Vì sao có derby Thể Công và CAHN?

05/01/2017 07:53 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trận thi đấu giao hữu nhằm đánh giá chính xác sự tiến bộ của Thể Công trẻ năm 1969 trên sân Cột Cờ đã gây tiếng vang lớn với giới hâm mộ bóng đá miền Bắc. Màn trình diễn cuốn hút của các cầu thủ trẻ về từ Triều Tiên trước một đội rất mạnh ở Thủ đô trong một trận đấu có chất lượng chuyên môn cao đã khiến các trận đấu sau đó giữa 2 cái tên Thể Công và CAHN luôn được quan tâm chú ý.

SVĐ Cột Cờ với lượng khán giả hạn chế 3.000-4.000 người không đáp ứng nhu cầu người xem. Nắm bắt được tình hình đó, những trận đấu sau đó giữa Thể Công và CAHN thường diễn ra trên sân Hàng Đẫy, nơi luôn có gần 3 vạn khán giả chứng kiến trận đấu và hàng triệu thính giả nghe tường thuật trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Và như thế mặc dù Hà Nội những năm bao cấp ngoài Thể Công và CAHN còn có những đội bóng rất chất lượng và truyền thống lâu đời, nhiều cầu thủ nổi tiếng như TCĐS, TCBĐ, PKKQ, QKTĐ, XDHN… nhưng Thể Công và CAHN vẫn là 2 đội bóng hàng đầu của Thủ đô.

Sự cạnh tranh quyết liệt cho vị trí dẫn đầu bóng đá Thủ đô thường xuyên diễn ra giữa 2 đội bóng này. Từ những trận giao hữu cho đến những trận đấu trong khuôn khổ một giải nào đó, những trận giữa Thể Công và CAHN luôn có diễn biến hấp dẫn kịch tính nhất, có chất lượng chuyên môn khá nhất và tinh thần thi đấu máu lửa nhất.

Ngoài ra, cuộc so tài giữa Thể Công và CAHN càng thêm hấp dẫn, quyết liệt để trở thành derby còn bởi trong 2 đội có những cầu thủ xuất sắc người Hà Nội gốc, từng trưởng thành trong cùng một “lò” đào tạo, họ đã có thời gian ăn, ở, sinh hoạt, luyện tập cùng nhau tại khu TT Quần Ngựa Hà Nội, từng thi đấu cùng nhau trong màu áo TN Hà Nội một thời gian khá dài, đó là “lò” Thanh niên Hà Nội dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Huy Luyến, HLV nguyên là danh thủ bóng đá nổi tiếng Hà Nội mà giới hâm mộ bóng đá Hà thành thường gọi thân mật là Luyến “hói”!


Những trận derby Thủ đô giữa CAHN (trái) và Thể Công (phải) ở thời kỳ nào cũng được người hâm mộ quan tâm theo dõi. Ảnh: Quang Minh

Nếu CAHN có được tiền vệ Nguyễn Ngọc Điệp, hậu vệ Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Văn Hai tức Hai “voi”, tiền đạo cánh phải Ngô Văn Chi, tức Chi “tơ”, tiền đạo trái Nguyễn Văn Đặng tức Đặng “cóc” thì Thể Công đã tuyển chọn được hậu vệ trái Nguyễn Duy Phú, tức Phú “mèo”, tiền đạo cánh phải Bùi Ngọc Chi tức Chi “cố” và đặc biệt là tiền đạo cánh trái Ba Đẻn Nguyễn Thế Anh.

Các cầu thủ trưởng thành từ lò thày Luyến đều có tiếng nói “trọng lượng” về tài năng bóng đá và đương nhiên với cả 2 đội bóng. Ngoài ra không thể không nhắc đến một cầu thủ Thể Công có ảnh hưởng lớn đến tinh thần thi đấu của 2 đội mỗi lần gặp nhau bởi những mối quan hệ bạn bè trong cộng đồng ‘phủi” Long Biên, đó là Nguyễn Viết Cầu, tức Cầu “điên”, một “ lãng tử” Hà Nội đẹp trai như tài tử điện ảnh nhưng sinh ra để đá bóng với sự đam mê giành chiến thắng đến cay cú trong mọi trận đấu!

Đặc biệt cứ mỗi lần Thể Công gặp CAHN, Cầu “điên” như điên hơn mọi khi và anh như chất xúc tác khiến trận đấu trở nên căng thẳng hơn, bởi nhiều cầu thủ (cả 2 đội) nổi nóng, thiếu kiềm chế và … đôi khi ngay cả trọng tài cũng không còn đủ sự tỉnh táo để điều khiển trận đấu!

Cầu “điên” có thể tạo nên động lực giúp chúng tôi thêm nỗ lực, nhưng cũng có lúc anh đã khiến chúng tôi phải trả giá vì cái đầu quá nóng của mình!

Vì sao có derby Thể Công và CAHN?

Vì sao có derby Thể Công và CAHN?

Gần 20 năm là cầu thủ bóng đá bảo vệ màu cờ sắc áo Thể Công, có thể nói tôi là một trong những ở cầu thủ thế hệ của mình có mặt đầy đủ trong tất cả những trận thi đấu với đội CAHN kể từ năm 1969

Nhìn lại những trận đấu với CAHN, tôi cho rằng sở dĩ nó trở thành derby, nó trở nên hấp dẫn, cuốn hút người xem bởi chính sự đua tranh không khoan nhượng của những cầu thủ từng sống với nhau, hiểu biết nhau rất rõ từ khi còn được đào tạo tại “lò” bóng đá TN Hà Nội.

Giờ đây họ chính những cầu thủ nổi bật có vai trò chủ chốt trong 2 đội bóng và chính họ đã khiến các trận thi đấu giữa Thể Công và CAHN vốn là trận đấu bình thường trở thành những trận derby!  

Công bằng mà nói, đa số các trận đấu giữa CAHN và Thể Công luôn diễn ra sôi nổi hấp dẫn với những diễn biến khó lường. Lực lượng CĐV của Thể công luôn áp đảo về số lượng nhưng số CĐV CAHN luôn thể hiện sự nhiệt tình cháy bỏng!

Nếu thống kê lịch sử chuỗi trận đấu Thể Công – CAHN từ những năm 1970 cho đến ngày CAHN giải thể, số trận thắng CAHN của Thể Công nhỉnh hơn, nhưng số trận 2 đội hòa nhau cũng kha khá. Và thường người ta nói rằng Thể Công hòa là thua thì tổng hợp lại, số trận Thể Công hòa và thua cộng lại nhiều hơn số trận Thể Công giành phần thắng!

Vì thế giới hâm mộ nói chung đều đánh giá Thể Công luôn “kỵ giơ” mỗi khi thi đấu với CAHN!

Vũ Mạnh Hải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm