Vì sao Nguyễn Danh Lam đoạt giải C tiểu thuyết với 'Cuộc đời ngoài cửa'?

22/12/2015 13:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Danh Lam - Cuộc đời ngoài cửa (Phương Nam Book & NXB Hội Nhà văn, 2014) - vừa đoạt giải C trong Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011 - 2015) của Hội Nhà Văn Việt Nam. Năm 2010, Nguyễn Danh Lam đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc.

Vì sao tác giả ở TP.HCM này lại có hay duyên với các giải thưởng như vậy? Báo Thể thao & Văn hóa giới thiệu một góc nhìn của nhà văn Lê Minh Phong (từ TP Huế) về điều này.

Từ bi kịch cá nhân

Nguyễn Danh Lam là một trong ít nhà văn Việt Nam đương đại ý thức được tầm quan trọng của sự làm chủ lối viết đối với thể loại tiểu thuyết. Qua những tác phẩm tiêu biểu như: Bến vô thường (2004), Giữa vòng vây trần gian (2005), Giữa dòng chảy lạc (2010), Cuộc đời ngoài cửa (2014)… chúng ta thấy rằng sự làm chủ lối viết của Nguyễn Danh Lam bắt đầu từ sự ý thức về vai trò của triết học trong sáng tạo văn chương. Mà cụ thể hơn, thế giới của Nguyễn Danh Lam luôn dựa trên nền tảng của triết học hiện sinh (existentialism).

Dựa vào đây, thế giới văn chương của Nguyễn Danh Lam là những bức tranh rộng lớn về cuộc sống của con người hiện đại. Họ đang tự đi tìm chính mình trong cuộc hiện sinh thăm thẳm và trong cảm quan hoài nghi của những tấn bi kịch đương thời.


Tiểu thuyết “Cuộc đời ngoài cửa” của Nguyễn Danh Lam

Đi sâu vào những cuốn tiểu thuyết vừa kể trên, chúng ta thấy rằng Nguyễn Danh Lam đã sử dụng nhiều yếu tố thuộc về kỹ thuật tiểu thuyết hiện đại, hậu hiện đại như xây dựng các kiểu nhân vật nghịch dị, nhân vật đám đông, xây dựng không gian hiện thực thậm phồn (hyper-reality), sử dụng các phương thức làm mờ hóa nhân vật, kỹ thuật dòng ý thức…

Cuốn tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa khởi đầu bởi một câu chuyện tưởng như khá đơn giản: cuộc rong ruổi trên chiếc xe ô tô cũ của hai cha con. Một người cha là giáo viên bỏ nghề đang buồn chán, muốn lẩn trốn trước thực tại chán chường khi gia đình tan vỡ và cô con gái, với những nét tính cách nghịch dị. Cuốn tiểu thuyết được mở rộng và kéo dài qua từng bước chân của hai nhân vật này.

Giá trị của Cuộc đời ngoài cửa không chỉ nằm ở nội dung câu chuyện được kể mà còn nằm ở không khí xung quanh câu chuyện này. Nó chán chường, tuyệt vọng. Không khí này làm chúng ta nhớ tới cuốn tiểu thuyết hiện sinh Buồn nôn, một tác phẩm kinh điển của Jean-Paul Sartre. Đó là không khí của sự trống vắng, vô phương hướng và hoài nghi thực tại đến tột cùng.

 Nhà văn Nguyễn Danh Lam & tiểu thuyết 'Cuộc đời ngoài cửa': Nhặt nhạnh những mảnh đời bình dị

Nhà văn Nguyễn Danh Lam & tiểu thuyết 'Cuộc đời ngoài cửa': Nhặt nhạnh những mảnh đời bình dị

Có cảm giác, anh viết cuốn tiểu thuyết này chẳng mấy khó nhọc. Cứ lững thững đi dạo rồi nhặt nhạnh bao cảnh đời bình dị bắt gặp mà viết ra.


Trên nền câu chuyện giản dị trong Cuộc đời ngoài cửa là sự ngầm ẩn của những rạn nứt không bao giờ có thể hàn gắn. Sự rạn nứt sinh ra từ những mâu thuẫn của các yếu tố đối lập như: tâm thức người già - tâm thức người trẻ; ý nghĩ - vô nghĩa; ta - tha nhân; đức tin - hoài nghi; hi vọng - tuyệt vọng…

Hai cha con rong ruổi qua nhiều ngày tháng, qua nhiều cung đường, qua nhiều vùng đất, đối mặt với những bất trắc khôn lường để được gì? Để tìm thấy gì? Có lẽ, họ không được gì và cũng chẳng tìm thấy gì hơn ngoài việc ngày càng lún sâu hơn vào những nỗi buồn chán, lún sâu hơn vào cái không khí nhạt nhẽo và trở nên mất phương hướng.

Đến bi kịch đám đông

Tiểu thuyết chính là những vòng bánh xe đi sâu vào những bi kịch. Nỗi buồn chán, cảm thức buồn nôn, tâm trạng vong thân trong lòng xã hội của nhân vật người cha là trung tâm điểm được khai thác. Từ điểm trung tâm này, Nguyễn Danh Lam bắt đầu mở ra những bi kịch khác của đám đông. Của những người mà hai cha con đã gặp trong suốt cuộc hành trình không có đích tới của họ.

Đọc Cuộc đời ngoài cửa để thấy thế giới vô nghĩa, phi lý, để thấy con người không biết mình tới từ đâu, sẽ về đâu và sẽ làm được gì trong cảm thức buồn nôn kéo dài lê thê suốt năm tháng sống mòn.

Là nhà văn ý thức được một cách rõ ràng vai trò của triết học trong sáng tạo văn chương, nên thế giới của Nguyễn Danh Lam, trên bề mặt có vẻ như đơn giản bởi những câu chuyện giản đơn, nhưng ngầm ẩn trong mỗi tác phẩm là những tấn bi kịch lớn của con người đương đại, con người đang đối mặt trước những vấn về thuộc về sinh tồn, thuộc về bản thể.

Trong khi nền tiểu thuyết Việt Nam nhìn chung vẫn đang loay hoay ở những lối viết thiên về cảm tính, dựa trên bút pháp mô phỏng, nệ thực, thì Nguyễn Danh Lam đã mở ra cho mình một thế giới khác. Một thế giới văn chương khởi từ sự làm chủ lối viết, sự ý thức đủ đầy về vai trò của các phương pháp sáng tác, các hệ thống lý thuyết nghệ thuật của một nhà văn có trách nhiệm với đời sống.

12 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi Tiểu thuyết

Từ hơn 170 tác phẩm dự thi, Hội Nhà văn Việt Nam vừa chọn trao 3 giải B cho: Người thứ hai (tác giả: Tô Hải Vân), Chim ưng và chàng đan sọt (Bùi Việt Sỹ), Mảnh vỡ của mảnh vỡ (Vĩnh Quyền); 9 giải C cho: Bác sĩ trưởng khoa (Vũ Oanh), Vùng sâu (Tô Nhuận Vỹ), Thạch trụ huyết (Nguyễn Trần Bé), Hát (Trần Nhã Thụy), Dư chấn 3,5 độ richter (An Bình Minh), Gã tép riu (Nguyễn Bắc Sơn), Seo Sơn (Vũ Quốc Khánh), Đốt trúc (Nguyễn Đắc Như), và Cuộc đời ngoài cửa (Nguyễn Danh Lam).

Lê Minh Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm