thế thì quá ít cho một nơi từng là thủ đô của cả đất nước.
Một thành phố hấp dẫn, dĩ nhiên phải biết chiều các loại khách bằng các sản phẩm có tính mở. Người dân Yangon kinh doanh vỉa hè không theo kiểu thế. Họ cứ buôn bán nhỏ lẻ theo kiểu của mình. Tựa như Hà Nội những thập niên 70’. Dù có nhếch nhác nhưng cảnh chụp giật chèo kéo khách, đánh nhau bươu đầu mẻ trán dường như khó bắt gặp ở Yangon. Đấy là điều đáng quý, nền tảng để khi thực sự quá trình mở cửa thành công, sẽ gúp cho đô thị Yangon, trong đó có vỉa hè, văn minh hơn, nề nếp hơn.
Viết đến đây, vẫn thèm lắm được về “chém gió” vỉa hè cùng bạn bè, được nghe những tiếng rao đủ sắc màu, được ăn những món mình thích không quá khó trên vài trăm mét vỉa hè, được thấy mình bình đẳng với mọi người, và cả đất trời. Vỉa hè ta dù sao vẫn là độc đáo và thú vị, chiều được tất cả dân ta lẫn tây, có đạo cũng như không đạo. Nếu không thì báo chí lẫn khách nước ngoài đâu nhiều lần khen hơn là chê.
Hữu Quý (Từ Yangon)
Thể thao & Văn hóa