06/06/2022 09:35 GMT+7 | Tennis
(Thethaovanhoa.vn) - 6-3, 6-3, 6-0, và Rafael Nadal đã trải qua một trận chung kết Grand Slam có lẽ là nhàn nhã nhất trong sự nghiệp, để khẳng định vị thế thống trị của mình. Anh xứng đáng là huyền thoại của những huyền thoại.
Nadal bước vào trận đấu này sau gần 3 tiếng vật vã trước Alexander Zverev (dù mới đánh 2 set). Anh tiếp Casper Ruud, đối thủ trẻ hơn mình 12 tuổi, với cái chân trái phải tiêm thuốc tê, và hàng ngày phải tiêm thuốc giảm đau để đối phó với hội chứng Muller-Weiss - một bệnh lý ở bàn chân do xương phát triển không đúng cách - từ năm... 2005, khi anh mới 19 tuổi.
Chênh lệch đẳng cấp
Nhưng Nadal đã quá quen với điều đó, suốt 17 năm qua, trải dài qua hơn 20 Grand Slam mà anh giành được, đến nỗi nó chẳng còn là bất lợi nữa. Với tất cả những gì tôn trọng dành cho Casper Ruud – người từng thua Lý Hoàng Nam ở Wimbledon 2015 - việc anh lọt vào đến trận chung kết này đã là một thành công lớn. Và thất bại trước một huyền thoại thì chẳng có gì đáng thất vọng cả.
Tại Philippe Chatrier, Nadal vượt trội về tỷ lệ giao bóng một (82% so với 53%), số điểm winner (37-16), và số lỗi đánh hỏng ít hơn hẳn (18-26). Tỷ lệ ăn điểm trên lưới của Rafa cũng vượt trội so với đàn em (17/22 so với 13/23). Thời điểm mà Ruud cảm thấy hy vọng nhất có lẽ là ở game thứ 4 của set thứ hai khi anh giành được break để dẫn 3-1 nhờ đàn anh đánh hỏng khá khó hiểu.
Nhưng kể từ thời điểm đó đến hết trận là một màn phô diễn về đẳng cấp, khi Nadal thắng liên tiếp 11 game đấu, trong đó có 6 breakpoint. Cái lắc đầu chán nản cùng ánh mắt mệt mỏi của Ruud trên băng ghế là một minh chứng hùng hồn rằng giữa anh và Nadal vẫn là một bức tường đẳng cấp. Cần nhắc lại, Ruud trưởng thành từ học viện quần vợt của Nadal và xem anh như một thần tượng.
Casper Ruud là nạn nhân Top 10 thứ tư của Nadal ở Paris năm nay, sau Felix Auger Aliassime, Novak Djokovic, và Alexander Zverev. Anh là tay vợt thứ ba trong lịch sử thắng 4 tay vợt Top 10 ở một Grand Slam kể từ khi bảng xếp hạng ATP được áp dụng năm 1973. Hai người trước đó làm được như thế là Mats Wilander ở Roland Garros 1982 và Roger Federer ở Australian Open 2017. Nhưng cả hai huyền thoại ấy, không ai cao tuổi như Rafa bây giờ. Anh vừa đón sinh nhật thứ 36 hôm 3/6 vừa qua. Thực tế, Nadal đã vượt qua đồng hương Andres Gimeno để trở thành nhà vô địch Roland Garros già nhất trong lịch sử.
22 Grand Slam, và hơn thế nữa
Phát biểu trong lễ trao giải, Rafael Nadal khẳng định rằng không hề có chuyện mình sẽ giải nghệ ngay sau trận chung kết như nhiều lời đồn đoán. Cho dù những chấn thương là có thật và đòi hỏi phải phẫu thuật dứt điểm chứng Muller-Weiss là có thật thì chưa có dấu hiệu gì Nadal sẽ sớm từ bỏ.
Djokovic và Federer dĩ nhiên không thích điều này bởi Nadal đã bỏ cách họ 2 Grand Slam trong cuộc đua đến danh hiệu GOAT (vĩ đại nhất mọi thời đại). Federer thì rõ ràng không có cửa nâng số danh hiệu lên nữa khi anh đã sắp 41 tuổi và đã ở bên kia sườn dốc. Djokovic trẻ hơn, song đã vắng mặt ở Australian Open hồi đầu năm, và vừa rồi đã thua chính Nadal ở tứ kết Roland Garros.
Với chiến tích này, Rafael Nadal sẽ leo lên vị trí thứ 4 thế giới, khi bảng xếp hạng ATP được công bố vào đầu tuần này. Liệu Rafa có thể trở lại ngôi số một hay không? Với Rafa điều đó thật ra cũng chẳng quan trọng lắm. Điều quan trọng là mỗi khi ra sân, anh vẫn luôn luôn là một chiến binh, chiến đấu và chiến thắng, bất chấp chấn thương, bất chấp tuổi tác, bất chấp nghịch cảnh. Anh thực sự là một huyền thoại của những huyền thoại ở kỷ nguyên mở. 22 Grand Slam đã là một cột mốc đáng nhớ, nhưng chắc chắn Rafa chưa muốn dừng lại.
Tổng kết giải Vô địch đơn nam: Rafael Nadal (Tây Ban Nha) Vô địch đơn nữ: Iga Swiatek (Ba Lan) Vô địch đôi nam: Marcelo Arevalo (El Salvador)/Jean-Julien Rojer (Pháp) Vô địch đôi nữ: Carolina Garcia/Kristina Mladenovic (Pháp) Vô địch đôi nam nữ: Ena Shibahara (Nhật)/Wesley Koolhof (Hà Lan) |
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất