14/05/2023 08:51 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Quan Vũ là danh tướng hàng đầu trong Tam Quốc, có phong độ quốc sĩ, hổ thần một thời. Vì sao hơn nghìn năm không ai dám trộm mộ của ông?
Quan Vũ là một vị tướng nổi tiếng vào thời kỳ cuối của nhà Đông Hán và thời Tam Quốc. Ông chính là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán. Lúc sinh thời, Quan Vũ được đánh giá là võ tướng có tài và có nghề với sức địch vạn người. Dù có nhước điểm là kiêu ngạo, nhưng Quan Vũ lại là danh tướng vô cùng can đảm, hào hiệp trượng nghĩa và đặc biệt rất trung thành.
Những ưu điểm tuyệt vời trong tính cách của Quan Vũ khiến ngay cả một người nổi tiếng đa nghi như Tào Tháo cũng vô cùng khâm phục và coi ông là một "nghĩa sĩ thiên hạ". Tào Tháo cả đời mong muốn chiêu mộ được Quan Vũ, nhưng điều này đã không thực hiện được, vì Quan Vũ rất trung thành với Lưu Bị và nhà Thục Hán.
Ông không chỉ là một nhân vật lịch sử được thần thánh hóa trong các câu chuyện dân gian mà còn là võ tướng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có một điện thờ riêng ở Đế vương miếu. Đây là công trình được xây dựng trong thời nhà Minh, nhà Thanh. Đế vương miếu thờ những vị quan văn, võ tướng tài năng và tận trung nhất qua những triều đại.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Quan Vũ là người đứng đầu "Ngũ hổ tướng" của nhà Thục Hán. Hình tượng Quan vũ gắn liền với ngựa Xích Thố, tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt Đao được coi như biểu tượng của sự trượng nghĩa, tính hào hiệp và trung thành. Tuy nhiên, nhiều sử gia nhận định rằng do quá kiêu ngạo nên đã gây ra họa sát thân cho Quan Vũ.
Đầu năm 200, sau khi sơ suất để mất Kinh Châu, vùng đất chiến lược trong Tam Quốc, Quan Vũ không may rơi vào bẫy của Tôn Quyền và bị quân Đông Ngô vây bắt tại Lâm Thư. Cuối cùng, Quan Vũ và con trai là Quan Bình đều bị hành quyết ngay tại chỗ. Trong khi thiên hạ chia ba, cái chết của Quan Vũ thực sự trở thành sự kiện gây chấn động ba nước Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
Theo ghi chép trong sử sách, phần đầu của Quan Vũ được Tào Tháo cho an táng trọng thể ở Lạc Dương, còn phần thân thì được chôn cất ở nơi bị chặt đầu. Do đầu một nơi, thân một nẻo nên dân gian có câu nói về Quan Vũ như sau: "Đầu ở Lạc Dương, thân nằm Đương Dương, hồn về cố hương".
Như vậy, Quan Vũ có hai ngôi mộ. Nhưng điều kỳ lạ là sau hơn 1.800 năm, mộ của danh tướng này vẫn còn nguyên vẹn và không bị mộ tặc cướp phá. Điều bất ngờ là khi các chuyên gia khảo cổ Trung Quốc tiến hành khai quật 2 ngôi mộ này thì phát hiện ra mỗi mộ đều có một bộ hài cốt phụ nữ. Tuy nhiên, đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể xác định hai người phụ nữ này là ai.
Vào thời phong kiến, lăng mộ của hoàng đế, những ngôi mộ của văn võ bá quan hay các quý tộc... đều là mục tiêu của những kẻ làm nghề trộm mộ.
Trên thực tế, có rất nhiều lăng mộ, ngôi mộ bị trộm mộ tấn công, đào xới. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ rằng mộ của Quan Vũ lại không bị kẻ trộm tấn công.
Do Quan Vũ chết trong lúc loạn lạc nên hai ngôi mộ của ông ban đầu được an táng khá đơn giản. Tuy nhiên, đến thời nhà Tùy và nhà Đường, mộ của danh tướng Quan Vũ đã được tu sửa trở nên bề thế và hoành tráng hơn. Đến thời nhà Tống, địa vị của Quan Vũ ngày càng cao. Đặc biệt, đến thời nhà Minh, cả hai ngôi mộ của Quan Vũ đều trở thành "Quan lăng", được tu sửa với quy mô lớn, rất uy nghi.
Trong thời nhà Minh, Quan Vũ chính thức được suy tôn thành "Quan Thánh", "Quan Đế". Do đó, việc tôn sùng Quan Vũ cũng trở nên thịnh hành. Đến thời nhà Thanh, Quan Vũ được phong thành "Võ thánh", sánh ngang với Văn thánh Khổng Tử.
Vậy, vì sao không ai dám trộm mộ Quan Vũ?
Kỳ tích mộ Quan Vũ không bị trộm hóa ra là có 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, việc Quan Vũ liên tục được truy phong chứng tỏ các triều đại trên đều rất kính trọng Quan Vũ. Do đó, ngôi mộ của Quan Vũ cũng đương nhiên trở thành địa điểm được bảo vệ hàng đầu. Những kẻ trộm không dám tấn công mộ Quan Vũ bởi e sợ triều đình sẽ điều tra đến cùng. Mặt khác, dân chúng cũng rất tôn sùng võ tướng này. Do đó, cho dù những kẻ trộm mộ liều lĩnh cũng không dại đột nhập hay tấn công ngôi mộ của Quan Vũ.
Thứ hai, mộ tặc phớt lờ mộ Quan Vũ bởi nơi an nghỉ của võ tướng này không có đồ bồi táng quý giá. Mặc dù Quan Vũ được Tào Tháo an táng một cách trọng thể theo nghi thức của chư hầu nhưng điều này không có nghĩa là trong mộ của ông có nhiều đồ vật quý giá.
Mặt khác, trong thời kỳ chiến tranh liên miên, thiên hạ loạn lạc vào thời kỳ cuối của nhà Đông Hán và thời Tam Quốc, nạn trộm mộ hoành hành khắp nơi. Do đó, người dân trong thời kỳ này đều bắt đầu đề xuất chôn cất nhẹ nhàng, đơn giản. Trên thực tế, ngay cả Tào Tháo, một trong những nhân vật quyền lực nhất thời Tam Quốc , trước khi chết cũng chỉ yêu cầu mai táng một cách đơn giản. Do đó, việc mộ Quan Vũ không có nhiều đồ vật đáng giá cũng là điều dễ hiểu.
Tương tự, Tôn Quyền vốn có hiềm khích với Quan Vũ nên đương nhiên khi an táng phần thân của võ tướng này cũng sẽ không để vật tùy táng có giá trị. Nếu như biết mộ Quan Vũ không có đồ tùy táng giá trị thì việc đột nhập hay trộm cắp cũng vô nghĩa.
Ngoài ra, việc các triều đại sau mở rộng, tu bổ mộ Quan Vũ thực chất không phải là thêm đồ tùy táng. Thay vào đó, các triều đại chỉ mở rộng phần kiến trúc bề mặt của mộ, chẳng hạn như tượng đài, câu đối, đồ cúng tế...
Hơn nữa, hình tượng Quan Vũ với sự trung nghĩa, hào hiệp trượng nghĩa từ lâu đã được lưu truyền qua các câu chuyện dân gian, được thần thánh hóa. Do đó, Quan Vũ dần trở thành một nhân vật lớn được dân chúng nhiều triều đại tôn thờ. Thậm chí, ngay cả những người buôn bán, quan chức và những người trong thế giới ngầm đều rất sùng bái Quan Vũ. Do đó, việc mộ tặc liều lĩnh trộm mộ Quan Vũ vừa biết rằng không có đồ giá trị, vừa bị người đời khinh rẻ, truy bắt, há chẳng phải là việc làm dại dột hay sao.
Vì hai nguyên nhân trên, hơn 1.800 năm qua, hai ngôi mộ của Quan Vũ "may mắn" không hề bị trộm mộ động tới.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Sina, Baidu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất